Thách thức nào cho nữ Thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước?
Trở thành nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên vừa là vinh dự nhưng đồng thời bà Nguyễn Thị Hồng cũng sẽ gánh trên vai những trọng trách rất lớn lao khi đứng đầu một cơ quan nhà nước có vai trò vận hành mạch máu của cả nền kinh tế.
- 12-11-2020Ngân hàng Nhà nước có nữ Thống đốc đầu tiên
- 10-11-2020Chân dung bà Nguyễn Thị Hồng – người được giới thiệu làm nữ Thống đốc NHNN đầu tiên của Việt Nam
Trả lời câu hỏi, thách thức nào cho tân Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước 5 năm tới, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - người có nhiều năm gắn bó với việc tư vấn chính sách cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cho biết: Cùng với những thách thức sẵn có, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đối mặt với những thách thức mới đến từ bối cảnh mới của thế giới và khu vực.
Trong đó phải kể đến chiến lược tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã có từ năm 2012. Hai vấn đề lớn được đặt ra tại chiến lược này là làm sao vừa cải tổ được hệ thống ngân hàng lại vừa hướng tới ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với bản thân ngành ngân hàng có những vấn đề vừa mới nhưng vừa cũ như xử ý nợ xấu, giải quyết ngân hàng yếu kém, chuẩn hóa theo thông lệ tốt của quốc tế như đáp ứng các chuẩn mực về Basel II, xây dựng một số ngân hàng có tầm cỡ, sánh vai với khu vực và quốc tế.
"Những vấn đề nêu trên đã được đặt ra từ năm 2012-2013 và cũng đã được ngành ngân hàng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, dù đã đạt được mội số kết quả nhất định như hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn chưa đạt so với mục tiêu đề ra về tốc độ và phạm vi xử lý", ông Thành nói.
Cụ thể, cho đến nay vẫn còn những ngân hàng yếu kém và cách xử lý cho thấy không đơn giản. Về quá trình tiếp cận chuẩn mực quốc tế tốt như chuẩn Basel, đã có hàng chục ngân hàng đạt chuẩn Basel II, nhưng tốc độ diễn ra vẫn còn chậm, khoảng cách so với thế giới lớn khi nhiều nước đang áp dụng chuẩn Basel III.
"Hay như vấn đề xử lý nợ xấu tại VAMC, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã có những bước tiến, thành tích đáng kể nhưng nguy cơ quá trình này đang chậm lại cho thấy tính trọn vẹn, tính mục tiêu xét về tốc độ, phạm vi chưa đạt được như mong muốn", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cho rằng, yêu cầu với ngành ngân hàng trong thời gian tới là vẫn phải tiếp tục nỗ lực đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Bên cạnh đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang có những thách thức mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là chuyển đổi số, phát triển hệ thống tài chính với ngân hàng số, Fintech, đồng tiền điện tử… Những yêu cầu trên gắn với việc Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện khủng khố pháp lý một cách nhanh chóng.
"Ở thời điểm hiện tại chúng ta cũng có thể đặt ra vấn đề về một trung tâm tài chính, tiến tới trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới", ông Thành bổ sung.
Trên là những vấn đề nền tảng, cơ bản đặt ra cho NHNN trong 5 năm tới. Cùng với đó là những yêu cầu trước mắt mà tân Thống đốc và NHNN phải làm cho được để thúc đẩy tăng trưởng của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đó là tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tiếp tục tăng cao trong khi nợ xấu cũ vẫn chưa xử lý xong.
Một trong những vấn đề lớn đang đặt ra, phần nào gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp là việc ngân hàng kêu thừa vốn trong khi doanh nghiệp vẫn thấy khó khăn trong tiếp cận vốn.
Thế giới đang đối diện với tương lai bất định khi dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát, chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị chưa có hướng đi rõ ràng. Việt Nam không thể nằm ngoài những xu hướng nêu trên khi nền kinh tế có độ mở lớn, xuất khẩu bằng 200% GDP. Đây cũng là những thách thức lớn với Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng khi đóng vai trò vận hành huyết mạch của nền kinh tế.
Nhà đầu tư