Techcombank tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,6%
Lợi nhuận của Techcombank tăng hơn 20% trong 9 tháng qua, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 165%, tỷ lệ CASA tiếp tục dẫn đầu ngành.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022.
Theo đó, tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 671,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 222,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,0% danh mục tín dụng của Ngân hàng (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ 2021); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cuối quý 3 năm 2021, đạt 70,7 nghìn tỷ đồng; Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,5% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng và giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý 3/2021 và mức 37,7% của quý 2/2022.
Tổng tiền gửi tại ngày 30/9 là 318,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% từ đầu năm. Tỷ lệ CASA giảm nhẹ xuống 46,5% so với mức 47,5% cuối quý 2/2022, theo giải thích của ngân hàng là do bối cảnh chung toàn ngành khi thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi Ngân hàng Nhà nước và chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá từ đầu năm đến nay. Dù vậy, CASA ở mức 46,5% của Techcombank vẫn ở vị thế đầu ngành.
Các mảng hoạt động lõi đều tăng trưởng tích cực
Thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh, đóng góp chính nâng tổng thu nhập hoạt động lên 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó thu nhập từ lãi đạt 23,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ở mức 5,4%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 32,5% so với cùng kỳ, đạt 6,9 nghìn tỷ đồng.
Thu phí từ dịch vụ thẻ tăng trưởng mạnh 69,5% đạt 1.398,8 tỷ đồng nhờ việc tập trung vào các chương trình hợp tác với đối tác nhằm thúc đẩy chi tiêu của chủ thẻ và các chương trình khuyến mại đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm cũng tăng trưởng 50% so với cùng kỳ, đạt 1.066,3 tỷ đồng. Mức phí bảo hiểm quy năm (APE) tăng mạnh 104% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu từ thư tín dụng (LC) đạt hơn 1.125 tỷ đồng, tăng 103,7% so với cùng kỳ, tiền mặt & các khoản thanh toán đạt 411,9 tỷ đồng, tăng 130%. Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 2,3 nghìn tỷ, giảm 11,3% so với cùng kỳ, một phần do khối lượng giao dịch trên thị trường cổ phiếu giảm, và các hoạt động tư vấn trái phiếu chậm lại trong quý 3.
Nhờ những kết quả trên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng công ty con TCBS đạt 2,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, giảm nhẹ 4,4% so với cùng kỳ do bối cảnh chung của thị trường chứng khoán kém sôi động.
Tỷ lệ an toàn vốn tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 165%
Trong quý 3, chi phí hoạt động của Techcombank tăng 20,9% so với cùng kỳ, đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 29,9% - nằm trong top các ngân hàng có CIR tốt nhất. Chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ do Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào Số hóa, Dữ liệu và Nhân tài theo đúng chiến lược đã đề ra.
Chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1,2 nghìn tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục được cải thiện cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tại thời điểm 30/9/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 27,4%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định mới tại Thông tư 22 (sửa đổi) của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,7% cuối quý 3 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và tăng 68 điểm phần trăm so với một năm trước đó.
Về chất lượng nợ, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9 của Techcombank ở mức 0,6% (thấp nhất toàn ngành tính đến thời điểm hiện tại) với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, đạt 165,0% (tức 100 đồng nợ xấu được Techcombank trích ra tới 165 đồng dự phòng), phản ánh chất lượng tín dụng ổn định của Ngân hàng.
Ngày 7/9/2022, Moody’s đã nâng Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn của Techcombank’s từ Ba2 lên Ba1 và xếp hạng tiền gửi dài hạn từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng “Ổn định”. Moody's cũng nâng hạng đối với Đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của Ngân hàng từ mức ba3 lên ba2. Techcombank hiện cũng là Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có BCA đạt mức ba2. Theo phân tích của Moody’s, Techcombank hiện tại là ngân hàng có mức độ uy tín cao nhất trong số các Ngân hàng tại Việt Nam, với các điểm mạnh nổi bật về vốn và khả năng sinh lời.
Phục vụ trên 10 triệu khách hàng, giao dịch qua kênh điện tử tăng mạnh
Trong quý 3, Techcombank đã thu hút thêm hơn 300.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 10,4 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 3 năm 2022 lần lượt đạt 205,4 triệu giao dịch (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,5 triệu tỷ đồng (tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong tháng 9 vừa qua, Techcombank đã hợp tác cùng tập đoàn Masan để kiến tạo hệ sinh thái WINLife. Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam, nơi hai thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng và bán lẻ là Techcombank và Masan sẽ cùng mang đến giải pháp thanh toán đặc quyền vượt trội cho mọi dịch vụ tài chính và phi tài chính đến khách hàng. Hệ sinh thái WINLife đã được Techcombank và Masan chính thức đưa vào hoạt động tại chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WINLife tọa lạc tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và dự kiến khai trương từ 80 - 100 cửa hàng WINLIFE trên cả nước trong năm 2022.
Nhịp sống thị trường
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KQKD Quý 3/2022
Xem tất cả >>- Không buồn cạnh tranh với Winmart, Circle K... một doanh nghiệp bán lẻ tăng doanh thu 96 lần, giá cổ phiếu đã giảm gần 30% từ đỉnh
- DN họ Viettel trong 9T2022: Đột biến tại Viettel Global, kỷ lục tại Viettel Construction
- Đại gia vàng miếng SJC vượt chỉ tiêu lãi sau 9 tháng với 53 tỷ đồng, đang chuyển mình “lấn sân” mảng trang sức
- Ồ ạt mở rộng chuỗi, doanh thu loạt công ty thuộc danh mục đầu tư của Mekong Capital tăng phi mã, riêng Pharmacity đóng 75 cửa hàng
- Dòng tiền khó khăn, các ông lớn BĐS Novaland, Khang Điền, Phát Đạt... tích trữ tiền mặt như thế nào?