Thai nghén 100 năm mới chi đậm 10,1 tỷ USD để đào một con sông: Siêu chiến lược "cải vận" của Trung Quốc
Khối lượng đất đá được đào của siêu dự án này là 340 triệu mét khối, gần gấp ba lần lượng đất đá đào lấp của kết cấu chính dự án đập Tam Hiệp với 134 triệu mét khối.
- 19-11-2023Mexico mở đường tàu cạnh tranh với kênh đào Panama
- 07-09-2023Ùn ứ tàu thuyền qua kênh đào Panama do khô hạn
- 04-09-2023Dự án đô thị Marafy và xây kênh đào đầu tiên xuyên sa mạc
Siêu kênh đào Bình Lục
Trời đã vào đông nhưng việc xây dựng kênh đào Bình Lục (Quảng Tây, Trung Quốc) vẫn đang được tiến hành rầm rộ.
Vào ngày 28/8/2022, kênh đào Bình Lục vốn được nhiều người Trung Quốc mong đợi đã chính thức khởi công xây dựng.
Sau hơn một năm, việc xây dựng kênh đào Bình Lục đã được đẩy nhanh tiến độ, tổng vốn đầu tư ban đầu đã tiêu tốn hơn 20 tỷ nhân dân tệ và 100 triệu mét khối đất đá đã được đào. Hình dáng của một con kênh đẳng cấp thế giới đang dần lộ diện trước thế giới.
Theo tờ Tin tức Buổi sáng Tiêu Tương (Trung Quốc), ý tưởng xây dựng kênh đào Bình Lục ra đời cách đây hơn 100 năm, đến đầu thập niên 1990 đã được đưa vào báo cáo đề xuất dự án của Sở Giao thông vận tải Quảng Tây nhưng luôn bị mắc kẹt.
Phải đến năm 2019, các thỏa thuận liên quan đến kênh đào Bình Lục mới xuất hiện trong "Quy hoạch tổng thể [của Trung Quốc] về Hành lang thương mại đất - biển quốc tế mới". Kể từ đó, công tác quy hoạch và xây dựng đã bước vào giai đoạn tăng tốc và chính thức chuyển từ bản vẽ quy hoạch sang bản vẽ thi công trong vòng 4 năm.
Dự án này dài 135km bắt đầu từ cửa sông Bình Đường đổ ra Vịnh Bắc Bộ. Kinh phí dự án ước tính khoảng 72,7 tỷ nhân dân tệ (10,1 tỷ USD) và thời gian xây dựng là 54 tháng với khối lượng đất đá được đào là 340 triệu mét khối, gần gấp ba lần lượng đất đá đào lấp của kết cấu chính dự án đập Tam Hiệp (134 triệu mét khối).
Kênh đào Bình Lục hiện là kênh đào lớn đầu tiên kết nối sông với biển được xây dựng kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, là dự án xương sống của Hành lang thương mại đất liền-biển quốc tế mới và là dự án mang tính bước ngoặt của một cường quốc giao thông như Trung Quốc.
Người dân địa phương Trung Quốc tin rằng kênh đào Bình Lục sẽ biến "cảng Vịnh Bắc Bộ trở thành một lối ra thực sự ra biển". Trước đây, dù Quảng Tây là tỉnh giáp biển nhưng hàng hóa Quảng Tây và các tỉnh phía Tây Trung Quốc như Quý Châu, Vân Nam thường phải đi đường vòng mới ra đến biển, thậm chí còn có câu nói rằng "Hàng hóa Quảng Tây không qua cảng Quảng Tây".
Theo Tân Hoa Xã, sau khi kênh đào này hoàn thành sẽ thay đổi căn bản hiện trạng Quảng Tây, kích hoạt Quảng Tây phát triển chất lượng cao.
Dự án được coi không chỉ là cơ hội phát triển vùng đất phía Tây Nam Trung Quốc mà còn là cầu nối để Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với các quốc gia Đông Nam Á.
Thay đổi căn bản hiện trạng Quảng Tây
Ngày nay, bên cạnh đường bộ và đường hàng không, đường thủy là kênh vận chuyển hàng hóa quan trọng.
Ở Trung Quốc, vận tải đường thủy chiếm một lượng lớn vận chuyển hàng hóa toàn quốc và khoảng 95% vận chuyển ngoại thương.
Dữ liệu công khai của Trung Quốc cho thấy, vào năm 2022, tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa nước này đạt là 50,6 tỷ tấn, bao gồm 4,93 tỷ tấn vận tải đường sắt, 37,12 tỷ tấn vận tải đường bộ và 8,55 tỷ tấn vận tải đường thủy.
Lượng vận chuyển hàng hóa đạt 22.612 tỷ tấn-km, trong đó đường sắt 3.590 tỷ tấn-km, đường bộ 6.895 tỷ tấn-km và đường thủy 12.100 tỷ tấn-km. Lượng vận tải đường thủy vượt xa đường sắt và không thể đánh giá thấp .
Mặc dù vận tải đường thủy là phương thức vận tải cổ xưa nhưng nó có ưu điểm là năng lực vận chuyển lớn, chi phí thấp và tiêu thụ năng lượng thấp.
Có tính toán rằng để vận chuyển một lô hàng từ Trùng Khánh đến Thượng Hải, tính theo tấn-km, chi phí vận tải đường sắt là 0,163 NDT, vận tải đường bộ là 0,692 NDT, vận tải hàng không là 1,8 NDT và vận tải đường thủy chỉ mất 0,09 NDT. Nếu giao dịch không cấp bách thì lợi ích của việc vận chuyển bằng đường thủy là rất rõ ràng.
Hệ thống giao thông đường thủy của Trung Quốc chủ yếu dựa vào ba hệ thống đường thủy chính là hệ thống sông Hoàng Hà, hệ thống sông Dương Tử và hệ thống sông Châu Giang.
Hệ thống nước sông Châu Giang bao quát vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và một phần của Vân Nam.
Toàn bộ hệ thống nước sông Châu Giang thường chạy theo hướng tây đông, với cửa ra biển ở phía đông, tức là Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao.
Trên thực tế, ở phía nam của hệ thống sông Châu Giang có một cửa ra biển rất gần, đó là Vịnh Bắc Bộ, giáp Quảng Tây với một số cảng như Phòng Thành, Bắc Hải.... Tuy nhiên, hệ thống sông Châu Giang không được kết nối với Vịnh Bắc Bộ cho đến khi kênh đào Bình Lục được xây dựng.
Sau khi hoàn thành, kênh đào Bình Lục sẽ trở thành tuyến đường ra biển ngắn nhất, tiết kiệm nhất và thuận tiện nhất ở phía Tây Nam Trung Quốc.
Hàng hóa đường thủy từ Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu đi ra biển từ Vịnh Bắc Bộ, ngắn hơn khoảng 560 km so với đi tới cảng Quảng Châu, tiết kiệm hơn 5,2 tỷ NDT (725 triệu USD) chi phí vận chuyển mỗi năm. Có thể nói đây là kênh đào phục hồi hoạt động nhập khẩu và thương mại xuất khẩu ở khu vực nội địa phía Tây.
Với sự trợ giúp của kênh đào Bình Lục, các thành phố nội địa ở Quảng Tây như Nam Ninh, Sùng Tả và Bách Sắc có thể tiếp cận biển và các ngành công nghiệp biển như đánh bắt cá và du lịch ven biển sẽ phát triển. Với sự liên kết phối hợp giữa các ngành công nghiệp nội địa và công nghiệp biển, Quảng Tây sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới.
Kết nối chặt chẽ với Đông Nam Á
Tuyến đường thủy này được đánh giá sẽ mở ra một cửa ngõ thuận tiện và kinh tế đến Đông Nam Á, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp ở Quảng Tây và các khu vực tương đối kém phát triển khác ở miền Tây Trung Quốc.
"Giá trị thực tế của dự án này rất đáng mong đợi", Gao Zhendong, nhà tư vấn kỳ cựu giúp các công ty Trung Quốc khám phá cơ hội đầu tư ở các nước Đông Nam Á, nói với tờ SCMP.
"Điều này tương đương với việc có nhiều đường dẫn hơn để gắn kết chặt chẽ với nhau giữa thị trường Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)".
Ông Gao dự kiến, lưu lượng hàng hóa hai chiều sẽ rất lớn vì "chi phí tiết kiệm được bằng tuyến đường thủy này sẽ cao".
Dự kiến kênh đào này sẽ vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2035.
Nó sẽ cho phép các tàu container hoặc tàu chở hàng rời đi từ Quảng Tây đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần.
Huang Yonghui, cố vấn cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quảng Tây, cho biết Trung Quốc cần mạng lưới hậu cần dày đặc hơn nữa để đảm bảo chuỗi cung ứng song phương cũng như trao đổi kinh tế và thương mại song phương chặt chẽ hơn.
Kênh Bình Lục sẽ cải thiện vấn đề kết nối cơ sở hạ tầng song phương, cho phép Quảng Tây có liên kết toàn diện với các thị trường Đông Nam Á lân cận thông qua đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.
Đời sống & pháp luật