MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tàu lặn thăm Titanic mất tích: Mỹ phát hiện vụ nổ ngay từ đầu?

23-06-2023 - 08:47 AM | Tài chính quốc tế

Một dấu hiệu âm thanh phù hợp với vụ nổ dù chưa rõ ràng đã được Hải quân Mỹ ghi nhận ngay trong sáng 18-6, đúng khu vực tàu lặn Titan mất tích khi xuống tham quan xác tàu Titanic.

Theo một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ, tín hiệu có thể là vụ nổ này đã được chuyển ngay lập tức cho các chỉ huy tại hiện trường, những người dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm. Thông tin đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm.

Tàu lặn thăm Titanic mất tích: Mỹ phát hiện vụ nổ ngay từ đầu? - Ảnh 1.

Các nạn nhân mất tích trên tàu lặn Titan - Ảnh: CNN

Âm thanh có thể là vụ nổ này được thu bởi một mạng lưới cảm biến nhằm ghi nhận mọi động tĩnh dưới nước, cho phép Hải quân Mỹ xác định các vị trí giúp định hướng cho cuộc tìm kiếm.

Tuy nhiên, âm thanh này được cho là "không dứt khoát" và nỗ lực đa quốc gia nhằm tìm kiếm chiếc tàu lặn Titan - bất ngờ mất liên lạc khi tiến đến tham quan xác tàu Titanic sáng 18-6 (giờ địa phương) - vẫn tiếp tục.

"Bất kỳ cơ hội cứu mạng nào cũng đáng để tiếp tục sứ mệnh" - đài CNN dẫn lời vị quan chức nói trên trong tuyên bố hôm 22-6.

Trong suốt quá trình tìm kiếm sau đó, các lực lượng cứu hộ không nghe thêm bất kỳ dấu hiệu nào có thể liên kết với vụ nổ thảm khốc.

Tàu lặn thăm Titanic mất tích: Mỹ phát hiện vụ nổ ngay từ đầu? - Ảnh 2.

Chuẩn đô đốc John Mauger, Chỉ huy trưởng Lực lượng bảo vệ bờ biển số 1 phát biểu tại họp báo hôm 22-6, công bố tàu lặn Titan đã "phát nổ thảm khốc" - Ảnh: REUTERS

Về tiếng như tiếng đập được phát hiện trong cuộc tìm kiếm - đã từng khiến mọi người hy vọng là dấu hiệu của sự sống, kết quả phân tích cho rằng đó có thể là âm thanh của các sinh vật biển hoặc của các tàu hoạt động trong khu vực, bao gồm đội tìm kiếm.

Công tác tìm kiếm cứu hộ đã kết thúc và các nhân viên y tế, nhân viên hiện trường khác sẽ rời đi trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, nỗ lực tìm kiếm và trục với xác tàu Titan vẫn tiếp tục vô thời hạn bằng các phương tiện robot.

Trả lời phỏng vấn của CNN, thuyền trưởng Mark Martin, một bậc thầy về cứu hộ và lặn sâu, cho biết cần có một con tàu được trang bị phù hợp có khả năng trục vớt xác tàu Titan.

Con tàu này sẽ cần một cần cẩu có dây có thể tiếp cận độ sâu 4.000 m, thứ có thể tìm thấy ở nhiều tàu tham gia hoạt động xây dựng các cơ sở khai thác dầu khí ngoài khơi. Đội tìm kiếm cũng sẽ cần 1-2 ROV, tức thiết bị robot lặn sâu, có thể điều khiển từ tàu mẹ và giúp các cần cẩu nhặt các mảnh vỡ vào các "giỏ thu hồi".

Nhà Trắng, Pakistan, Anh gửi lời chia buồn

Người phát ngôn Nhà Trắng hôm 22-6 đã gửi lời cảm ơn đến Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cũng như chia buồn cùng gia đình 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan.

"Trái tim chúng tôi hướng về gia đình và những người thân yêu của những người đã thiệt mạng trên tàu Titan. Họ đã trải qua thử thách đau khổ trong vài ngày qua, chúng tôi đang tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ" - người phát ngôn nói.

Tập đoàn Engro Corporation Limited, nơi doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood - người thiệt mạng cùng con trai 19 tuổi trên tàu lặn Titan - làm phó chủ tịch cũng gửi lời chia buồn đến gia đình ông cũng như thân nhân của những người khác.

Động thái tương tự cũng đến từ Action Aviation có trụ sở tại Dubai, là công ty máy bay thuộc sở hữu của nạn nhân khác là tỉ phú người Anh Hamish Harding.

Bộ Ngoại giao Pakistan và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh James Cleverly cũng vừa phát đi thông điệp chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân và cảm ơn các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn đa quốc gia.

Theo Anh Thư

Người Lao động

Trở lên trên