Telehealth hiện thực hóa giấc mơ "thế giới phẳng" trong ngành y tế
Trong cùng một buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống Telehealth, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết nối được với điểm cầu xa xôi tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh) và một nơi khác cách nửa vòng trái đất nhưng lại có nền y học hiện đại bậc nhất thế giới - nước Mỹ.
Ngày 11/9, tại Trung tâm điều hành khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ đã hội chẩn cho một bệnh nhi đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh). Em bé 7 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nghi ngờ viêm ruột thừa cấp. May mắn, với sự trợ giúp từ các chuyên gia của bệnh viện nhi, bé được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và tiến triển tích cực sau vài ngày điều trị.
Ngoài ra, cũng trong buổi lễ khai trương chính thức hệ thống Telehealth, các bác sĩ còn nhận được yêu cầu “chi viện” từ Phú Thọ, Thái Bình, Bắc Ninh với các bệnh nhi bị viêm não phức tạp. Cuộc hội chẩn không chỉ có sự tham gia của Bệnh viện Nhi Trung ương mà còn kết nối với các chuyên gia của Trung tâm ECHO (Hoa Kỳ).
Như vậy, một nơi xa, cách trở về giao thông và một nơi cách nửa vòng trái đất nhưng hiện đại đều được kết nối nhờ hệ thống Telehealth.
Cuộc hội chẩn “xuyên lục địa” giữa Hà Nội, Cô Tô… và Trung tâm ECHO (Mỹ) thông qua Telehealth.
Hạn chế tai biến y khoa
Diễn biến của buổi hội chẩn trên cho thấy khi ứng dụng Telehealth vào việc khám, chữa bệnh, mỗi bệnh nhân đều được xem xét kỹ lưỡng không chỉ từ các bác sĩ điều trị trực tiếp mà quan trọng hơn là chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.
Điều đó đem đến nhiều lợi ích như giảm bớt can thiệp không cần thiết cho người bệnh, xem xét tình trạng bệnh có cần chuyển tuyến hay không, đặc biệt là hạn chế tai biến y khoa, sai sót y tế.
Bởi trong nhiều trường hợp tiên lượng nặng hoặc cần cấp cứu khẩn việc vận chuyển hoặc sai sót, nhầm lẫn khi chẩn đoán, ra y lệnh có thể khiến người bệnh diễn biến nặng, thậm chí mất mạng.
Là bệnh viện đầu ngành về nhi khoa, hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết nối được gần 170 điểm cầu ở khu vực phía Bắc thông qua Telehealth. Đối với nhóm bệnh nhân khó, phức tạp, các chuyên gia lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… sẽ tham gia hội chẩn để giúp các bác sĩ tuyến dưới hiểu rõ nhất về tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện sẵn sàng nguồn lực 24/7 để đảm bảo khi có tình huống cấp cứu khẩn cần trợ giúp.
Hệ thống Telehealth đã được triển khai tại hơn 1.000 bệnh viện trên cả nước.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, để Telehealth ngày càng phát huy tác dụng, chúng ta cần nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề kỹ thuật. Việc hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa không chỉ đòi hỏi kỹ thuật như “cầu truyền hình trực tiếp”. Hệ thống này cần có hệ thống nền tảng, phần mềm đọc phim, bệnh án và các thiết bị chuyên dụng truyền tải được hình ảnh với độ phân giải cao, đồng thời cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu lớn giúp lưu trữ các hồ sơ bệnh án và lịch sử khám bệnh của bệnh nhân.
“Ví dụ trong buổi hội chẩn hôm nay có những hình ảnh cộng hưởng từ, nếu không có đường truyền tốt, đảm bảo được độ sắc nét nhất có thể, các chuyên gia sẽ rất khó khăn khi đọc những tổn thương trên người bệnh. Điểm tốt là Viettel Telehealth đã giải quyết rất tốt vấn đề đó. Hình ảnh từ các bệnh viện tuyến dưới truyền về Trung tâm chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Nhi Trung ương rất rõ nét, đảm bảo được chất lượng của buổi hội chẩn”, ông Điển nói.
Thu hẹp khoảng cách trong ngành y tế
Thông qua buổi hội chẩn này, có thể thấy, nhờ Telehealth, khoảng cách địa lý của các cơ sở y tế đã được xóa nhòa. Bệnh nhân ở huyện đảo Cô Tô đã được các bác sĩ tuyến trung ương thăm khám từ xa. Việc kết nối với các chuyên gia của Trung tâm ECHO (Hoa Kỳ) cũng minh chứng cho việc một “thế giới phẳng” đang dần hình thành trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, thông qua Telehealth, các bác sĩ mong muốn tạo ra cơ hội khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân ở mọi nơi và thu hẹp khoảng cách chuyên môn giữa các bác sĩ tuyến huyện, tỉnh và trung ương.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, hiện nay, khoảng cách về kiến thức của nhân viên y tế giữa tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương đang là thách thức đối với ngành y tế Việt Nam. Ở tuyến dưới, các bác sĩ không có nhiều cơ hội trải nghiệm qua nhiều loại bệnh tật, phương tiện thiết bị cận lâm sàng thiếu, ít cơ hội học tập, đào tạo chuyên môn liên tục.
Như vậy, nhiệm vụ của các bệnh viện tuyến trung ương là cung cấp, cập nhật kiến thức cho các bác sĩ tuyến dưới thường xuyên. Khi trình độ của bác sĩ được nâng lên, người bệnh sẽ được hưởng lợi đầu tiên ngay từ những lần thăm khám ban đầu.
Đối với việc kết nối với các chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang sử dụng hệ thống Telehealth này vào việc trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế từ đầu những năm 2020. Bệnh viện đã tổ chức buổi tập huấn phổ biến kiến thức nhằm ứng phó với COVID-19 có sự tham gia của 12.000 bác sĩ và nhân viên y tế trong đó có bài giảng của chuyên gia quốc tế.
Đặc biệt hơn, thời gian tới Viettel sẽ phát triển nền tảng Telehealth một cách toàn diện hơn nữa, bằng cách ứng dụng những công nghệ 4.0 mới, như: Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong việc chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ tuyến dưới giảm thiểu sai sót trong đọc ảnh, chỉ ra những bệnh án thường gặp, hạn chế rủi ro; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn Big Data, giúp bác sĩ đưa ra quyết định dựa trên lịch sử hàng nghìn các bệnh án trước...
Nhờ đó, Telehealth sẽ thực sự phát huy hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân mà vẫn đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội, đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, khó khăn trong việc di chuyển, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.
Là bệnh viện tuyến cuối, nơi tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh khó, bệnh nặng các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng rất cần tham vấn chuyên gia quốc tế. Vì vậy, Telehealth không chỉ là công cụ giúp họ lan tỏa kiến thức chuyên môn mà còn tạo cơ hội cho các bác sĩ tiếp cận, tiếp thu những kỹ thuật y học phức tạp nhất, tiên tiến nhất thế giới. Đồng thời, thông qua các buổi kết nối này, đồng nghiệp tại các tuyến, kể cả bệnh viện huyện đều có thể tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. “Thế giới phẳng” trong ngành y tế sẽ được hiện thực hóa nhờ có Telehealth.
Sức khỏe và đời sống