Thái Nguyên giải ngân gói 26.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, lao động khó khăn
Ngày 16/7, những doanh nghiệp và người lao động đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại tỉnh Thái Nguyên đã tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị định 68 của Chính phủ.
- 16-07-20216 tháng đầu năm, doanh thu công nghiệp ICT đạt mốc 65 tỷ USD
- 16-07-2021Chuyên gia quốc tế lý giải vì sao sức dùng nội địa giảm lại ảnh hưởng tức thời đến TTCK Việt Nam
- 16-07-2021Tech in Asia: Top 9 nhà đầu tư liên tục 'rót tiền' cho các startup Việt Nam
Thái Nguyên là địa phương đầu tiên của cả nước bắt đầu chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng. Đây được xem là nguồn tiếp sức kịp thời để doanh nghiệp phục hồi sản xuất và giúp người lao động yên tâm làm việc.
Gần 2 năm hoạt động cầm chừng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến cho Công ty Vận tải Halan (Thái Nguyên) liêu xiêu. Nhà xe cắt giảm chuyến, bù lỗ và phải cho hơn một nửa số lao động nghỉ việc và chậm lương.
Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đã hoàn thiện hồ sơ và được giải ngân nguồn vốn vay trên 3 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho 600 lao động. Nếu tính cả việc miễn đóng và chậm đóng bảo hiểm xã hội thì công ty này có thể nhận được hơn 10 tỷ đồng.
"Chúng tôi oải, không có kinh phí để tồn tại để nuôi sống doanh nghiệp. Bản thân tôi phải bán nhà. Với gói hỗ trợ này, công ty chúng tôi đã vay được vốn, ngân hàng chính sách tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh chóng", Giám đốc Công ty Vận tải Halan Nguyễn Mạnh Hà cho hay.
Triển khai kịp thời gói hỗ trợ sẽ là "liều thuốc" hiệu quả giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất và người lao động cầm cự qua dịch. (Ảnh minh họa)
Điểm mới của gói hỗ trợ lần này không chỉ là cắt giảm tối đa thủ tục, mà còn mở rộng nhiều đối tượng thụ hưởng hơn so với trước.
Tính đến ngày 13/7, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho trên 164.000 người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hàng nghìn doanh nghiệp điêu đứng, hàng triệu người lao động lâm vào tình cảnh mất việc. Do đó, triển khai kịp thời gói hỗ trợ sẽ là "liều thuốc" hiệu quả giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất và người lao động cầm cự qua dịch.
Làm việc với tỉnh Thái Nguyên sáng nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu các tỉnh thực hiện thủ tục nhanh gọn, phấn đấu đến 20/7 sẽ đồng loạt chi trả ở các tỉnh.
VTV.vn