MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Taxi truyền thống loay hoay ứng phó với Uber, Grab

13-05-2017 - 09:44 AM | Doanh nghiệp

Nhiều DN taxi truyền thống sụt giảm doanh thu từ 35%-40%, một số DN đang cố gắng đầu tư ứng dụng đặt xe trên nền tảng di động.

Tồn tại hay không tồn tại?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của CTCP Ánh Dương Việt Nam – một DN kinh doanh dịch vụ taxi chiếm thị phần lớn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam với thương hiệu Taxi Vinasun – HĐQT và các cổ đông đã thảo luận về việc chuyển sang mô hình cho thuê xe. Đây được coi là biện pháp ứng phó lớn đầu tiên đối với nguy cơ từ các doanh nghiệp taxi ứng dụng công nghệ như Uber và Grab.

Theo mô hình chia sẻ doanh thu truyền thống, các DN sở hữu xe và thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận 40%-60% doanh thu và phải chịu tiền xăng. Trong khi đó, DN nhận phần còn lại và trả các chi phí khác liên quan đến xe như phí điểm đón khách, bảo dưỡng định kỳ và chi phí sửa chữa xe. Với mô hình này, lái xe là nhân viên của DN và DN chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm cho người lái xe.

Nhưng trong mô hình cho thuê xe, lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ngày. Lái xe sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe gồm chi phí xăng xe, chi phí bảo dưỡng, chi phí sửa xe, chi phí bến đỗ. Trong mô hình này, Vinasun sẽ không chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội cho lái xe.

Ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun cho biết, DN kỳ vọng đến cuối tháng 6/2017 sẽ tăng số lượng xe hoạt động theo mô hình cho thuê từ 1.335 xe lên 3.000 xe, tương đương 47% tổng số lượng xe. Tuy nhiên, khó khăn mà Vinasun gặp phải là việc chuyển sang mô hình cho thuê xe còn phụ thuộc vào lựa chọn của lái xe, chứ không phải công ty. Trong khi đó, doanh thu hàng ngày của các xe chỉ dao động từ 1,2 – 1,8 triệu đồng/ngày/xe. Xu hướng giảm doanh thu ngày một rõ rệt vì cạnh tranh ngày càng tăng. Trước sức ép ngày một lớn của Uber và Grab, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 là 4.025 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2016, và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 205 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2016.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Vinasun đã quyết định giảm mức thưởng năm 2017 cho HĐQT và BKS từ 15% xuống còn 5% phần lợi nhuận vượt kế hoạch.

Không giống như Vinasun, Taxi Thành Công hoạt động tại địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận lại không có hoạt động cho thuê xe, nhưng để thích ứng với nhu cầu mới của thị trường, DN này cũng đã xây dựng một ứng dụng riêng trên nền tảng di động. Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Khương Duy, GĐ Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong – DN sở hữu thương hiệu Taxi Thành Công – cho biết, ứng dụng này có tên gọi Thành Công App, phương thức hoạt động của App này cũng tương tự như của Uber hay Grab, khách hàng có thể đặt xe qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động.

“Hiện nay chúng tôi cũng mới xây dựng xong và đang trong quá trình đưa vào để hoàn thiện, ứng dụng này cũng chỉ mới hoạt động chính thức được một phần thôi. Như vậy, ngoài phương thức truyền thống là gọi xe qua tổng đài, khách hàng có thêm sự lựa chọn phương thức đặt xe đối với Taxi Thành Công,” ông Nguyễn Khương Duy cho biết.

Theo ông Đặng Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Thương mại & Du lịch Phú Đông, đơn vị quản lý thương hiệu Taxi Thành Lợi Group – hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 7-8 DN taxi truyền thống đang đầu tư một ứng dụng riêng mình theo phương thức giống như Uber, Grab.

“Bản thân Taxi Thành Lợi Group cũng đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng một Apps tương tự và sắp sửa đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với các DN nhỏ, có ít xe thì đây là một khoản đầu tư lớn, nên họ cũng mới chỉ nghe ngóng. Ngay cả khi các DN taxi truyền thống triển khai ứng dụng này cũng chỉ cạnh tranh được một phần với Uber, Grab bởi những bất lợi họ đang gặp phải,” ông Đặng Tuấn Anh trao đổi với PV Infonet.

Không còn đường lùi

Ông Đặng Tuấn Anh cho biết, DN taxi truyền thống phải chịu nhiều bất lợi so với Uber, Grab như: phải đeo phù hiệu taxi; phải đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; không được đi vào các tuyến phố cấm taxi vào các giờ cao điểm; phải chịu phí đường bộ đắt hơn 50.000 đồng/tháng (180.000 đồng/tháng so với mức 130.000 đồng/tháng đối với các xe thông thường); thời hạn đăng kiểm ngắn hơn, khi đăng kiểm lại lần hai chỉ còn 6 tháng/lần (thời hạn đăng kiểm của Uber, Grab là 2,5 năm từ lúc mới, đăng kiểm lại lần hai vẫn được 18 tháng); niên hạn sử dụng xe cũng bị thiệt hơn 4 năm; phải kê khai giá cước và phải được sự chấp thuận từ Sở Tài chính địa phương...

Theo chia sẻ của ông Đặng Tuấn Anh, nhiều DN taxi truyền thống sụt giảm mạnh về doanh thu trong năm qua với mức sụt giảm từ 35%-40%, bản thân Taxi Thành Lợi Group cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thậm chí, các DN còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do lái xe bỏ việc.

“Hiện nay chúng tôi đang cầm cự bằng việc cố gắng tiếp thị và ký hợp đồng đón khách tại các điểm như nhà ga, bến xe, bệnh viện, trung tâm thương mại, các khu chung cư,” ông Đặng Tuấn Anh nói. “Khi doanh thu của hãng và lái xe sụt giảm mạnh, các DN taxi đối mặt với tình trạng lái xe bỏ việc. Khi đã bỏ việc, họ về quê và trở thành những lao động tự do. Với gần 400 đầu xe đang hoạt động, từ đầu năm 2017 đến nay chúng tôi phải thanh lý hợp đồng cho gần 60 người lao động vì họ phải chịu áp lực quá lớn về doanh thu.”

Với tốc độ phát triển của CNTT như hiện nay, taxi truyền thống chỉ còn trông mong vào đối tượng khách hàng là những người già. Ngoài ra, một lợi thế cho họ là có thể khai thác khách hàng doanh nghiệp bởi khách hàng cần có hóa đơn giá trị gia tăng.


Có khoảng 7-8 DN taxi truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang phát triển App cho riêng mình.

Có khoảng 7-8 DN taxi truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang phát triển App cho riêng mình.

Trao đổi với PV Infonet, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, cho rằng các DN taxi truyền thống cần phải chấp nhận thực trạng để tự thay đổi. Bởi sự có mặt của Uber hay Grab là biểu hiện của sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tất cả các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đều được tự do kinh doanh theo pháp luật Việt Nam.

“Rõ ràng Uber hay Grab đã biết tận dụng thế mạnh của mình để đáp ứng nhu cầu của hành khách, đóng góp vào việc cải thiện đời sống người lao động, tận dụng phương tiện dư thừa,… Họ tiết kiệm được chi phí quản lý nên giảm được giá thành trong khi các hãng taxi truyền thống còn phải nuôi cả một bộ máy quản lý, điều hành,… nhưng Uber và Grab áp dụng công nghệ nên tiết giảm chi phí quản lý, lại không phải đầu tư vốn và phương tiện khi sử dụng phương tiện sẵn có của người dân. Họ chỉ làm dịch vụ điều xe nên giá thành thấp hơn so với taxi truyền thống là điều đương nhiên”, ông Bùi Danh Liên nói.

Ông Liên cho rằng một số DN taxi truyền thống đã chủ động học những mặt tích cực của Uber, Grab để hạ giá thành, đồng thời chập chững đi vào công nghệ thông tin, nhưng sự đầu tư chưa được thích đáng, chưa tác động đến tâm lý tiêu dùng, thương hiệu của họ cũng chưa đủ mạnh để cạnh tranh với Uber, Grab.

“Khi đã không thu hút được khách hàng, họ sẽ không thể đầu tư thêm đầu xe. Đó chính là sự lúng túng của các hãng taxi truyền thống, cũng muốn thay đổi theo mô hình taxi hiện đại nhưng khó theo được vì Uber hay Grab là những tập đoàn có tiềm lực tài chính lớn, họ sẵn sàng bù lỗ để xây dựng thương hiệu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Các hãng taxi truyền thống phải kê khai thuế theo phương thức cổ điển, còn Uber, Grab không kê khai thuế như một DN vận tải mà chỉ phải kê khai thế dịch vụ như đăng ký kinh doanh là công nghệ thông tin. Điều này cũng đúng bởi họ đâu có mua xe, đâu có tuyển dụng lao động, do vậy chỉ nên hiểu họ là những đơn vị làm dịch vụ theo nghĩa “buôn nước bọt” nên chi phí thấp hơn,” ông Bùi Danh Liên nói.

Theo Nguyễn Tuân

Infonet

Trở lên trên