MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tech Wire Asia: Nhu cầu về thương mại điện tử tại Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á tăng kỷ lục, logistics lại 'hụt hơi'?

Tech Wire Asia: Nhu cầu về thương mại điện tử tại Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á tăng kỷ lục, logistics lại 'hụt hơi'?

Logistics và chuỗi cung ứng từ lâu đã được coi là "xương sống" của các nền kinh tế, vậy làm thế nào để các công ty trong khu vực có thể bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng?

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các quốc gia trên toàn cầu đã chứng kiến xu hướng gia tăng trong nỗ lực số hóa. Trong đó, đáng chú ý nhất là thương mại điện tử và nền kinh tế số.

Điều này đặc biệt rõ ràng tại khu vực Đông Nam Á, nơi tổng khối lượng hàng hóa trong nền kinh tế số dự báo sẽ đạt kỷ lục 300 tỷ USD vào năm 2025 (theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2020 của Google, Temasek và Bain). Trên thực tế, báo cáo tháng 6 vừa qua cho thấy, năm 2020, khu vực có thêm hơn 40 triệu người dùng mới, tăng 40% so với năm trước đó.

Ngành logistics Đông Nam Á có phát triển kịp với nhu cầu tiêu dùng?

Trong giai đoạn đại dịch, khoảng 30% người tiêu dùng bắt đầu lựa chọn các dịch vụ số, và 94% trong số họ cho biết sẽ tiếp tục sử dụng phương thức này ngày cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Với sự gia tăng tiêu dùng số và thương mại điện tử, các công ty logistics truyền thống tại các quốc gia này cũng đang phải vật lộn để theo kịp.

Theo báo cáo của CNBC, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số cũng gặp phải tình trạng tương tự. Từ lâu, chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp logistics luôn là động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Khi thương mại điện tử ngày càng phát triển tại Đông Nam Á, người tiêu dùng cũng ngày càng có nhu cầu cao về sự nhanh chóng và tiện lợi. Song, điều này cũng là một thách thức đối với nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo báo cáo của ISEAS, "tính sẵn có, độ tin cậy, hiệu quả chi phí trong vận chuyển, phân phối, trung gian tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các dịch vụ khác" sẽ là những yếu tố chính quyết định khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Thách thức chung

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra các xu hướng chính thúc đẩy sự phát triển logistics trong khu vực. Cụ thể bao gồm: tăng trưởng kinh tế; đô thị hóa ngày càng tăng; tham gia vào thương mại và đầu tư quốc tế; sự gia tăng của các nền tảng thương mại điện tử và sự xuất hiện của các nhóm kinh tế khu vực, điển hình như ASEAN, từ đó tạo thuận lợi và tăng cường hoạt động thương mại.

Những thách thức hiện nay trong lĩnh vực logistics đối với các nước ASEAN chính là hầu hết tất cả các nước thành viên vẫn chưa có một định nghĩa chung về logistics. Thậm chí, nhiều nước vẫn chưa có quy định rõ ràng về hải quan, luật pháp và chính sách về thương mại xuyên biên giới.

Nhìn chung, các quốc gia lớn hơn như Việt Nam, Indonesia và Philippines phải đối mặt với những thách thức khó khăn hơn để đáp ứng nhu cầu của lượng người tiêu dùng lớn và rộng khắp, nếu so với những quốc gia như Singapore, Brunei và Lào. Một thách thức khác chính là bất cập về cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các quốc gia như Philippines và Indonesia.

Đối với các nước có quy mô tương đương nhau, điển hình như Malaysia và Thái Lan, các thỏa thuận xuyên biên giới thường rất thuận lợi, chẳng hạn như thỏa thuận thanh toán QR xuyên biên giới Malaysia - Thái Lan vừa qua.

Giải pháp tại Indonesia

Với Indonesia, thị trường logistics tại đây rất phân mảnh và có tính cạnh tranh cao, với chỉ một vài công ty lớn và hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang "bước chân" vào cuộc chiến về giá. Việc thiếu công nghệ như GPS hay RFID cũng là một thách thức lớn, khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nhiều nơi vẫn còn kém phát triển, ví dụ như ở Kalimantan.

Thực thế, không doanh nghiệp nào hiện nay có thể cung cấp dịch vụ cho toàn bộ quốc gia, do vậy nhiều doanh nghiệp xuất hiện để đáp ứng các dịch vụ khác nhau trong chuỗi cung ứng. Điều này lại làm tăng chi phí cũng như phức tạp hóa việc quản lý chuỗi cung ứng cho các nhà vận chuyển.

Một số startup đang vươn lên thách thức bằng cách cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng đầu cuối, cùng với việc áp dụng công nghệ. Điển hình như startup Advotics đã cung cấp các giải pháp SaaS giúp giám sát gần như toàn bộ chuỗi cung ứng và logistics, từ kiểm kê kho đến tạo tuyến giao hàng cho tài xế. Một nền tảng khác là Logisly cũng giúp kết nối các chủ hàng với nhà cung cấp dịch vụ logistics tại Indonesia.

Các "ông lớn" logistics quốc tế hướng vào thị trường khu vực

Một startup khác là Locad vừa qua cũng đã huy động được 4,9 triệu USD trong vòng hạt giống. Locad là startup có trụ sở tại Singapore, chuyên cung cấp giải pháp đầu cuối trong thương mại điện tử.

Hiện Locad đã có mặt trên các thị trường như Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore và Úc. Giải pháp của nền tảng này chính là dựa vào điện toán đám may đóng vai trò như một "tháp kiểm soát". Từ đó, người dùng có thể kiểm tra hàng tồn kho và đặt hàng trên mạng.

Một kỳ lân tiềm năng khác từ Singapore chính là Ninja Van. Đến nay, Ninja Van đã huy động được 400 triệu USD và có mặt trên nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Ninja Van tận dụng phương tiện truyền thông nhằm giúp khách hàng theo dõi các đơn hàng trong thời gian vận chuyển, có thể là Facebook, WhatsApp, Telegram hay những nền tảng khác. Ninja Van hợp tác chặt chẽ với các "ông lớn" thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tokopedia để phục vụ trực tiếp thị trường người dùng cuối.

Bên cạnh đó, các "gã khổng lồ" logistics quốc tế cũng đã đặt chân vào thị trường khu vực, điển hình như UPS hay DHL. Gần đây, DHL Express đã thông báo đầu tư thêm chuyến bay riêng bằng Airbus A330 để vận chuyển hàng từ trung tâm trung chuyển của hãng tại Hồng Kông (Trung Quốc) đến TP. HCM và ngược lại.

Ngoài DHL Express, các ông lớn chuyển phát nhanh thế giới như UPS, FedEx... cũng đang tích cực cải thiện tốc độ, khối lượng vận chuyển hàng hóa đến thị trường Việt Nam. Cuối năm ngoái, UPS cũng mở chuyến bay đầu tiên đến Việt Nam từ trung tâm vận chuyển của hãng tại Trung Quốc để rút ngắn thời gian giao hàng.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên