Thái Bình: Đẩy nhanh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
Ông Nguyễn Quang Hưng - PCT UBND tỉnh Thái Bình vừa có buổi đi kiểm tra tình hình xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp tại huyện Tiền Hải.
- 13-11-2022Vùng nào thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất cả nước?
- 08-11-2022Tận dụng lợi thế có 3 mặt giáp biển, địa phương này phát triển kinh tế biển ra sao?
- 04-11-2022Thành phố trực thuộc TW có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất
Song hành tháo gỡ
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình , những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có những bước chuyển mình, lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp và chi nhánh văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Sự phát triển không ngừng về số lượng và chất lượng doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm qua.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, kinh tế của tỉnh Thái Bình liên tục tăng trưởng, trong đó năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 6,68%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 11.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Riêng cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã nộp ngân sách nhà nước năm 2018 là 3.570 tỷ đồng, năm 2019 nộp 5.250 tỷ đồng, năm 2020 nộp 4.766 tỷ đồng, năm 2021 nộp 6.085 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2022 nộp 4.622 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình thăm khu trưng bày giới thiệu sản phẩm của Mikado - Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng (ảnh báo Thái Bình)
Để động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hoàn thành kế hoạch năm 2022, vừa qua ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã cùng Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tiền Hải
Đoàn đã đi kiểm tra công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp An Ninh. Thăm, động viên cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu trong khu công nghiệp Tiền Hải.
Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp báo cáo tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh và trực tiếp kiểm tra các hạng mục công trình, nhà xưởng sản xuất, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Đối với cụm công nghiệp An Ninh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần Sợi EIFFEL (nhà đầu tư hạ tầng ) huy động mọi nguồn lực sớm hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bảo đảm theo thiết kế được phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thu hút dự án thứ cấp mới vào lấp đầy diện tích đất công nghiệp, đôn đốc các dự án thứ cấp đã được chấp thuận đầu tư khẩn trương hoàn thành triển khai dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai và phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đi thăm dây chuyền sản xuất gạch ốp lát của Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng.(ảnh báo Thái Bình)
Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tiền Hải gặp phải do tác động của dịch COVID-19, biến động giá cả nguyên liệu, năng lượng và dịch vụ logistics tăng cao, ông Nguyễn Quang Hưng- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã đánh giá cao sự năng động, sáng tạo trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, nhờ đó đến nay các doanh nghiệp đã hoàn thành từ 80 - 90% kế hoạch năm, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
Ông Hưng chia sẻ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục linh hoạt tìm giải pháp, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2022, tăng số nộp ngân sách cho nhà nước và sớm có kế hoạch, giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh năm 2023 để tập trung phấn đấu ngay từ bây giờ.
Song hành cùng sự phát triển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục chia sẻ, đồng hành để các doanh nghiệp hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch SXKD đã đề ra. Đồng thời tiếp thu một số kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp. và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh trong phối hợp giải quyết, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp
Theo ông Hà Trung Hiếu - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ dầu khí Thái Bình, những tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu tăng từ 20 - 50%. Song, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với sự chủ động tái cấu trúc hệ thống sản phẩm và triển khai các giải pháp giảm chi phí, 10 tháng đầu năm 2022 doanh thu của Công ty đạt trên 55 tỷ đồng, tăng trưởng 20%, thu nhập của người lao động tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Phạm Đình Phú - Phó Giám đốc Công ty Công ty TNHH Thương mại Tấn Thành cho biết: Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan ban ngành, địa phương, đến nỗ lực của doanh nghiệp, đến nay nhãn hiệu xe máy điện Dibao bắt đầu vào thị trường từ giữa năm 2015. Hiện nay xe đã bao phủ thị trường cả nước. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay Dibao đã xây dựng được 2 nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện trên diện tích hơn 3ha tại khu công nghiệp Phúc Khánh, tạo việc làm cho trên 100 lao động, với thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. 100% người lao động được đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Công ty tiếp tục tăng, đạt trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Chủ tịch thường trực UBND thăm hỏi Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu sớm hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh cả năm 2022 và có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước (ảnh báo Thái Bình)
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, Thái Bình là tỉnh có vị trí khá thuận lợi, cách Thủ đô Hà Nội 110km, cách Hải Phòng 70km, có bờ biển dài 52km, hệ thống giao thông thủy bộ kết nối vùng và khu vực tương đối đồng bộ. Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển vào quý II/2023. Đồng thời, triển khai thực hiện dự án tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng vào quý III/2023, sẽ thúc đẩy việc kết nối, liên kết phát triển sản xuất và lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu đến với thị trường thuận lợi.
Đặc biệt, với những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, từ một tỉnh thuần nông Thái Bình đang hướng tới trở thành tỉnh phát triển khá về mọi mặt, trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, làm bệ đỡ hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, xanh - sạch - bền vững. Tăng trưởng kinh tế năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn ( GRDP ) đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020 (đứng thứ 14 về tốc độ tăng GRDP so với 63 tỉnh, thành phố). 8 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,6%, kim ngạch nhập khẩu tăng 30,4%.
Toàn tỉnh có 8.449 doanh nghiệp và 2.249 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Tỉnh Thái Bình luôn cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Thái Bình đầu tư, trao đổi, hợp tác, liên kết sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương và các địa phương khác.
Diễn đàn Doanh nghiệp