Techcombank lập kỷ lục CASA, MB và Vietcombank "bó tay" đứng nhìn?
Techcombank lập kỷ lục về CASA năm qua nhưng một ngân hàng khác lại vươn lên với mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
- 06-02-2022Toàn cảnh những cuộc soán ngôi ngoạn mục trong Top 10 lợi nhuận ngân hàng
- 06-02-2022Nhiều ngân hàng bị rút ròng tiền gửi trong năm 2021
Trước khi Techcombank vươn lên mạnh mẽ về CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) trong vài năm trở lại đây, thì khoảng 4 năm trước, MB và Vietcombank luôn là những nhà băng dẫn đầu với những lợi thế vượt trội.
Năm 2019, tỷ lệ CASA tại Vietcombank, Techcombank, MBBank đều ở quanh mức 30%. Và sau 2 năm đã có những thay đổi lớn.
Techcombank vừa qua công bố báo cáo tài chính cho thấy, số dư tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi ký quỹ cuối năm 2021 đã tăng lên 158.900 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2020). Tỷ lệ CASA tại thời điểm 31/12/2021 đạt 50,5%, cải thiện đáng kể so với mức 46% năm 2020 và là mức cao kỷ lục trong hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó tại MB, tổng tiền gửi của khách hàng trong năm qua tăng 23,7% lên 384.692 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng tăng tới gấp rưỡi lên 171.396 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng có tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó, tiền gửi ký quỹ cũng tăng vọt 66% lên 11.728 tỷ đồng, tiền gửi vốn chuyên dùng ở mức 4.388 tỷ đồng.
Như vậy, ước tính tỷ lệ CASA cuối năm 2021 ở mức 49%, tăng mạnh so với mức 41% cuối năm 2020. Đây cũng là mức cao nhất về CASA mà MB đạt được từ trước đến nay và gần đuổi kịp Techcombank.
Vietcombank vẫn là ngân hàng có nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất hệ thống. Cuối năm 2021, tiền gửi thanh toán tại ngân hàng đạt 367.149 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2020. Tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi cũng có tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 16% và 52% lên 31.642 tỷ đồng và 6.309 tỷ đồng. Theo đó, ước tính tỷ lệ CASA của Vietcombank tăng từ 32,8% lên 35,7%.
Động lực tăng trưởng CASA tại các ngân hàng nhìn chung đều đến từ khách hàng cá nhân, khi các sản phẩm ngân hàng số, mobile banking ngày càng đem lại nhiều tiện ích cho người dùng. Khách hàng cá nhân có xu hướng gửi nhiều tiền trong tài khoản thanh toán để dùng cho việc chuyển khoản, thanh toán mua sắm, đầu tư chứng khoán,….
MB cho biết, năm 2020, nhà băng này có khoảng 2 triệu người dùng mới. Đến năm 2021, con số này tiếp tục bứt phá khi App MBBank ghi nhận khoảng 6,3 triệu người dùng mới, lũy kế đạt 9,5 triệu người dùng, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2020. "Đến nay, giao dịch trên kênh số tại MB chiếm khoảng 92%. Tỷ trọng giao dịch số đứng trong nhóm đầu của châu Á", lãnh đạo MB cho biết.
Tại hội nghị của MB tổ chức hôm 7/1, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng nhận xét, "Hiếm có ngân hàng nào chuyển đổi số nhanh, tốc độ như MB". Năm 2021, MB là ngân hàng phát sinh giao dịch lớn nhất trong hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng 247 ở Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh về CASA vẫn còn rất gay gắt trong thời gian tới, đặc biệt là khi các nhà băng mạnh tay miễn phí dịch vụ, đồng thời liên tục cập nhật các công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng. Từ năm 2022, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank đã chính thức miễn phí toàn bộ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền nội, ngoại mạng,…
Nói về áp lực duy trì CASA khi cạnh tranh với các ngân hàng khác ngày càng gay gắt, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp của Techcombank cho biết mức CASA 50,5% mà Techcombank vừa đạt được chưa phải là đỉnh và ngân hàng đang hướng tới mức 55% trong những năm tới.
Techcombank cho rằng, để tăng tưởng CASA phải đảm bảo là ngân hàng giao dịch chính cho khách hàng. Ví dụ với khách hàng thu nhập cao, ngân hàng sẽ không chỉ đưa ra dịch vụ thanh toán mà còn có hệ sinh thái dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu đầu tư bất động sản, trái phiếu,...Hiện tại, Techcombank đang có lợi thế lớn trên thị trường về phân khúc này.
Ngoài ra, Techcombank cũng cho biết sẽ đầu tư mạnh vào công nghệ, sắp tới sẽ chạy App mới cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm và giao dịch an toàn cho người dùng.