MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Minh Thành: Cần phân biệt KỶ LUẬT TÍCH CỰC và TRỪNG PHẠT

01-10-2021 - 11:50 AM | Sống

Quát mắng, trừng phạt là cách giải tỏa sự tức giận nhưng liệu đó có phải là cách hiệu quả để thay đổi hành vi?

Áp đặt, đe dọa, trách phạt một cách khắc nghiệt [Harsh Punishment] vẫn còn là những công cụ khá phổ biến để cha mẹ hay giáo viên sử dụng nhằm kiểm soát hành vi của trẻ tức thì. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây lại không phải là những cách tốt nhất hay trọn vẹn nhất để hình thành hành vi tích cực ở trẻ.

"Việc dừng hành vi của trẻ, trong 1 số trường hợp là cần thiết, nhưng câu chuyện để xử lý hành vi đó cho một mục tiêu lâu dài, có lợi cho sự phát triển của trẻ sẽ rất khác. Nếu việc phạt chỉ nhằm 1 mục đích duy nhất là áp đặt quyền lực phi lý lên trẻ em để chúng chấm dứt ngay lập tức hành vi mà chẳng quan tâm gì đến chiến lược lâu dài thì cần phải cân nhắc lại. Hơn nữa, cho dù có phải sử dụng đến "Hậu quả" [Consequence] để cho trẻ chịu trách nhiệm về hành vi của các em, thì cũng phải là "Hậu quả Tự nhiên và Hợp lý" [Logic Consequences]. Chỉ khi "Hậu quả" đó liên kết với Hành vi chưa phù hợp của trẻ, thì trẻ mới rút ra được bài học. Thêm nữa, cha mẹ và nhà giáo hãy luôn nhớ nguyên tắc rằng: Kiên định và Tử tế. Chúng ta kỷ luật là muốn con tốt lên và sẵn sàng trợ giúp con đạt được điều đó – chứ không phải để thoả mãn quyền lực của người lớn – thứ vốn sẽ làm gia tăng hành vi "Thách thức quyền lực" và "Trả thù" ở trẻ.

Sự cực đoan không đưa con trẻ của chúng ta tới đâu, kể cả dù nó có hướng về phía nào. Hơn nữa, giáo dục cần có sự tham gia của chính bản thân trẻ em, vậy thì chúng ta đã bao giờ hỏi trẻ để các em lên tiếng về chính những vấn đề của chính mình chưa", anh Nguyễn Minh Thành, thạc sĩ khoa học, chuyên ngành: Tâm lý học Phát triển và Giáo dục cho hay .

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Minh Thành: Cần phân biệt KỶ LUẬT TÍCH CỰC và TRỪNG PHẠT - Ảnh 1.

Sự cực đoan không đưa con trẻ của chúng ta tới đâu, kể cả dù nó có hướng về phía nào - Anh Nguyễn Minh Thành, thạc sĩ khoa học, chuyên ngành: Tâm lý học Phát triển và Giáo dục.

KỶ LUẬT TÍCH CỰC khác với TRỪNG PHẠT

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) đã lưu ý về việc cần phân biệt giữa Kỷ luật [Discipline] và Trừng phạt [Punishment], đặc biệt là Trừng phạt khắc nghiệt, như sau:

KỶ LUẬT có hiệu quả là một quá trình học hỏi. Mục đích của kỷ luật là kỷ luật tự giác, là hướng dẫn trẻ có trách nhiệm và hợp tác. Nó giúp trẻ em: Bình tĩnh; Học cách giải quyết vấn đề; Học cách điều chỉnh cơn giận của các em; Học cách tự kiểm soát cảm xúc của mình; Tìm hiểu những hành vi được mong đợi và phù hợp.

TRỪNG PHẠT dựa trên ý tưởng rằng trẻ em cần cảm thấy tồi tệ hơn hoặc cảm thấy đau đớn, xấu hổ hoặc nhục nhã để học cách cư xử. Trừng phạt: Kiểm soát hành vi thông qua sức mạnh và sự sợ hãi; Dạy trẻ che giấu hoặc nói dối về những sai lầm và hành vi sai trái; Tập trung vào hành vi tiêu cực; Dạy trẻ cư xử theo một cách nhất định để tránh hậu quả tiêu cực hoặc nhận hối lộ.

Chúng ta có thể hiểu thêm về Kỷ luật tích cực thông qua mô hình Systematic Training for Effective Parenting – STEP (Copy nguyên gốc từ bản dịch của tác giả Giang Pham, năm 2010) sau đây:

Làm trẻ lãng quên: Sử dụng cách này với trẻ nhỏ, nhất khi trẻ đang chơi gần những đồ nguy hiểm. Thứ nhất, gọi trẻ để gây sự chú ý, sau đó dẫn trẻ đến chỗ khác và làm trẻ tập trung vào việc khác thích hợp hơn.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Minh Thành: Cần phân biệt KỶ LUẬT TÍCH CỰC và TRỪNG PHẠT - Ảnh 2.

Mục đích của kỷ luật là kỷ luật tự giác, là hướng dẫn trẻ có trách nhiệm và hợp tác. Trừng phạt: Kiểm soát hành vi thông qua sức mạnh và sự sợ hãi; Dạy trẻ che giấu hoặc nói dối về những sai lầm và hành vi sai trái... (Ảnh minh họa)

Làm lơ hành vi sai trái khi thích hợp: Kỹ năng này có thể sử dụng với những quấy rầy nhỏ và không làm hại người khác, chẳng hạn khi trẻ khoe khoang, giận dỗi, khóc the thé, cơn tam bành, tranh đấu về quyền lực, cố ngắt lời, cầu xin, và xúc phạm. Khi bạn làm lơ những hành vi sai trái này, bạn nên tránh tỏ ra cảm giác trên mặt của bạn hoặc trong cử điệu. Nếu trẻ đủ tuổi để ở một mình, bạn có thể bước ra ngoài phòng một vài phút. Những hành vi sai trái có thể tăng lên trước khi ngừng lại, nhưng sự kiên trì sẽ có hiệu quả. Bạn làm lơ hành vi sai trái, chứ không phải làm lơ trẻ. Khi trẻ cư xử một cách thích hợp, chú ý đến chúng ngay.

Môi trường có kết cấu: Áp dụng với trẻ nhỏ tuổi. Giữ cho trẻ an toàn bằng cách cất những đồ vật nguy hiểm để tránh trẻ lấy đồ một cách dễ dàng.

Kiểm soát tình huống, chứ không kiểm soát trẻ: Khi bạn kiểm soát tình huống, bạn hướng dẫn và cho trẻ tự do lựa chọn. Bạn nói ra những giới hạn và những lựa chọn của trẻ. Trẻ có thể chọn trong những giới hạn đã được đặt ra. Bạn có thể nhắc trẻ về những lựa chọn trong sự giới hạn. Chẳng hạn, "Con có thể chơi ở ngoài sau khi thay đồ hay là con có thể ở trong nhà".

Khuyến khích trẻ tham gia vào sự lựa chọn và nhận hậu quả: Khi trẻ lớn lên, chúng phải học cách quyết định và lãnh trách nhiệm cho hành vi của chúng. Cho trẻ nhỏ tuổi, những lựa chọn sẽ giúp chúng phát triển sự độc lập và sự hợp tác. Bạn có thể đưa ra những lựa chọn đơn giản như: "Con muốn lấy những trò chơi nào để đi chơi với bạn?"; "Con muốn bao nhiêu miếng, cái này hay cái này"; "Con muốn mặc áo xanh hay áo đỏ hôm nay?". Trong tình huống lựa chọn, trẻ có thể nói "không, con muốn cái kia!", bạn sẽ đáp lời "Không được chọn cái đó".

HẬU QUẢ TỰ NHIÊN VÀ HỢP LÝ

Khi hành vi của trẻ cần sửa lại, bạn có thể sử dụng những hậu quả tự nhiên và hợp lý khi đưa ra sự chọn lựa. Những hậu quả tự nhiên xảy ra khi làm ngược lại với những quy luật của tự nhiên. Những hậu quả hợp lý xảy ra khi làm ngược lại với luật lệ của sự hợp tác xã hội.

- Một thí dụ của hậu quả hợp lý là nếu trẻ cố ý đánh trẻ khác, trẻ đó sẽ không muốn chơi với chúng. Hậu quả tự nhiên không cần sự tham dự của người lớn, nhưng đôi khi hậu quả tự nhiên có thể gây nguy hiểm.

- Thí dụ, không nên cho trẻ ba tuổi chạy ngoài đường để học được sự nguy hiểm bị xe đụng. Thay vì cho trẻ chạy ngoài đường, bạn có thể đặt một hậu quả hợp lý: "Ngoài đường không phải chỗ cho con chơi vì có thể bị xe đụng. Con có thể chơi ở trong sân hay trong nhà, tùy con quyết định. Nếu con chạy ở ngoài đường một lần nữa, nghĩa là con đã quyết định chơi ở trong nhà". Nếu trẻ vẫn quyết định chạy ở ngoài đường, trẻ đã phá giới hạn. Vì vậy, trẻ đã "chọn" vào nhà. Lần sau cho trẻ chọn lại. Cuối cùng, có nhiều tình huống không có hậu quả tự nhiên, và vì vậy bạn cần phải đặt hậu quả hợp lý.

Hậu quả hợp lý đáp ứng những nhu cầu cho tình huống riêng biệt. Hậu quả hợp lý có những đặc điểm sau đây:

1. Hậu quả hợp lý diễn tả những quy luật sống của xã hội. Thí dụ: Bạn đang nói chuyện với người lớn và trẻ vào phòng để chơi. Trẻ bắt đầu ồn ào. Bạn không la chúng "im lặng hay đi ra". Bạn nói: "Xin lỗi, hai cô đang nói chuyện. Một là các em nói nhỏ thôi, hai là qua phòng khác chơi".

2. Hậu quả hợp lý liên kết với hành vi sai trái. Thí dụ: Trẻ tiếp tục lấy thêm kẹo sau khi bạn đã nói lấy như thế là đủ rồi. Bạn không bắt trẻ úp mặt vào tường vì úp mặt vào tường và lấy thêm kẹo không liên kết với nhau. Bạn đưa ra lựa chọn bỏ lại kẹo hay không có kẹo ngày mai.

3. Hậu quả hợp lý phân biệt hành vi sai trái và trẻ. Hậu quả hợp lý không ngụ ý trẻ xấu vì trẻ đang có hành vi sai trái. Thay vì ngụ ý trẻ xấu, hậu quả hợp lý tỏ ra "Trong khi cô không thích hành vi của con, cô vẫn thương con". Thí dụ: Trẻ cố ý ném đồ ăn dưới đất. Bạn không đánh đòn hay la hét, nhưng bạn chỉ cho rằng trẻ ăn xong rồi và mời trẻ ra khỏi bàn.

4. Hậu quả hợp lý liên quan đến những gì đang xảy ra. Hậu quả hợp lý liên hệ với những hành vi sai trái hiện tại, chứ không phải với những hành vi sai trái đã xảy ra trong quá khứ. Thí dụ: Trẻ xin phép một bạn qua nhà chơi. Lần trước bạn của trẻ qua nhà, chúng toàn cãi lộn với nhau thôi. Bạn nói 'Con có thể mời bạn qua nhà nếu tụi con có thể vui vẻ chơi với nhau. Nếu cãi lộn, bạn con sẽ phải về.'

5. Hậu quả hợp lý được nói ra một cách vui vẻ. Cách nói nên luôn luôn kiên định nhưng không phải la hét hay tức giận.

6. Hậu quả hợp lý cho phép lựa chọn. Với sự lựa chọn, trẻ được cơ hội chọn hành vi có trách nhiệm, thay vì phải nghe chỉ dẫn cách đối xử.

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG HẬU QUẢ HỢP LÝ

Nên để quyết định của trẻ được thực hiện. Khi trẻ quyết định rồi, để cho trẻ gánh nhận hậu quả. Sau đó trẻ sẽ được thêm cơ hội tỏ ra trẻ sẵn sàng hợp tác. Thí dụ: Trẻ chơi lắp ráp mà không dọn dẹp. Trong ngày hôm đó giáo viên không cho trẻ chơi lắp ráp nữa. Hôm sau, giáo viên cho trẻ cơ hội làm lại.

Sẽ có những trẻ không quyết định khi bạn đưa ra sự lựa chọn. Có thể chúng không biết chúng muốn gì, hoặc chúng cố giữ sự chú ý của bạn hay muốn lấy quyền lực. Khi chuyện này xảy ra, nên chấp nhận là trẻ vô tội. Cho chúng một vài phút để quyết định. Nếu chúng không quyết định, bạn chọn dùm chúng.

Với hành vi sai trái đã lặp lại mấy lần, tăng thời gian của hậu quả. Mỗi lần hành vi sai trái xảy ra, tăng số lượng hậu quả. Ðưa ra sự lựa chọn một cách tôn trọng. Giữ giọng nói ôn hòa và kiên định. Ðừng tức giận. Một cách nói ra hậu quả là "Con có thể ___, hay con có thể ___. Con quyết định đi".

Thí dụ: "Con có thể giữ bình tĩnh hay con có thể ra khỏi phòng. Con quyết định đi". Một cách khác có thể nói: "Cô cho con ____nếu con ____"; "Cô cho con chơi với bạn nếu con không đánh bạn"; "Cô cho con ngồi trong lòng cô nếu con ngồi im".

Tôn trọng sự lựa chọn của trẻ. Khi trẻ chọn hay có hành vi tỏ ra sự lựa chọn, bạn nói "Cô thấy con đã chọn" hoặc "Hành động của con tỏ ra con đã chọn". Nói với trẻ khi có thêm cơ hội để chứng tỏ trẻ sẵn sàng hợp tác: "Con có thể thử làm lại".

Nói càng ít càng tốt. Nói nhiều quá có thể làm hỏng kết quả. Nói nhiều quá củng cố mục tiêu hành vi sai trái của trẻ. Nói ít và thực hiện cách đơn giản. Những lúc không có sự lựa chọn, nói rõ ràng là không có sự lựa chọn. Thí dụ, "Mời vào nhà". Nếu trẻ không vào nhà, nói "Con muốn tự vào nhà hay muốn cô giúp con?".

Theo anh Nguyễn Minh Thành, cho tới hiện nay STEP là một trong những cách tiếp cận về Quản lý hành vi được ưa chuộng nhất, với hơn 4 triệu bản (Sách) đã được bán ra trên thế giới. Tuy nhiên, "Trẻ em luôn phát triển mỗi ngày, và bối cảnh xung quanh trẻ cũng vậy (Quan điểm từ Dynamic Contextualism), vì vậy, sẽ không thể nào có một công thức đúng cho mọi trường hợp. Chưa kể, có rất nhiều biến số khác nữa trong đời sống thực có thể ảnh hưởng lên hành vi của trẻ mà chúng ta chưa biết. Cho nên, quan trọng là chúng ta phải thấu hiểu: Tại sao trẻ lại hành động như vậy? Sau đó, mới tính đến những hỗ trợ lâu dài được", anh Thành chia sẻ thêm.

Theo Hiểu Đan

Nhịp sống Việt

Trở lên trên