MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thà làm văn phòng, lương "3 cọc 3 đồng" còn hơn đi phục vụ dù lương 9 triệu/ tháng: Người trong cuộc trực tiếp trần tình!

14-04-2022 - 08:17 AM | Sống

Làm văn phòng lương 7 triệu/tháng có hơn làm phục vụ lương 9 triệu/tháng không

Một trưa nọ, một nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp rủ nhau đến nhà thăm ông thầy cũ. Vừa mới ra trường đi làm được tầm một năm nhưng đã bị cuộc sống ngoài kia vả vào mặt cho không biết bao nhiêu lần.

Suốt cuộc nói chuyện hôm đó, nhóm sinh viên chỉ tập trung ngồi than với thầy rằng học đại học xong sao mà khổ thế, làm việc liên tục, tăng ca ngày đêm mà lương ba cọc ba đồng, sếp thì hách dịch, hay trừ lương của nhân viên, đồng nghiệp thì vay tiền không trả,… Xuyên suốt câu chuyện, họ chỉ xoay quanh vấn đề tiền, tiền, và tiền.

Được một lúc sau, ông thầy đứng dậy pha cho mỗi đứa 1 ly cafe. Điều đặc biệt ở đây: có 2 ly giấy và 2 ly sứ đắt tiền. Ông bảo tụi nó cứ uống tự nhiên. Tranh cãi diễn ra ngay lập tức:

"Ê, sao mày lấy ly đó?"

"Đưa tao ly đó, tao là người đèo mày đến đây đấy, nhớ không."

"Tao mới là người lấy trước mà."

"Uống cốc kia đi, tao không thích cốc này."

Khi mọi thứ có vẻ được sắp xếp ổn thỏa, ông thầy vừa cười vừa bảo: "Thấy gì chưa, vấn đề của tụi bay là ở đây chứ đâu. Đứa nào cũng muốn uống ly sứ, nhưng thứ tụi bay muốn ở đây là cafe ở trỏng."

Trong câu chuyện trên, nếu xem cái ly là vỏ bọc cho vẻ bề ngoài công việc mà bạn đang làm, thì "cafe ở trỏng" chính là tiền lương, hay nhiều hơn thế nữa mà bạn có được khi làm công việc đó.

Nếu tiếp cận câu chuyện này theo nhiều góc độ khác nhau, chắc chắn bạn sẽ tìm cho mình được những thông điệp riêng. Nhưng khi đọc câu chuyện, nó làm tôi liên tưởng ngay đến một khúc mắc mà mọi người vẫn hay dè nhau: "Thà làm văn phòng, lương 7 triệu/ tháng còn hơn đi phục vụ dù lương 9 triệu/ tháng: Có phải chăng tiền lương không phải mối quan tâm duy nhất khi đi làm."

Thà làm văn phòng, lương 3 cọc 3 đồng còn hơn đi phục vụ dù lương 9 triệu/ tháng: Người trong cuộc trực tiếp trần tình! - Ảnh 1.

Tôi có biết 1 cô bạn học Đại học Ngoại thương, khi tốt nghiệp đi làm, mức lương khởi điểm chỉ 5 triệu/ tháng, nhưng lúc nào cũng thấy cô hết mình với công việc. Và 1 anh bạn không thể học đại học vì nhà không đủ điều kiện, thời gian đầu chỉ làm dân phục vụ với mức lương 18k/ tiếng, được tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau. Đến khi dày dặn kinh nghiệm, anh bạn được nhận làm tại một nhà hàng với mức lương cứng 9 triệu/ tháng. Hai nhân vật này là cô nàng L.N (24 tuổi, Quảng Bình) và anh bạn V.Q (23 tuổi, Vĩnh Phúc).

Bởi thế, khi thắc mắc được gợi ra, tôi mượn cơ hội này để chia sẻ thêm 1 góc nhỏ những ý kiến của 2 nhân vật này.

Cơ duyên gì khiến 2 bạn gắn bó với công việc hiện tại?

N trả lời: "Công việc hiện tại cũng là công việc mình làm từ khi mới ra trường, do chính mình tự tìm tòi và nộp hồ sơ. Môi trường ở đây rất tốt, lương lậu cũng ổn định nên mình đã làm được 2 năm."

Còn đối với Q, anh chàng chia sẻ: "Thật ra, công việc bây giờ là do mình nhảy chỗ rất nhiều. Mọi người chắc cũng biết, phục vụ ở đâu chẳng tuyển, môi trường phù hợp và lương ổn thì mình làm thôi. Công việc hiện tại cũng là được người quen giới thiệu cho mình, sếp rất tốt nên mình gắn bó được lâu hơn."

Công việc hiện tại có đem lại cho bạn một mức lương xứng đáng với công sức mà 2 bạn bỏ ra hay không?

"Công việc hiện tại không quá giống với chuyên ngành mình đã học, mức lương mình được offer là 7 triệu/ tháng, nhưng mình chỉ nhận được ở tháng thử việc đầu tiên là hơn 5 triệu sau khi đã trừ hết các chi phí. Công việc thì áp lực, mệt mỏi, đối mặt với rất nhiều khó khăn mà hồi đi học mình chưa từng nghĩ đến.

Việc đi làm khiến mình nhận thức được một điều rõ ràng: Tiền cực kỳ khó kiếm, không hề dễ như khi mình ngồi trên lớp và tưởng tượng. Hồi đầu đi làm, mức lương đó với mình chỉ đủ để chi trả cho nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, nhưng bây giờ kinh nghiệm đã có, mức lương nhận được mình thấy là phù hợp với công sức mình bỏ ra", N chia sẻ.

Thà làm văn phòng, lương 3 cọc 3 đồng còn hơn đi phục vụ dù lương 9 triệu/ tháng: Người trong cuộc trực tiếp trần tình! - Ảnh 2.

Q thì ngược lại, anh chàng nói: "Phục vụ nghe tên thì cũng đủ hiểu nó vất vả thế nào. Để có được mức lương 9 triệu như bây giờ, mình phải làm từ 7h sáng đến 10h tối, liên tục trong tuần không nghỉ, trừ khi có việc gấp. Để hỏi có xứng đáng hay không, thì mình thấy đáng chứ không xứng. Vì mình giờ có muốn đi xin việc khác, cũng không có kỹ năng gì để được nhận, quanh đi quẩn lại vẫn là phục vụ người khác thôi. Nhưng mức lương này vẫn đủ để mình duy trì cuộc sống tại Hà Nội, và vẫn có thể gửi về nhà một ít."

Bạn nghĩ sao về quan điểm "Học đại học mấy năm trời, bỏ mấy trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng để học, ra trường thì bị gọi là ‘cử nhân thất nghiệp’. Đi làm thực tập thì không công, lương còn thấp hơn các anh chạy Grab?"

N bày tỏ: "Mình nghĩ, bằng đại học không phải là một tiêu chuẩn để đánh giá là nhiều tiền hay ít tiền. Học đại học giúp bạn hình thành nên tư duy logic về một vấn đề, học được các kỹ năng mềm, nó khiến bạn đưa ra những quyết định đúng đắn với cuộc đời bạn hơn.

Thà làm văn phòng, lương 3 cọc 3 đồng còn hơn đi phục vụ dù lương 9 triệu/ tháng: Người trong cuộc trực tiếp trần tình! - Ảnh 3.

Với mình thì số tiền bỏ ra học và số lương mình nhận được ban đầu không phản ánh rằng phí hay không, mà là chặng đường sau này mình lựa chọn. Như mình chia sẻ ở trên, lương khởi điểm chỉ 5 triệu/ tháng, nhưng con số đó không dừng lại ở đấy nếu bạn có khả năng phát triển trong nghề.

Hơn nữa, câu chuyện về cử nhân thất nghiệp không phải dành cho tất cả những sinh viên vừa ra trường. Đó chỉ là số ít những bạn không thể lựa chọn công việc phù hợp với khả năng hiện tại thôi. Bây giờ có rất nhiều cách để các bạn trẻ kiếm được việc, kiếm được tiền: như học đầu tư , tự mở kinh doanh, làm các công việc về tiếp thị liên kết,… dành cho những bạn có năng khiếu. Không thì có các chương trình đào tạo intern, nhận thực tập sinh,… rất nhiều những cơ hội rộng mở cho các bạn trẻ."

Q thì lại chia sẻ: "Với mình, việc ra đời sớm hơn, giúp mình có thêm thời gian va vấp, tích lũy kinh nghiệm sống, biết được những  rủi ro  và thách thức trước mắt. Học cũng được, không học cũng được, cái bạn luôn cần chuẩn bị là sẵn sàng vượt qua những khó khăn đó. Chỉ là nếu không bỏ 4 năm đi học, cơ hội thì ít mà thử thách thì nhiều. Nhưng nếu được lựa chọn lại, mình chắc sẽ kiếm cái gì đó để học, học thành 1 cái nghề vẫn là hơn, không nhất thiết là đại học".

Tại sao mức lương khởi điểm văn phòng thấp như thế, nhưng vẫn rất nhiều người lựa chọn con đường này để kiếm tiền? Sao mọi người không lựa chọn những công việc có lương cao hơn, như Q chẳng hạn?

Nhắc tới vấn đề này, cả N và Q gần như là cùng quan điểm với nhau. Cả 2 bạn đều chia sẻ chung quan điểm: Phục vụ lương 9 triệu/ tháng nhưng cơ hội thăng tiến thấp, làm cực, lâu dài sức khỏe bị ảnh hưởng, kiến thức hầu như không nâng cao nếu chỉ làm mãi ở một môi trường. Làm văn phòng lương có thể thấp, nhưng đó chỉ là khởi điểm, sau này nếu bạn làm tốt tất nhiên sẽ có khả năng thăng tiến, chuyển đổi ngành nghề dễ hơn, mối quan hệ cũng được mở rộng hơn, kinh nghiệm và kỹ năng được tích lũy. Nếu như lương văn phòng mãi thấp như thế, thì chắc chuyển qua làm công việc tay chân như phục vụ hết cho rồi!

Nếu được dành lời khuyên cho những bạn trẻ nhỏ tuổi hơn mình, 2 bạn có muốn nhắn nhủ điều gì từ trải nghiệm đã rút ra được không?

N đưa ý kiến: "Mới đầu, bạn đừng chỉ nhìn vào lương mà đánh giá công việc. Thu nhập là cái sau này mình mới nghĩ đến, khi mà năng lực của mình đã bắt đầu được công nhận. Chấp nhận mức lương 7 triệu/ tháng, nhưng đổi lấy sự học hỏi, kinh nghiệm trong tương lai, thì chi phí cơ hội phải bỏ ra, đó là điều các bạn nên tính toán kỹ lưỡng trước khi lựa chọn. Đi làm thì việc gì cũng cực, thay vì than vãn quá nhiều, hãy chọn cách thích nghi với nó."

Thà làm văn phòng, lương 3 cọc 3 đồng còn hơn đi phục vụ dù lương 9 triệu/ tháng: Người trong cuộc trực tiếp trần tình! - Ảnh 4.

Q cũng muốn gửi đôi lời cho các bạn trẻ, cũng như cho chính bản thân mình: "Làm việc gì cũng được, học cái gì cũng được. Lương đúng là rất quan trọng, nhưng không phải là 100%. Như mình đây này, bây giờ nếu được quay lại, mình cũng sẽ lựa chọn con đường dễ thở hơn là đi học rồi ra làm văn phòng hoặc công việc đầu óc. Tiền đúng là khó kiếm, nên kiếm tiền thì hãy kiếm cùng trải nghiệm, cùng cơ hội, đừng lựa chọn mỗi tiền không."

https://kenh14.vn/tha-lam-van-phong-luong-3-coc-3-dong-con-hon-di-phuc-vu-du-luong-9-trieu--thang-nguoi-trong-cuoc-truc-tiep-tran-tinh-20220413141335151.chn

Theo MinT

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên