MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức bủa vây, doanh nghiệp BĐS tìm giải pháp xoay sở trước bối cảnh thị trường biến động

23-12-2019 - 14:05 PM | Bất động sản

Trước bối cảnh thị trường khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đã linh hoạt để bám trụ với thị trường.

Thách thức bủa vây doanh nghiệp địa ốc

Năm 2019 được xem là năm thách thức của thị trường BĐS. Tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân một phần do thủ tục hành chính và chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép dự án mới, thời gian hoàn thành hồ sơ dự án kéo dài quá lâu. Trong khi đó, lãi xuất vay vốn ngân hàng bị ràng buộc, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Việc sụt giảm nguồn cung ở nhiều phân khúc của thị trường BĐS đã tác động lớn đến nguồn thu ngân sách và tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, nặng nề nhất là các doanh nghiệp BĐS còn yếu, thiếu và hạn chế về tiềm lực tài chính. Nhiều doanh nghiệp rơi vào thế rủi ro, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do không có sản phẩm cung ứng ra thị trường, môi giới lao đao nhảy việc.

Thách thức bủa vây, doanh nghiệp BĐS tìm giải pháp xoay sở trước bối cảnh thị trường biến động - Ảnh 1.

Nhiều khó khăn đang bủa vây thị trường BĐS. Ảnh: Hạ Vy

Đại diện một công ty BĐS tại Tân Bình Tp.HCM phản ánh: Thủ tục hành chính liên quan đến việc giao đất, xây dựng quy hoạch…. thực hiện mất từ 2-3 năm nên nhiều dự án khó khăn trong khâu tiếp cận vấn đề đất đai và triển khai chậm tiến độ; làm tăng chi phí đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh của công ty. Điều này đang kéo dài, tạo gánh nặng và làm cạn vốn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, sự khan hiếm sản phẩm BĐS khiến giá nhà đất leo thang, khách hàng có nhu cầu ở thực cũng khó tiếp cận dự án hơn.

Câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp BĐS được nhắc rất nhiều ở giai đoạn này. Bản thân các doanh nghiệp đang chờ những tháo gỡ, hỗ trợ từ chính sách để có dự án ra thị trường. Mới đây, tại các hội thảo cuối năm, nhiều doanh nghiệp địa ốc liên tục “kêu khó” về pháp lý, thủ tục, thậm chí có sẵn quỹ đất, dự án nhưng để đưa ra thị trường bị vướng đủ thứ.

Đại diện các lãnh đạo ban ngành đã tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và phản hồi sẽ hỗ trợ nới lỏng về mặt cơ chế cấp phép dự án để tạo niềm tin cho doanh nghiệp lẫn người mua. Không thể phủ nhận, hiện nay, thị trường BĐS ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS cũng được đánh giá cao hơn. Những thay đổi tích cực về diện mạo đô thị, về khả năng đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân; sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng du lịch, dịch vụ thương mại, văn phòng; hạ tầng khu công nghiệp…đều có sự đóng góp lớn của cồng đồng các doanh nghiệp này.

Theo các doanh nghiệp, thực tế thị trường đang nhiều khó khăn bủa vây, nhưng “trong cái khó, ló cái khôn”, bản thân doanh nghiệp đã chủ động để không bị loại khỏi thị trường vốn khắc nghiệt bên cạnh sự hỗ trợ về mặt chính sách của chính quyền.

Doanh nghiệp địa ốc chủ động “xoay sở” như thế nào?

Trong bối cảnh này có thể gọi đúng là doanh nghiệp BĐS đang “xoay sở” nhằm linh hoạt thích ứng với sự biến động của thị trường. Khá nhiều doanh nghiệp đã tự đưa ra các giải pháp trong ngắn, dài hạn để có thể trụ vững trên thị trường, vượt qua thời điểm khó khăn này.

Nhiều doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM đã chủ động tìm kiếm quỹ đất, chú trọng vào chất lượng dự án để tăng tính cạnh tranh, đa dạng cơ cấu nguồn vốn để tạo giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, tìm kiếm và mở rộng cơ hội kinh doanh của các vùng lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận,… để chuẩn bị quỹ đất dài hạn, cải thiện việc thiếu hụt sản phẩm.

Thách thức bủa vây, doanh nghiệp BĐS tìm giải pháp xoay sở trước bối cảnh thị trường biến động - Ảnh 2.

Một số doanh nghiệp BĐS đã chủ động về mặt nhân sự, con người, công nghệ.... để trụ vững trên thị trường BĐS vốn đang khá khó khăn. Ảnh: Hạ Vy

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Yeshouse cho biết, trước tình hình này, các doanh nghiệp BĐS có thể chủ động xoay sở nguồn vốn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế tín dụng như phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác M&A, thu hút FDI. Đặc biệt, vốn FDI đang là một trong những điểm sáng nhất và dự kiến năm 2020 vốn FDI còn đổ về nhiều hơn.

“Và để tăng cường khả năng giao dịch BĐS trong thời gian tới, các chủ đầu tư cũng cần chú trọng hơn tới công tác quản lý BĐS bằng việc ứng dụng phần mềm công nghệ vào quản lý BĐS để doanh nghiệp cũng như khách hàng dễ dàng nắm bắt được tiến độ cũng như tình hình của từng dự án rõ ràng, từ đó có chiến lược phát triển và huy động vốn kịp thời. Đây cũng là cách xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng khả năng giao dịch với khách hàng”, vị CEO này cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, các doanh nghiệp địa ốc bên cạnh tìm kiếm nguồn vốn cũng đang chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nội bộ, hỗ trợ nhân sự mới cũng như kiểm tra nâng cao trình độ nhân sự cũ để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chủ đạo. Đây cũng là cách “ứng phó” với tình hình biến động nhân sự trong tổ chức - yếu tố quyết định rất nhiều đến sự bền vững của một doanh nghiệp BĐS.

Tiếp xúc với một CEO doanh nghiệp BĐS có thâm niên 3 năm trên thị trường, có trụ sở tại Q.7, Tp.HCM, vị CEO này bộc bạch: Thực sự có những thời điểm muốn “buông xuôi”, dừng lại nhưng lại nghĩ đến những người anh em đã cùng mình gầy dựng doanh nghiệp nên tiếp tục chiến đấu. Suốt thời gian dài không có sản phẩm mới mang về cho anh em môi giới bán, doanh nghiệp thì vẫn phải chi trả các chi phí hoạt động liên quan.

“Sau khoảng thời gian bấp bênh, tôi nghĩ nếu bỏ doanh nghiệp thì rất lãng phí thời gian mình gầy dựng gian nan. Cho nên, trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường thì mình càng phải “mạnh tay” để đầu tư vào cho tổ chức và con người. Tôi đã từng bước sắp xếp, cơ cấu lại nhân sự, đầu tư vào công nghệ; linh hoạt tìm kiếm sản phẩm ở vùng sâu, vùng xa để có sản phẩm cho anh em tiếp tục bán. Bên cạnh đó, bản thân huy động các nguồn lực để chi trả lương, thưởng cho anh em công ty đồng thời chia sẻ khó khăn để họ cảm thông trước bối cảnh thị trường khó khăn chung”, vị CEO này giãi bày.

Theo ghi nhận, không chỉ các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ “xoay sở” để trụ vững trên thị trường, các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh cũng chủ động/linh hoạt tìm kiếm sản phẩm ở các khu vực tỉnh để tiếp tục nuôi quân, phát triển doanh nghiệp đường dài. Theo chia sẻ của một số “ông lớn” BĐS, xu hướng dạt về tỉnh lân cận để tìm quỹ đất trong suốt thời gian qua cũng là cách để đối phó với khó khăn và trụ vững trên thị trường trong dài hạn.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên