Thách thức chưa từng có với Nga và Tổng thống Putin sau bầu cử
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Nga sẽ gặp khó khăn rất lớn trong quá trình hiện đại hóa nếu không có nguồn lực công nghệ phương Tây.
Theo tờ Nezavisimaya Gazeta ngày 2/4, nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tập trung vào việc tìm kiếm một mô hình phát triển mới.
Con đường phát triển của nước này kể từ khi Liên Xô sụp đổ dần được bộc lộ thông qua định hướng xuất khẩu kết hợp với việc chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ thành hàng tiêu dùng cho người dân, nhập máy móc, thiết bị, công nghệ và thực tiễn quản lý doanh nghiệp.
Giá xuất khẩu nguyên liệu thô càng cao thì các mặt hàng từ nước ngoài nhập khẩu vào Nga càng đa dạng - từ vật liệu xây dựng và đồ gia dụng đến máy bay tư nhân và thiết bị y tế công nghệ cao.
Nhưng giờ đây, khi căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng, đặc biệt là do cuộc xung đột ở Ukraine, Nga phải đối mặt với nhu cầu tự mình giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
Ví dụ về việc điều chỉnh doanh số bán dầu cho Ấn Độ và những khó khăn nảy sinh trong việc chuyển số tiền thu được từ đồng rupee thành nguồn lực có ích cho Nga là minh chức rõ ràng cho sự phức tạp và thách thức đó.
Áp lực trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với các đối tác của Nga tại Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các nước Trung Á (ví dụ Kazakhstan) ngày càng gia tăng nhằm hạn chế cung cấp các thiết bị vi điện tử, chất bán dẫn, phần mềm, máy tính và hàng hóa lưỡng dụng cho Nga.
Các dòng tài chính từ xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ đang bị áp lực nặng nề hơn, các công ty và đội tàu chở dầu bị giám sát, hoạt động bốc dỡ hàng tại các cảng trung chuyển của họ bị phong tỏa.
Có vẻ như phương Tây sẽ dành toàn bộ năm 2024 để thắt chặt cơ chế thực thi các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt và ngăn chặn chúng bị "lách luật".
Trong điều kiện như vậy, Tổng thống Putin sẽ buộc phải yêu cầu chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng các cấu trúc còn thiếu của chuỗi cung ứng công nghệ của quốc gia. Nhiều sản phẩm phức tạp, chẳng hạn như máy bay, cần phải đảm bảo được cung cấp 100% linh kiện từ trong nước.
Một nhiệm vụ khác so với trước đây được giao cho các trường đại học tư thục lớn trong vấn đề này: giờ đây rất có thể họ sẽ phải đào tạo nhân sự cho toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ cho nhu cầu của riêng họ.
Nhìn lại quá khứ, ngay cả trong những năm 1930, quá trình công nghiệp hóa ở Liên Xô đã diễn ra với sự hỗ trợ lớn về công nghệ và kỹ thuật từ các nước phát triển.
Đầu năm 1931, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin đã phát biểu tại một cuộc họp của các nhà quản lý doanh nghiệp: “Chúng ta đi sau các nước tiên tiến từ 50 đến 100 năm. Chúng ta phải rút ngắn quãng đường này trong 10 năm. Hoặc chúng ta làm điều này, hoặc chúng ta sẽ bị nghiền nát”. Kể từ đó, việc thu hút vốn nước ngoài để tạo ra nền công nghiệp Liên Xô đã trở thành ưu tiên của chính phủ.
Đến năm 1940, người nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ, đã góp phần phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, hàng không, điện, dầu mỏ, khai thác mỏ, than đá, luyện kim ở Liên Xô. Ô tô, máy kéo và động cơ máy bay đều được chế tạo ở cả Liên Xô và Mỹ.
Ví dụ, Nhà máy máy kéo Stalingrad nổi tiếng được xây dựng ở Mỹ, tháo dỡ, vận chuyển lên tàu và lắp ráp tại Liên Xô. Nhà máy ô tô Gorky (một trong những nhà máy sản xuất ô tô dân sự và quân sự lớn nhất ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay) được thành lập với sự liên doanh cùng tập đoàn Ford của Mỹ.
Nhưng hiện nay, một mô hình công nghiệp hóa như vậy là không thể thực hiện được vì lý do địa chính trị và Nga cần một hướng đi mới.
Đây chính là một thách thức chưa từng có đối với cả Nga và Tổng thống Putin với nhu cầu rất lớn ngân sách đầu tư công và tư, những nhà quản lý, nhà khoa học mới tài năng, sự lạc qua và ủng hộ của người dân, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ trên thị trường tiêu dùng, khả năng phục hồi tốt và có đồng nội tệ mạnh. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng là mọi thứ diễn ra đồng bộ. Đó là điều kiện để thành công.
Báo Tin Tức