Tàu cũ Nhật Bản được "kéo dài sinh mệnh" ở nước ngoài: Vì sao vẫn rất được ưa chuộng?
Điều khiến tàu Nhật Bản đã qua sử dụng được ưa chuộng ở nước ngoài không chỉ có giá thành thấp hay độ bền.
Tuổi thọ thông thường của một phương tiện giao thông đường sắt vào khoảng 30 đến 40 năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số đoàn tàu Nhật Bản đã loại biên được chuyển giao cho các nước khác và đang "sống một cuộc đời thứ hai" tại các nước này.
Câu chuyện ở Myanmar
Theo ông Ihara Kaoru, nhiếp ảnh gia, tác giả chuyên về chụp ảnh, viết bài về những đường sắt và những chuyến đi trên những đoàn tàu, hiện tại có nhiều đoàn tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản đang hoạt động tích cực trên các tuyến đường sắt của Myanmar. Chúng được người dân đón nhận và vẫn hoạt động tích cực như lúc còn ở Nhật.
Tàu loại Kiha 11 từng thuộc sở hữu của JR Central đang hoạt động tại đường sắt Myanmar. (Ảnh Ihara Kaoru)
Một trong những con tàu Nhật cũ được sử dụng ở Myanmar là tàu Kiha 11 của JR Central, được bắt đầu sản xuất vào năm 1988, phục vụ chủ yếu trên tuyến Takayama-honsen (kết nốt tỉnh Gifu và Fukuyama) và tuyến Kisei-honsen (kết nối tỉnh Mie và Wakayama) ở miền Trung Nhật Bản.
Vào năm 2015, hầu hết tàu loại Kiha 11 đã được loại biên, thay thế bởi các đầu máy, toa tàu loại mới hơn. Những đoàn tàu loại biên được chuyển giao cho đường sắt Myanmar.
Sau khi chuyển tới Myanmar, các đoàn tàu này vẫn giữ nguyên thiết kế sọc cam trên nền trắng của JR Central.
Nội thất một đoàn tàu được chuyển giao từ Công ty đường sắt Noto. Vẫn còn khá nhiều những kí hiệu tiếng Nhật. (Ảnh Ihara Kaoru)
Một điểm khác biệt sau khi được sang nhượng cho người chủ mới là những chiếc ghế được xếp ngang thân tàu ban đầu đã được thay thế bằng những chiếc ghế nhựa dài xếp dọc thân tàu.
Nội thất những đoàn tàu Kiha 11 của Đường sắt Myanmar. Những chiếc ghế ban đầu đã được thay thế bằng những chiếc ghế nhựa dài. (Ảnh Ihara Kaoru)
"Cứ mỗi 4 đến 5 phút, tàu lại dừng đón trả khách tại ga. Đoàn tàu gồm 5 toa và có khá nhiều chỗ đứng. Tôi thấy có khá nhiều hành khách sử dụng chuyến tàu này", ông Ihara Kaoru kể lại.
Tàu NT100 từng thuộc Công ty Đường sắt Noto được sơn hai màu đỏ kem. (Ảnh Ihara Kaoru)
Tác giả cho biết ông cũng đã trải nghiệm tuyến Yangon Circular Railway - kết nối trung tâm Yangon và các vùng xung quanh. Một chặng cả đi và về mất khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Hầu hết tàu chạy trên tuyến này là các loại tàu diesel từ Nhật Bản. Ông cho biết: "Chiếc tàu mà tôi đã lên là một chiếc thuộc loại Kiha 40, từng thuộc sở hữu của JR Central, do Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (JNR) sản xuất. Số hiệu, màu sắc, ngoại thất tàu vẫn được giữ nguyên giống như lúc còn ở Nhật Bản, thậm chí các sticker tiếng Nhật dán ở cửa cũng vẫn còn nguyên."
Phía bên trong đoàn tàu có hình quốc kỳ Nhật Bản cùng với dòng chữ: "Chi phí vận chuyển, bảo trì và đào tạo vận hành được tài trợ bởi chính phủ và nhân dân Nhật Bản" bằng tiếng Myanmar và tiếng Anh.
Tác giả tiếp tục: "Khi tôi đang chụp ảnh, một người Myanmar đã bắt chuyện với tôi. Khi biết tôi là người Nhật, anh đấy đã nói với tôi: 'Tàu này là tàu Nhật Bản đấy!'. Tôi đã trả lời: 'Đương nhiên là tôi biết chứ, tôi đến đây để viết bài về những đoàn tàu này mà. Anh ấy nói rằng: 'Tàu của Nhật Bản thật là tuyệt. Cảm giác rất dễ chịu, lại còn có cả điều hòa, rất mát.'"
Có khá ít phương tiện giao thông công cộng ở Myanmar có điều hòa, nếu có thì giá cũng sẽ cao hơn thông thường một chút.
Lời giới thiệu về những đoàn tàu có nguồn gốc từ Nhật Bản bên trong tàu. (Ảnh Ihara Kaoru)
Vào một ngày khác, tác giả đã lên tàu đi lên phía Bắc của thủ đô Yangon: "Lần này chuyến tàu tôi đi sử dụng tàu loại NT100, từng thuộc công ty đường sắt Noto, phục vụ trên tuyến Noto ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa.
Đây là một trong những đoàn tàu được chuyển giao đến Myanmar sớm nhất, từ năm 2006. Đã hơn 10 năm kể từ ngày nó được chuyển giao. Ngoại thất con tàu đã được sơn lại hai màu đỏ và kem truyền thống của Đường sắt Myanmar. Tôi cảm thấy rất vui vì dù đã qua hơn 10 năm nhưng con tàu vẫn hoạt động tốt."
Tàu Kiha 141 từng thuộc JR Hokkaido. Ngoại thất vẫn giống như thời gian tàu còn ở Nhật. (Ảnh Ihara Kaoru)
Sau khi tới ga đến, tác giả đã nhìn thấy một chiếc tàu loại Kiha 141 từng thuộc JR Hokkaido: "Những chiếc cửa sổ với thiết kế 2 lớp kính đặc biệt chỉ có ở Hokkaido, với mục đích giữ ấm cho bên trong toa tàu trong mùa đông khắc nghiệt, vẫn được giữ nguyên, cho dù Myanmar là một đất nước nhiệt đới.
Trên tàu có khá nhiều trẻ em, có lẽ là đang trên đường đi học về. Hình ảnh một đoàn tàu Nhật Bản chạy thong thả trên một cánh đồng cỏ xa xa thật đẹp."
Đã có hơn 100 toa tàu được Nhật Bản chuyển giao cho Myanmar, và số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Đoàn tàu được chuyển giao cũ nhất cũng đã hơn 10 năm và vẫn đang hoạt động tốt.
Các đoàn tàu Kiha 40 chạy trên tuyến vòng Yangon vẫn giữ nguyên ngoại thất như thời còn hoạt động trên những tuyến đường sắt của JR Central. . (Ảnh Ihara Kaoru)
Trong ga Trung tâm Yangon, có khá nhiều tàu Nhật Bản đang được bảo dưỡng. Một nhân viên cho biết: "Tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản tuy không phải là tàu mới nhưng vẫn rất bền bỉ và dễ bảo dưỡng. Chúng tôi sẽ cố gắng để sử dụng những chiếc tàu này lâu nhất có thể".
Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang hợp tác giúp đỡ Đường sắt Myanmar trong quá trình hiện đại hóa như việc nâng cấp, cải thiện hệ thống đường sắt, biển báo hiệu, v.v.. Có lẽ trong tương lai sẽ có nhiều tàu Nhật Bản chạy trên đường sắt Myanmar hơn nữa.
Vậy những nơi khác thì sao?
Việc xuất khẩu công nghệ đường sắt của Nhật Bản đang được đẩy mạnh trong những năm gần đây, và việc này góp phần quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Các phương tiện đường sắt được sản xuất trong giai đoạn phát triển kinh tế cao độ những năm 1950~1970 đang dần được thay thế bởi các phương tiện mới hơn. Các phương tiện đã qua sử dụng được chuyển giao cho nước ngoài với giá gần như bằng 0.
Truyền thông Nhật cho biết: Cho đến nay đã có hơn 1.100 phương tiện đường sắt Nhật Bản đã qua sử dụng được chuyển giao đến các nước khác, góp phần nâng cao đời sống người dân các nước, đặc biệt là các nước châu Á.
Về việc này, nhiếp ảnh gia chuyên về chụp ảnh đường sắt và nhà nghiên cứu lịch sử đường sắt Shirakawa Jun cho biết:
"Do các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn ở Nhật Bản, việc sửa chữa bảo dưỡng các phương tiện cũ, đã được sử dụng vài chục năm, không tiết kiệm bằng việc thay thế các phương tiện này bằng các phương tiện mới. Mặt khác, những đầu máy, toa xe được sản xuất và sử dụng tại Nhật Bản được bảo dưỡng hết sức cẩn thận, nên chúng vẫn có thể tiếp tục được sử dụng một thời gian dài nữa.
Chính vì vậy, ở các nước đang phát triển, có nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng giao thông, so với việc mua những phương tiện mới thì việc chuyển giao những đoàn tàu cũ của Nhật Bản với giá thành thấp, gần như chỉ phải chịu chi phí vận chuyển và bảo dưỡng, một phần chi phí lại có thể được hỗ trợ bởi ODA của Nhật Bản, có vẻ hấp dẫn hơn nhiều."
Một tàu đang chạy trên đường sắt Jakarta (Indonesia) vẫn hiển thị “Điểm đến: Tsuganuma” ở đầu tàu. Đoàn tàu này từng chạy trên tuyến Tozai của Tokyo Metro. Ảnh chụp tháng 1 năm 2012.
Đối với các công ty đường sắt ở Nhật Bản, việc xử lý những chiếc xe đã qua sử dụng trong nước có thể tốn đến hàng triệu Yên. Việc chuyển giao cho nước ngoài với giá gần như miễn phí có lợi hơn nhiều.
Chính vì vậy mà những mối quan hệ hai bên cùng có lợi đã được thiết lập. JR East, công ty đã chuyển hơn 600 đầu máy và toa tàu đến Indonesia và Myanmar cho biết:"Chúng tôi đang có kế hoạch chuyển thêm 336 phương tiện nữa đến Indonesia vào năm 2020".
Tokyo Metro đã chuyển giao 131 phương tiện đến Argentina và 400 phương tiện đến Indonesia. Ngoài ra nhiều công ty khác như Đường sắt Ise, Đường sắt Nagoya cũng tham gia vào quá trình chuyển giao này.
Tuy nhiên, điều khiến tàu Nhật Bản đã qua sử dụng được ưa chuộng không chỉ có giá thành thấp hay độ bền.
"Khổ đường sắt phổ biến trên thế giới là 1435mm. Tuy nhiên ở Nhật Bản, khổ đường sắt phổ biến là 1067mm. Các nước Đông Nam Á chủ yếu sử dụng khổ 1000mm, chính vì vậy việc sửa chữa tàu Nhật Bản cho phù hợp để chạy trên đường sắt các nước Đông Nam Á đơn giản hơn.
Ngoài ra, so với những đoàn tàu mới được chế tạo gần đây sử dụng những thiết bị điện tử phức tạp cũng như yêu cầu kĩ thuật bảo dưỡng cao, những đoàn tàu cũ của Nhật Bản có thiết kế đơn giản, khiến cho việc vận hành và bảo dưỡng dễ dàng hơn nhiều." - Ổng Shirakawa cho biết thêm.
Đã 7 năm trôi qua kể từ thảm họa động đất - sóng thần Tohoku 2011. Một số đầu tàu, toa xe của Đường sắt Sanriku bị hư hỏng nặng trong thảm họa cũng đã được sửa chữa và chuyển giao đến Myanmar.
Ông Tomite Atsushi, Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng của Công ty Đường sắt Sanriku cho biết:
"Chúng tôi đã chuyển giao tổng cộng 7 đầu máy và toa tàu cho phía Myanmar, 5 trước trận động đất và 2 sau trận động đất. Tuy những phương tiện này đã cũ, nhưng nếu bảo dưỡng và sửa chữa đúng cách, chúng vẫn có thể hoạt động thêm một thời gian dài nữa ở nước ngoài. Tôi mong muốn những phương tiện này có thể tiếp tục chạy trong tương lai, hỗ trợ cuộc sống và trở thành 'đôi chân' cho những người dân Myanmar."
Doanh Nghiệp & Tiếp Thị