MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tay trắng về đảo Phú Quý xây homestay: Toát mồ hôi với kinh phí lên tới 2 tỷ, cái kết ra sao?

08-09-2023 - 10:30 AM | Lifestyle

Cái kết cho việc đánh liều mở homestay ở đảo Phú Quý khi không tiền, không kinh nghiệm liệu thành hay bại?

Phương Đông (SN 1996, Bình Thuận) nhờ một cuộc gọi của cha mà lập tức về đảo lập nghiệp xây homestay. Nhưng vào 5 năm trước, một chàng trai năm 3 đại học thì lấy đâu ra tiền và kiến thức để kinh doanh?

Tuy vậy, niềm đam mê với du lịch trải nghiệm đã thôi thúc Phương Đông phải tìm được điều gì đó để làm sau khi ra trường. Học chuyên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành tại Đại học Phan Thiết, nhờ sự tư vấn của những mối quan hệ trong nghề, Đông đã tin vào tiềm năng của du lịch đảo. Vậy nên cậu sinh viên năm 3 khi đó quyết định thỏ thẻ cùng ba mẹ vào đêm 30 Tết về ý định về Phú Qúy mở homestay.

Ấy thế mà người dân ở đảo lại khiến giấc mơ vừa le lói của Phương Đông phải thực tế lại: "Xây lên làm gì cho tốn tiền, ai đâu mà ở rồi biết khi nào mới lấy lại vốn?"

Tay trắng về đảo Phú Quý xây homestay: Toát mồ hôi với kinh phí lên tới 2 tỷ, cái kết ra sao? - Ảnh 1.

Phương Đông (SN 1996, Bình Thuận)

Cuộc điện thoại lập nghiệp và số vốn 2 tỷ xây homestay

Cuộc nói chuyện cùng cha mẹ cũng chưa đi đến quyết định nào, vì còn quá nhiều dấu chấm hỏi đặt ở đó. "Đến tận năm 4 đại học, khi đang đi thực tập thì cuộc điện thoại của cha đã đưa mình về đảo lập nghiệp ", Phương Đông bắt đầu hành trình xây homestay của mình.

Kết thúc thực tập, Phương Đông về đảo và bắt đầu chặng đường gian nan này.

Đầu tiên về du lịch , năm 2018 mọi thứ còn quá mới mẻ ở Phú Qúy. Thời điểm đó ngoài những khách sạn, resort cao cấp thì mô hình homestay gần gũi thiên nhiên chưa quá phổ biến.

Tiếp theo là tiền đâu để xây? Khảo sát thị trường và tìm được ngách đi cho mình, Phương Đông và gia đình quay về tính toán số tiền xây dựng. Theo dự toán ban đầu, kinh phí để xây là một số tiền khá lớn với gia đình Đông, ai “ cũng toát mồ hôi khi nghe con số 2 tỷ đồng” . Đông chia sẻ về chuyện tiền nong: " Cha mẹ làm lụng cả đời được bao nhiêu thì đổ vào đây hết. Nhưng số tiền đó cũng chẳng được nhiều. Mình vay mượn thêm bạn bè, số còn lại gần 70%  thì vay thêm ngân hàng".

Cuối cùng là kinh nghiệm kinh doanh . Đông thú thực, "bản thân mình thì lấy đâu ra kinh nghiệm, gia đình cũng thuần công việc tay chân nên không truyền đạt bài học gì cả. Thời điểm đó tất cả điều mình có là sự ủng hộ của cha mẹ, bạn bè và niềm đam mê với du lịch biển đảo".

Tay trắng về đảo Phú Quý xây homestay: Toát mồ hôi với kinh phí lên tới 2 tỷ, cái kết ra sao? - Ảnh 2.

Căn homestay được xây thành công sau 9 tháng. Dịch vụ đi kèm cũng đa dạng

Tất cả đã được lên kế hoạch chi tiết nhất có thể để quá trình xây homestay không vướng víu. Viên gạch đầu tiên được đặt là khi Phương Đông hoàn thành lễ tốt nghiệp tại trường.

Nhưng những gian nan thì vẫn chẳng thể tránh khỏi. Hành trình để có một căn homestay khởi nghiệp như mong đợi vẫn còn rất dài!

Vẫn chưa thu hồi vốn sau 5 năm hoạt động: Vì mình trẻ, nên cứ làm thôi!

Mất gần 9 tháng để hoàn thiện khung cơ bản của homestay. Vì vốn hạn chế, nên Phương Đông cũng chọn mô hình đơn giản nhất: dịch vụ lưu trú cơ bản, tối giản hóa mọi thứ và tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, sự thân thiện trong tiếp đón là chính.

Quá trình 9 tháng đó cũng gặp rất nhiều khó khăn. Kể đến như trắc trở về tài chính khi mà mọi thứ đều đi sai so với tính toán ban đầu của gia đình Đông. "Năm ấy giá vật tư leo thang, thêm khoản chi phí vận chuyển ra đảo cũng độn lên rất cao do thời tiết lẫn giá thành. Có những hàng hóa đặc biệt như kính, vì trúng mùa biển động nên rất dễ vỡ kính, thời gian chờ đợi kính về cũng hết cả thanh xuân".

Rồi thời tiết cũng là phần khác biệt so với việc xây homestay ở đảo hay núi hoặc đồng bằng. Mùa kinh doanh ra tiền chỉ khi biển êm (tháng 3-9), còn lại thì 6 tháng biển gió (tháng 9-2) nằm im, nên đây cũng là một bài toán kinh doanh cần xử lý. Phải tính toán thật kỹ không thì lỗ nặng chẳng đùa!

Thêm cả việc bảo trì theo quý, năm cho homestay nữa. Vì ảnh hưởng của độ ẩm cao, thời tiết mưa nắng đan xen nên nếu không bảo dưỡng thì hẳn là cơ sở vật chất của homestay sẽ đi xuống. Đây tiếp tục là khoản kinh phí cần dự trù.

Tay trắng về đảo Phú Quý xây homestay: Toát mồ hôi với kinh phí lên tới 2 tỷ, cái kết ra sao? - Ảnh 3.

Đón tiếp những vị khách đầu tiên và cả những người bạn mới

Sau bao thứ cản đường đó thì cuối cùng căn homestay rộng hơn 150m2 cũng đã hoàn thiện, với kinh phí hơn 2 tỷ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Phương Đông đã kinh doanh được gần 5 năm. Vẫn chưa thể thu hồi vốn vì mất hơn 2 năm dịch, "bây giờ du lịch cũng mới bắt đầu phục hồi" . Nhưng vì du lịch biển đảo phát triển đúng như những gì Đông kỳ vọng, nên cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. "Mình hay nói vui là lúc trước 1 tuần ăn cơm với cá 1 bữa, thì bây giờ 1 tuần cũng được ăn 2 bữa thịt và 5 bữa cá. Vừa đủ!"

Một điều Đông cho rằng cần phải duy trì sau khoảng thời gian kinh doanh 5 năm là "chữ tín": Trung thực về mọi thứ, giá cả, chất lượng, treo như nào bán thế ấy, không thêm không bớt và phải biết cho đi.

Tay trắng về đảo Phú Quý xây homestay: Toát mồ hôi với kinh phí lên tới 2 tỷ, cái kết ra sao? - Ảnh 4.

Ấp ủ đam mê phát triển du lịch trải nghiệm và gần gũi với thiên nhiên hơn

Vì tuân thủ nguyên tắc này của bản thân, mà hiện tại lượng khách về homestay tương đối ổn định. "Khách du lịch thì luôn yêu thích sự nhiệt tình, vui vẻ của những người làm dịch vụ. Vì thế, đôi khi khách luôn bảo mình chăm khách như chăm con, nghe vừa buồn cười vừa vui trong lòng. Biệt danh má Đông, cô Đông theo đó cũng ra đời".

Ước mơ cũng đã hoàn thành được một phần. Và Phương Đông cho biết, bản thân tiếp tục chuẩn bị cho những hành trình mới gian nan hơn, điển hình là đưa du lịch trải nghiệm, gần gũi thiên nhiên đến với mọi người. "Vì mình còn trẻ mà, hãy cứ làm thôi!”

Theo Nguyễn Quỳnh Trang - Ảnh NVCC - TK Huyền Trang

Phụ nữ mới

Trở lên trên