Thách thức và cơ hội của công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam
Công nghiệp phụ trợ là điều tiên quyết giúp các thương hiệu tăng cường sản xuất, giảm giá thành ô tô. Bên cạnh những tồn đọng cần khắc phục, lĩnh vực này đang mang tới nhiều dấu hiệu tích cực vào năm 2023.
- 23-08-2022Kỳ vọng 'sóng' FDI vào lĩnh vực công nghiệp ô tô
- 12-08-2022Đề xuất sửa luật thuế để phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ
- 06-07-2022Những con số lý giải vì sao ô tô Việt Nam đắt và bài học phát triển công nghiệp ô tô từ Hàn Quốc
Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô gặp cảnh bấp bênh
Trong tháng 1/2023, sản lượng tiêu thụ xe du lịch ở nước ta giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, tác động nặng nề đến ngành lắp ráp ô tô, đặc biệt là thị trường công nghiệp phụ trợ.
Tại buổi hội thảo chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô Automechanika 2023, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) phát biểu: "Sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam chưa đạt mức trung bình 500.000 xe/năm, các sản phẩm chủ yếu đến từ việc nhập khẩu và lắp ráp. Điều này khiến nền công nghiệp ô tô nước ta chưa thể kiện toàn".
Ông Phan Đăng Tuất phát biểu tại buổi hội thảo.
Đồng thời, lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại nước ta chưa đủ phát triển để đáp ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Kết quả, các doanh nghiệp Việt hiện chưa thể chế tạo một mã kim loại và mắt ghép trên ô tô, khiến việc tự chủ sản xuất khó khả thi.
Cùng với đó, nhiều cơ sở chế tạo phụ tùng cũng gặp một số rào cản khi bán sản phẩm. Đến hết năm 2023, dự kiến có 38 đơn vị sở hữu chứng chỉ chứng chỉ IATF 16949 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho công nghiệp ô tô được Hiệp hội Ô tô Quốc tế công nhận). Con số kể trên được đánh giá quá ít để thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Trên thực tế, các tập đoàn sản xuất, lắp ráp trong nước đều thừa nhận chưa thể dẫn dắt doanh nghiệp chế tạo những linh kiện cốt yếu, hầu hết phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, đặc thù của công nghiệp hỗ trợ là tạo ra các linh kiện để chắp nối, giúp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Nghịch cảnh này khiến các doanh nghiệp chế tạo linh kiện xe hơi chật vật tìm kiếm khách hàng.
Cuối cùng, Chính phủ hiện vẫn chưa ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích nền công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển. Về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất nhận định: "Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ đã được dần hình thành từ giữa thế kỷ XX. Điều này giúp nền công nghiệp xe hơi tại hai quốc gia này phát triển vượt bậc, trở thành những ông lớn trên thế giới".
"Trong khi đó tại Việt Nam, dù thị trường xe hơi đã hình thành khoảng 30 năm, Bộ Luật về công nghiệp hiện mới bắt đầu trên đà soạn thảo, trong đó chỉ bao gồm một chương về Công nghiệp hỗ trợ. Sự trì trệ này khiến ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển, trong khi đây là cốt lõi, linh hồn của nền công nghiệp nước nhà", vị Chủ tịch Hiệp hội VASI nhận định.
Tăng cường biện pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam
Ngoài những khó khăn, công nghiệp hỗ trợ xe hơi trong nước đang đứng trước nhiều thời cơ để thay đổi "vận mệnh". Hiện nay, nhiều hãng xe đã và đang triển khai mở rộng sản xuất, gia tăng mẫu mã sản xuất lắp ráp trong nước. Điều này tạo ra cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp nằm trong ngành phụ trợ, dịch vụ, hậu mãi.
Đáng chú ý, một số nhà sản xuất xe hơi uy tín tại Việt Nam vài năm trở lại đây đã hợp tác với Bộ Công thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các nhà sản xuất ô tô.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng được xem là mặt tích cực trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Điển hình, Bộ Công thương đã tích cực tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và ô tô.
Một điểm sáng đáng khác là tiềm năng của ngành công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp giờ đây có khả năng phát triển những linh kiện công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn chứ không nhất thiết phải là các phụ tùng cơ khí.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Đàm - Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp phụ trợ ô tô VAST GROUP, nhà sáng lập diễn đàn Oto-Hui cho biết: "Hiện tại, với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, có rất nhiều cách để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng và mang lại lợi nhuận. Ví dụ, họ có thể sản xuất những thiết bị điện tử trên xe hay xây dựng phần mềm giúp ích cho việc vận hành xe".
Ông Nguyễn Thanh Đàm nhận định công nghệ điện tử sẽ là sở trường mới của các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện xe hơi.
Đặc biệt, trong năm 2023, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô sẽ có cơ hội mở rộng thị trường thông qua Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô Automechanika 2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này sẽ giúp tạo ra những kết nối giữa thương hiệu ô tô trên thế giới với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam và các doanh nghiệp phụ trợ.
Automechanika 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng 6 năm 2023 tại Trung tâm Hội chợ và triễn lãm Sài Gòn (SECC). Đây là triển lãm chuyên ngành duy nhất về công nghiệp ô tô và các dịch vụ về hậu mãi ô tô, và là một phần của thương hiệu 'Automechanika' toàn cầu.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng thu hút nhiều diễn giả trong và ngoài nước tại các hội nghị/hội thảo như Trao đổi và kết nối Automechanika, Nhà máy thông minh và CMCN 4.0, điện khí hoá và số hoá.
Tiền phong