Bi kịch đã không xảy ra: Con tàu mắc cạn trên kênh đào Suez được giải cứu sau 1 tiếng và 16 phút
Sau khoảng 1 giờ 16 phút, tàu Xin Hai Tong 23 treo cờ Hồng Kông đã được kéo khỏi vị trí mắc cạn trên Kênh đào Suez, ngăn huyết mạch hàng hải toàn cầu chịu cảnh tắc nghẽn.
- 05-02-2023Ai Cập bác tin đồn bán Kênh đào Suez cho công ty nước ngoài
- 03-02-2023Kênh đào Suez đạt doanh thu cao nhất lịch sử
- 26-01-2023Doanh thu từ kênh đào Suez đạt kỷ lục 8 tỷ USD năm 2022
- 16-03-20221 năm sau vụ kênh đào Suez, một con tàu khác của Evergreen dài 334m lại vừa bị mắc kẹt ở cảng Mỹ
Thông tin mới nhất cho thấy con tàu Xin Hai Tong 23 dài gần 190 m đã được đưa khỏi vị trí mắc cạn. Việc con tàu này có thể di chuyển đã cho phép các tàu khác tiếp tục qua lại trên Kênh đào Suez, con đường tắt nối liền giao thương giữa châu Á và châu Âu.
Trước đó, Reuters dẫn thông tin từ Leth Agencies – công ty đảm trách dịch vụ vận tải hàng hải qua kênh đào Suez, cho biết, các tàu kéo đang nỗ lực để đưa con tàu có tên Xin Hai Tong 23 di chuyển trở lại.
“Tàu Xin Hai Tong 23 mắc cạn trên kênh đào Suez lúc 4 giờ sáng tại km số 150. Ít nhất 4 tàu đi chuyển phía sau nó để vượt qua kênh đào đã bị buộc phải dừng lại”, thông báo từ Leth Agencies cho biết.
Theo Sky News, con tàu mắc cạn là loại chở hàng rời có chiều dài 189m. Nó được đóng năm 2010 và đang treo cờ Hồng Kông, Trung Quốc. Hiện chưa thể xác định tình trạng con tàu.
Kênh đào Suez được mô tả là huyết mạch hàng hải toàn cầu khi nó nối liền biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Khoảng 30% lượng container của thế giới đi qua con kênh và 12% tổng thương mại toàn cầu. Điểm hẹp nhất của con kênh chỉ rộng 200m và từng xảy ra những vụ tắc nghẽn khi có tàu hàng mắc cạn trong lúc vượt kênh.
Năm 2021, Ever Given, một tàu container đã chắn ngang dòng kênh trong 6 ngày, khiến tuyến hàng hải huyết mạch bị tắc nghẽn. Sự cố đã gây ra hỗn loạn cho ngành vận tải biển, vốn đã chịu nhiều áp lực từ các vấn đề với chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Kênh đào Suez là tuyến đường huyết mạch bởi nó ngăn các tàu không phải vòng qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi. Hải trình từ Tokyo, Nhật Bản tới Rotterdam, Hà Lan sẽ giảm được gần 7.000 km nhờ con kênh.
Đây không phải sự cố duy nhất với dòng kênh trong thời gian gần đây. Hồi tháng 1, tàu container chở 65.000 tấn ngô từ Ukraine đã mắc kẹt trên dòng kênh nhưng được xử lý nhanh chóng. Tháng 8 năm ngoái, một tàu chở dầu cũng mắc cạn, gây nghẽn trong khoảng 5 tiếng.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống Thị trường