Thảm cảnh các thị trấn ma ở Fukushima 10 năm sau thảm họa động đất sóng thần và hạt nhân lịch sử
Thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 11/3/2011 đã khiến một vùng rộng lớn xung quanh trở thành các đô thị ma.
Một thập kỷ qua, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực giải quyết những thiệt hại mà thảm họa động đất sóng thần lịch sử để lại. Chi hàng tỷ USD để tẩy độc phóng xạ và tái thiết, các thị trấn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn bị bỏ hoang kể từ thời điểm hàng trăm nghìn người vội vã rời đi để tránh tác động của phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng của nhà máy điện.
Ở trung tâm Namie, Fukushima vào ngày 9/3/2021, chỉ có hơn 10% cư dân trước đây trở lại sau cuộc đại di cư đúng 1 thập kỷ trước. Ở thời điểm hiện tại, Fukushima vẫn đang rất nỗ lực phục hồi sau thảm họa nhưng tốc độ rất chậm chạp. Thậm chí, người ta dự đoán tương lai của nơi này có thể sẽ đìu hiu trong 30 đến 40 năm nữa.
Theo các thống kê, cần phải mất 30 năm nữa để đóng hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau khi nó bị phá hủy bởi sự cố ngày 11/2/2011. Hiện tại, hàng triệu lít nước nhiễm phóng xạ cũng đang được lưu trữ chờ xử lý hoàn toàn. Sự cố ở Fukushima Daiichi là thảm họa hạt nhân tồi tệ bậc nhất trong suốt nhiều thập kỷ.
Ở Namie, có 200 người đã chết sau thảm họa động đất, sóng thần. Ngay đêm đó, nơi này trở nên hoang vắng khi nhà máy điện hạt nhân cách đó 8km gặp sự cố, buộc mọi người phải rời đi. Việc lò phản ứng bị nổ khiến phóng xạ phát tán ra xung quanh và trở nên nguy hiểm đối với mạng sống con người.
Ngay cả bây giờ, 4 năm sau khi một phần thị trấn được mở cửa trở lại, chỉ có 1.600 người trở về. Điều đó đồng nghĩa với việc dân số ở đây đã giảm 90%. Các cuộc khảo sát cho thấy hơn một nửa trong số những người từng phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn không có ý định quay trở lại.
Akihiro Zenji, 39 tuổi, giám đốc điều hành một công ty chuyên cho thuê máy móc hạng nặng, cho biết cuộc sống ở nơi đây sẽ không bao giờ có thể như trước thời điểm thảm họa xảy ra. Năm 2019, họ mua một ngôi nhà ở Namie và bắt đầu một cuộc sống mới.
"Những ai muốn về thì đã về rồi. Những người khác ở tuổi của tôi có quay lại để giúp đỡ tái thiết nhưng không ai trong số họ muốn quay lại đây sống", Zenji nói.
Một thập kỷ sau chuỗi thảm họa kinh hoàng, những ngôi nhà mới và những con đường được sửa chữa đã xuất hiện dọc bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản. Đây là một trong những dự án tái cấu trúc lớn nhất thế giới với quy mô khoảng 300 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực này phải đối mặt với một mối đe dọa khác chính là sự suy giảm về kinh tế về dân số. Những vấn đề cố hữu của Nhật Bản lại càng trở lên đặc biệt đáng lo ngại ở khu vực này, nơi từng bị thảm họa xóa xổ.
Vấn đề trở nên tồi tệ một cách đặc biệt ở tỉnh Fukushima, nơi chứng kiến dân số giảm 10% xuống còn 1,8 triệu người trong thập kỷ qua. Trong khi đó, tỉnh lân cận Miyagi chỉ chứng kiến mức giảm dân số là 2,5%. Trong suốt giai đoạn 2010-2018, kinh tế Fukushima chỉ tăng trưởng 8,1% trong khi cùng kỳ, Miyagi tăng được 19%.
Theo nhà kinh tế học Yutaro Suzuki, khả năng Fukushima bị bỏ lại phía sau là rất rõ ràng. Trong khi các tỉnh lân cận là Iwate và Miyagi đã khôi phục được sản lượng sản xuất lên mức trước thảm họa vào năm 2012 và 2013 thì Fukushima phải mất thêm vài năm nữa để đạt được mốc đó vào năm 2017. Ngành du lịch, vốn đã nhúc nhích trở lại mốc trước đây lại bị đại dịch Covid-19 tàn phá và hạ gục một lần nữa.
Hơn 160.000 người đã phải sơ tán khỏi khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân sau trận động đất mạnh 9 độ gây ra sóng thần khủng khiếp. Đây là trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản. Khi động đất gây ra những thiệt hại không quá nghiêm trọng, cơn sóng thần đi theo nó đã hạ gục hệ thống làm mát của nhà máy điện Fukushima Daiichi, khiến lõi của 3 lò phản ứng tan chảy. Chuỗi thảm họa này khiến 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích.
Trong khi các tỉnh xa hơn về phía bắc, vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi sóng thần, đã nhanh chóng phục hồi, ô nhiễm phóng xạ đã kìm chân Fukushima. Điều đó đồng nghĩa là nhiều khu vực ở tỉnh này còn chưa bắt đầu quá trình phục hồi dù đã 10 năm kể từ sau thảm họa kinh hoàng.
Các nhà máy ở khu vực Futaba nằm gần nhà máy điện hạt nhân vẫn có nồng độ phóng xạ cao. Cảng cá nhộn nhịp một thời Ukedo vẫn đang bị bỏ hoang do người tiêu dùng tránh thực phẩm từ Fukushima dù các cuộc thử nghiệm trên quy mô lớn đã chứng minh chúng an toàn.
Xe tải vẫn ầm ầm chạy ngang dọc các khu vực ven biển, vận chuyển những bao tải chứa đầy lớp đất mặt và thảm thực vật nhiễm phóng xạ ra khỏi các khu dân cư. Động thái dọn dẹp này nhằm mục đích đưa mọi người trở về ngôi nhà cũ của họ. Tuy nhiên, mệt mỏi vì chờ đợi suốt cả thập kỷ khiến nhiều người trong số họ chọn nơi ở khác.
Masao Uchibori, thống đốc tỉnh Fukushima, cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với sự phục hồi là tiến hành đồng thời các chính sách để khôi phục cuộc sống hàng ngày và những chính sách hướng tới một tương lai mới".
Sau thảm họa điện hạt nhân, Fukushima đang hướng tới một con đường khác chính là công nghệ. Nhìn về tương lai, Fukushima Innovation Coast, một dự án mới ở nơi đây, đang tập trung thúc đẩy năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ robot và các ngành công nghệ cao khác. Nó được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých cho sản lượng công nghiệp ở nơi này.
Một trong những liên doanh như vậy là nhà máy nghiên cứu và sản xuất hydro được xây dựng ở Namie. Mảnh đất của công trình này từng được quy hoạch để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân khác nhưng thảm họa năm 2011 đã khiến nó chết yểu. Cụ thể, năm 2013, Nhật Bản chính thức từ bỏ kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử ở đây và cho phép chính quyền địa phương cấp phép cho một lĩnh vực mới.
Xa hơn về phía bắc, trên một địa điểm không còn được coi là thích hợp để làm nhà ở sau động đất và sóng thần, chính phủ đã xây dựng một bãi thử nghiệm robot trị giá 71 triệu USD với các đường hầm gió phản lực để thử nghiệm máy bay không người lái và hồ bơi để nghiên cứ robot.