Taxi truyền thống tố Uber, Grab không tuân thủ pháp luật Việt Nam trong thời gian thí điểm
Đại diện Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho rằng trong thời gian thí điểm, Uber, Grab đã coi thường pháp luật Việt Nam như vẫn hoạt động tại Đà Nẵng dù không được cấp phép, Grab triển khai dịch vụ đi chung GrabShare bất chấp lệnh cấm của Bộ GTVT.
- 15-12-2017Không chỉ Việt Nam mà Mỹ cũng lúng túng trong việc kiểm soát Uber
- 15-12-2017Uber hợp tác với nhiều hãng taxi ở châu Á nhưng bị từ chối ở Việt Nam
- 14-12-2017Sẽ cưỡng chế Uber để truy thu gần 70 tỷ đồng tiền thuế
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, trong thời gian thực hiện thí điểm, doanh nghiệp như Uber, Grab đã bộc lộ nhiều sai phạm, không tuân thủ pháp luật Việt Nam.
“Ví dụ, Uber, Grab không được cấp phép hoạt động tại Đà Nẵng nhưng họ vẫn triển khai. Còn tại Vũng Tàu, Grab cũng có hoạt động tương tự”, ông Quân nêu ví dụ.
Ngoài ra, với dịch vụ đi chung như GrabShare, cho dù Bộ GTVT có 2 văn bản chỉ đạo hỏa tốc nhưng Grab vẫn bất chấp lệnh cấm để triển khai dịch vụ.
Trong thực tế tại thời điểm đầu tháng 8/2017, khi website của Công ty TNHH Uber Việt Nam xuất hiện thông tin về việc Uber Việt Nam triển khai thử nghiệm dịch vụ gọi xe qua ứng dụng Uber tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 1-8/8/2017, Sở GTVT Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị phía Uber hợp tác dừng các hoạt động thử nghiệm, quảng cáo, quảng bá có liên quan ứng dụng gọi xe của Uber tại thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, ngay trong và sau thời điểm ngày 8/8 nói trên, phía Uber Việt Nam vẫn rầm rộ quảng bá dịch vụ cũng như tung ra khuyến mãi cho khách đi xe tại thị trường này.
Không chỉ Uber, cho dù không được cấp phép nhưng tại thành phố Đà Nẵng, tại thời điểm đầu tháng 8/2017, Sở GTVT Đà Nẵng cho biết phía dịch vụ GrabCar cũng đang hoạt động chui. Thanh tra Sở đã kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải khách.
“Đây chính là những hành động thể hiện sự coi thường pháp luật Việt Nam trong khi các doanh nghiệp luôn tuyên truyền về việc họ tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Quân nói, đồng thời nhấn mạnh hoạt động của doanh nghiệp không bao giờ được phép vượt qua khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét các đơn vị đã triển khai đúng hay chưa?
Vị Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cũng cho rằng, trước tình trạng trên, khung pháp lý quản lý cần được xây dựng phù hợp hơn với các loại hình doanh nghiệp vận tải. Sân chơi phải công bằng, bình đẳng từ chính sách.
Trước đó vào tháng 10/2017, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có công văn đề nghị Chính phủ nhiều nội dung để quản lý Uber và Grab, trong đó có nội dung đề nghị chấm dứt hoạt động thí điểm của hai doanh nghiệp này sau 2 năm được cấp phép.
Tuy nhiên cuối tháng 11/2017, Bộ GTVT đã có văn bản phản hồi kiến nghị bảo lưu quan điểm không dừng hoạt động của Uber và Grab, nhưng cho biết đồng thuận với một số biện pháp quản lý và đề nghị Chính phủ giao cho địa phương kiểm soát việc gia tăng phương tiện.
Bộ GTVT hiện đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi xe hợp đồng ứng dụng công nghệ cho 7 doanh nghiệp: Công ty TNHH Grabtaxi (Grabcar), Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội (Thanhcong Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mailinh Car), Công ty hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang (LB.Car), Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic Car).
ICT News