MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tất tay vào VPB, thành quả từ đầu năm của Passion Investment (PIF) “đổ sông đổ bể” chỉ sau 1 tháng

Theo báo cáo được công bố gần nhất vào ngày 11/5, giá trị tài sản ròng trên đơn vị đầu tư của Passion Investment (PIF) chỉ còn 29.984 đồng, tương ứng mức tăng vỏn vẹn 2% so với đầu năm. Trong phiên 14/5, cổ phiếu VPB tiếp tục giảm 3,5% và điều này có nghĩa công sức từ đầu năm tới nay của PIF đã “đổ sông đổ bể”.

Thành lập từ năm 2015, Passion Investment (PIF) là quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu trên TTCK Việt Nam với quy mô tài sản hàng trăm tỷ đồng và đã gặt hái được không ít thành công trên TTCK. Trong năm 2016, quỹ đã đem lại tỷ suất lợi nhuận bình quân hơn 95% cho các khách hàng của mình và đến năm 2017, mức sinh lợi tiếp tục duy trì ấn tượng với con số 50%. Với mức sinh lợi "khủng" kể trên, PIF đang được coi là ngôi sao mới nổi trong thị trường tài chính Việt Nam những năm gần đây.

Theo PIF, quỹ đầu tư theo phương pháp đầu tư giá trị và thành công của quỹ trong những năm qua đến từ các cổ phiếu cơ bản tốt, tăng bằng lần như MWG, PNJ, HDG,…

Soi danh mục của PIF, có thể thấy quỹ đầu tư không quá dàn trải và thường chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu. Từ giữa năm 2016 quỹ đã tập trung khá mạnh vào MWG và liên tục gia tăng tỷ trọng. Tính tới cuối quý 3/2017, PIF nắm giữ hơn 654 nghìn cổ phiếu MWG, tương ứng giá trị 76 tỷ đồng và đây là khoản đầu tư lớn nhất, chiếm 63,27% danh mục quỹ. Trong quãng thời gian đó, cổ phiếu MWG đã bứt phá "bằng lần" và điều này đã giúp danh mục quỹ tăng trưởng ấn tượng.

Tất tay vào VPB, thành quả từ đầu năm của Passion Investment (PIF) “đổ sông đổ bể” chỉ sau 1 tháng - Ảnh 1.

PIF thành công rực rỡ khi chốt lời trúng đỉnh MWG

Kể từ quý 4/2017, PIF bắt đầu tiến hành chốt lãi MWG và hoạt động này đã hoàn tất trong quý 1/2018, đây cũng là lúc cổ phiếu MWG tạo đỉnh. Có thể nói, MWG là thương vụ hết sức thành công của PIF khi quỹ đã mua, nắm giữ từ vùng giá thấp và tiến hành chốt lời toàn bộ khi cổ phiếu tạo đỉnh.

"Bay hơi" thành quả từ đầu năm vì tất tay vào VPB

Tiếp tục với "phong cách" đầu tư tập trung, VPB là cổ phiếu được PIF lựa chọn để đầu tư. Bắt đầu mua VPB từ khi cổ phiếu mới lên sàn vào tháng 8/2017, PIF liên tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt kể từ khi chốt lời MWG.

Tính tới hết quý 1/2018, VPB đã thay thế MWG trở thành khoản đầu tư lớn nhất của PIF với 3,25 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ trọng 94,82% danh mục quỹ. Có thể nói, tỷ trọng đầu tư vào VPB là rất lớn, vượt xa khoản đầu tư vào MWG trước đây và điều này cho thấy sự tự tin của PIF khi gần như tất tay vào một cổ phiếu.

Tất tay vào VPB, thành quả từ đầu năm của Passion Investment (PIF) “đổ sông đổ bể” chỉ sau 1 tháng - Ảnh 2.

Danh mục đầu tư của PIF tại thời điểm cuối quý 1 chủ yếu là VPB

Kết quả quý 1 được công bố cho thấy sự kỳ vọng của PIF là có cơ sở khi cổ phiếu VPB liên tục bứt phá và là một trong những cái tên "nóng" nhất thị trường. Giá trị tài sản ròng trên đơn vị đầu tư của PIF tính tới hết quý 1 đạt 38.811 đồng, tương ứng mức sinh lợi 32% so với đầu năm, vượt xa đà tăng chung của thị trường.

Tuy vậy, việc thị trường bất ngờ điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 4 và kéo dài đến bây giờ đã gây ra không ít khó khăn cho quỹ. Cổ phiếu VPB bên cạnh tác động chung từ thị trường còn gặp nhiều thông tin bất lợi như lo ngại nợ xấu gia tăng hay mới đây nhất là thông tin FE Credit, vốn là "nồi cơm" của VPBank có thể sẽ bị thanh tra trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Không ít CTCK thậm chí còn cắt margin với cổ phiếu VPB càng khiến tình hình trở nên xấu hơn.

Những yếu tố trên đã khiến cổ phiếu VPB rơi một mạch từ mức gần 70.000 đồng/cp từ đầu tháng 4 xuống 49.900 đồng trong phiên giao dịch 14/5, tương ứng mức điều chỉnh gần 30%.

Tất tay vào VPB, thành quả từ đầu năm của Passion Investment (PIF) “đổ sông đổ bể” chỉ sau 1 tháng - Ảnh 3.

VPB giảm sâu, thổi bay thành quả từ đầu năm của PIF

Với danh mục gần như chỉ có VPB, không bất ngờ khi thành quả đầu tư của PIF từ đầu năm đến nay bỗng chốc "bay hơi" chỉ trong thời gian ngắn. Theo báo cáo được công bố gần nhất vào ngày 11/5, giá trị tài sản ròng trên đơn vị đầu tư của PIF chỉ còn 29.984 đồng, tương ứng mức tăng vỏn vẹn 2% so với đầu năm. Trong phiên 14/5, cổ phiếu VPB tiếp tục giảm 3,5% và điều này có nghĩa công sức từ đầu năm tới nay của PIF đã "đổ sông đổ bể".

Tất nhiên, những kết quả trên chỉ là yếu tố ngắn hạn và nếu VPB hồi phục trở lại, hoặc PIF tiến hành tái cơ cấu danh mục thì kết quả hoạt động của quỹ có thể cải thiện trở lại.

Tất tay vào VPB, thành quả từ đầu năm của Passion Investment (PIF) “đổ sông đổ bể” chỉ sau 1 tháng - Ảnh 4.

PIF đã trở về vạch xuất phát đầu năm

Ông Lã Giang Trung – cựu Giám đốc khối cổ phiếu của Bảo Việt Fund là Tổng giám đốc PIF. Bên cạnh PIF, ông Trung còn điều hành CTCP Hestia hiện đang giao dịch trên Upcom với mã chứng khoán HAS, đây là quỹ đầu tư phục vụ mục đích dài hạn hơn so với PIF. Tuy nhiên, danh mục Hestia nhìn chung không có quá nhiều điểm khác biệt so với PIF.

Năm 2016 và 2017, với MWG là chủ lực trong danh mục, Hestia cũng đạt được mức lợi suất đáng nể, lần lượt là 477% và 74%. Tuy vậy, cũng như PIF, Hestia đã cơ cấu sang VPB và điều này đã khiến lợi suất quỹ tại ngày 11/5 chỉ tăng vỏn vẹn 0,82% so với đầu năm, dù từng có thời điểm tăng 40%. Hiện tại, tổng tài sản Hestia đạt 292 tỷ đồng và phần lớn tập trung vào VPB.

Tất tay vào VPB, thành quả từ đầu năm của Passion Investment (PIF) “đổ sông đổ bể” chỉ sau 1 tháng - Ảnh 5.

Tương tự PIF, Hestia cũng trở về vạch xuất phát

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên