Tây Ban Nha thành điểm nóng mới
Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu thứ 2 (sau Ý) chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) sau khi ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia kéo dài 15 ngày để đối phó với dịch bệnh này.
- 14-03-2020Công bố kết quả xét nghiệm Covid-19 của Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha, Hoàng gia Anh có động thái mới chưa từng thấy trước tình hình dịch bệnh
- 14-03-2020Cập nhật Covid-19 ngày 14/3: Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha tăng đột biến, WHO tuyên bố châu Âu là "tâm chấn" mới của đại dịch
- 12-03-2020Vì sao COVID-19 sẽ không trở thành thảm kịch chết chóc như Cúm Tây Ban Nha 1918, dù đều là "đại dịch"?
Với số ca nhiễm tăng vọt lên 6.250 trong lúc 193 trường hợp tử vong được ghi nhận, đất nước gần 47 triệu dân này bắt đầu bị phong tỏa một phần từ ngày 14-3. Người dân phải ở trong nhà trừ lý do mua thực phẩm hoặc thuốc men, đi làm, khám bệnh hoặc vì các lý do khẩn cấp khác.
Các cơ sở nếu không kinh doanh lương thực hoặc nhu yếu phẩm sẽ phải đóng cửa. Đến ngày 16-3, Tây Ban Nha hạn chế hoạt động giao thông trong nước. Các hãng hàng không, công ty đường sắt và tàu thuyền được yêu cầu cắt giảm dịch vụ ít nhất một nửa cũng như bảo đảm khoảng cách tối đa giữa các hành khách khi sử dụng các phương tiện này để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Các xe buýt và tàu điện ngầm trong thành phố tiếp tục được hoạt động, trong khi các chuyến bay quốc tế không bị ảnh hưởng.
Khung cảnh vắng vẻ tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 15-3. Ảnh: REUTERS
Tình hình xấu đi nhanh chóng dẫn đến sự chia rẽ chính trị ở quốc gia vốn bị phân cực sâu sắc. Ông Pablo Casado, thủ lĩnh Đảng Nhân dân (PP), chỉ trích chính phủ phạm sai lầm nghiêm trọng suốt những tuần qua. Trong khi đó, Thủ tướng Pedro Sanchez bác bỏ cáo buộc chính quyền ông đánh giá thấp mối nguy từ Covid-19. Dù vậy, ông thừa nhận những biện pháp trên sẽ tác động đáng kể để cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp và cam kết nỗ lực giảm nhẹ chúng.
Nỗi lo gia tăng về hiểm họa Covid-19 buộc chính phủ Pháp quyết định đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng, quán bar và cơ sở giải trí từ ngày 15-3 nhằm ngăn chặn dịch lan rộng. Khoảng 67 triệu người dân cũng được yêu cầu ở tại nhà để giúp ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết chính phủ ông không còn lựa chọn nào khác sau khi Covid-19 khiến 91 người tử vong và gần 4.500 người mắc bệnh. Dù vậy, các cuộc bầu cử địa phương vẫn diễn ra ở quốc gia châu Âu này hôm 15-3 trong điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt.
Dịch Covid-19 cũng đang hoành hành ở Đức với ít nhất 3.795 ca nhiễm và 8 trường hợp tử vong. Chính quyền một số địa phương đã ra lệnh đóng cửa quán bar, rạp chiếu phim, rạp hát... trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus gây ra Covid-19. Chính phủ Đức còn cam kết gói hỗ trợ ít nhất 550 tỉ euro dành cho các doanh nghiệp đang bị trúng đòn bởi dịch bệnh.
Còn tại Anh, hơn 245 nhà khoa học đã gửi thư thúc giục chính quyền Thủ tướng Boris Johnson có các bước quyết liệt hơn nhằm ứng phó dịch Covid-19. Các nhà khoa học này cảnh báo phản ứng chậm trễ của London đối với dịch bệnh có thể khiến hàng chục ngàn người bị nhiễm virus trong vài ngày tới. Đối mặt sức ép ngày càng tăng, chính phủ Anh đã kêu gọi các công ty tăng cường sản xuất máy thở và hỗ trợ sản xuất bộ dụng cụ y tế thiết yếu.
Người Lao động