MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh của các quỹ đầu tư Trung Quốc: Những 'anh hùng' từng được ca ngợi hết lời trở thành tâm điểm chỉ trích vì TTCK giảm điểm

21-05-2021 - 20:08 PM | Tài chính quốc tế

Thảm cảnh của các quỹ đầu tư Trung Quốc: Những 'anh hùng' từng được ca ngợi hết lời trở thành tâm điểm chỉ trích vì TTCK giảm điểm

Ngành quỹ tương hỗ 3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khi thị trường sụt giảm và nhà đầu tư mất tiền, các quỹ tương hỗ từng được ca ngợi là "anh hùng" giờ đây trở thành mục tiêu của sự chỉ trích trên mạng xã hội.

Li Qiushi – giáo viên tiếng Anh tại Bắc Kinh, bắt đầu đầu tư vào quỹ từ tháng 9 vì bạn bè và người thân không ngừng nói về vấn đề này. Chị đã bán hầu hết cổ phiếu đã nắm giữ vào hồi tháng 3 để cắt lỗ. Li cho biết: "Mọi người chỉ như một nắm tỏi tây". Đây là một từ lóng trên mạng xã hội Trung Quốc, nói về những người bị lừa như thu hoạch tỏi tây.

Li nói: "Tôi tự nghĩ rằng mình bỏ tiền ra để lấy kinh nghiệm. Có lẽ bạn nên tìm hiểu về đầu tư nhiều hơn trước khi bỏ tiền vào quỹ tương hỗ."

Hiện tại, tâm lý cư dân mạng Trung Quốc đã thay đổi, khi một số người chia sẻ rằng họ hối tiếc về những bài đăng nội dung tích cực trước đó. Nhiều người còn phàn nàn rằng những khoản nắm giữ trong quỹ tương hỗ của họ có giá trị thấp hơn số tiền họ bỏ ra.

Một số người khác đặt câu hỏi về khả năng lựa chọn cổ phiếu của một số quỹ được coi là "ngôi sao". Nhiều quỹ tương hỗ tập trung vào những cổ phiếu lớn, tương tự nhau, ví dụ như nhà sản xuất rượu Quý Châu Mao Đài.

Thảm cảnh của các quỹ đầu tư Trung Quốc: Những anh hùng từng được ca ngợi hết lời trở thành tâm điểm chỉ trích vì TTCK giảm điểm  - Ảnh 1.

Zhang Kun – giám đốc quỹ E Fund Management Co nổi tiếng, là một trong những tâm điểm của làn sóng chỉ trích. Theo dữ liệu của Wind, Zhang quản lý số tiền tương đương 20,7 tỷ USD trong 4 quỹ. Đây là con số cao nhất đối với một nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc.

Một bài đăng trên mạng xã hội nói về các quỹ của Zhang: "Đây là quỹ có thành tích kém nhất mà tôi đầu tư cho đến nay." Người khác cũng phàn nàn về việc mua một quỹ nắm giữ lượng lớn cổ phiếu các hãng rượu: "Cá nhân tôi nghĩ rằng ngành sản xuất rượu đang chuyển sang giai đoạn thoái trào trong dài hạn." Một người khác gọi Zhang là "sự thất vọng lớn."

Theo dữ liệu của Wind, quỹ blue-chip lớn nhất của Zhang đã tăng 2,4% trong năm, trong khi lợi nhuận của CSI 300 giảm 0,5%.

Đại diện E Fund cho biết: "Việc những nhà đầu tư phàn nàn về biến động thị trường dẫn đến thua lỗ trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể nhìn nhận hoạt động đầu tư và quỹ từ góc độ khách quan, toàn diện và dài hạn."

Trong báo cáo tài chính quý I, Zhang kêu gọi nhà đầu tư đánh giá công ty dựa trên giá trị nội tại, nếu không họ sẽ rất dễ bị cuốn vào xu hướng "lướt sóng".

Trong khi đó, những công ty cùng ngành cũng kêu gọi nhà đầu tư nên có quan điểm dài hạn hơn. Một báo cáo công bố tháng 3 của 10 nhà quản lý quỹ và Alipay cho biết hơn 70% nhà đầu tư vào các quỹ chưa đến 3 tháng phải chịu lỗ, trong khi 90% những người nắm giữ dài hạn đều có lãi. Cuộc khảo sát được có sự tham gia của 100 chứng chỉ quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu được bán trên Alipay.

Có thể thấy, các quỹ tương hỗ đã có 1 năm 2021 đầy thách thức.Tuy nhiên, nhìn chung, họ đều ghi nhận thách tích tốt hơn so với thị trường. Theo Morningstar, các quỹ tương hỗ tập trung vào cổ phiếu có tỷ suất sinh lời -0,8% trong năm nay, tính đến ngày 13/5. Trong khi đó, CSI 300 là -4,1%. Các con số này tính toán trên cơ sở tổng lợi nhuận, có bao gồm cổ tức. Kể từ đầu năm 2018, các quỹ đã ghi nhận tỷ suất sinh lời dương hàng năm, với trung bình là 12,7%, so với mức 8,7% của CSI 300.

Trong khi có những quỹ đã hủy bỏ một số dịch vụ vì không có lãi, thì tổng tài sản do các quỹ tương hỗ quản lý vẫn tiếp tục tăng dù chậm hơn và ít quỹ lớn bị rút tiền. Tổng cộng, tính đến tháng 4/2021, các quỹ mở và quỹ đóng đang quản lý 3.38 nghìn tỷ USD, theo Wind.

Dẫu vậy, phản ứng dữ dội vẫn là một trải nghiệm đau thương cho một ngành phát triển mạnh, sau hậu quả của đại dịch.

Thảm cảnh của các quỹ đầu tư Trung Quốc: Những anh hùng từng được ca ngợi hết lời trở thành tâm điểm chỉ trích vì TTCK giảm điểm  - Ảnh 2.

Khi đại dịch diễn ra, hàng triệu người trẻ đã ở trong nhà, lo lắng về tương lai và tài chính của họ. Họ đã bị thu hút bởi những lời hứa hẹn về lợi nhuận cao và nội dung quảng cáo "có cánh" trên mạng xã hội, cùng những ứng dụng đầu tư dễ dàng với mức phí thấp. Nhiều quỹ trong đó được phân phối thông qua những ứng dụng phổ biến của Ant và Tencent.

Ở thời điểm đó, một số nhà đầu tư còn thành lập các fan club và chế ảnh về những nhà quản lý quỹ mà họ yêu thích. Những người khác thì chia sẻ thông tin này đến bạn bè, gia đình. Theo đó, các nhà quản lý tài sản đã cho ra mắt hơn 1.400 quỹ mới vào năm 2020 và huy động được số tiền kỷ lục là 487 tỷ USD.

Theo nhận định của một số chuyên gia, ngành quỹ đầu tư của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nếu ít tập trung vào những nhà quản lý "ngôi sao".

Rachel Wang – giám đốc nghiên cứu công ty quản lý quỹ tại Morningstar, cho biết, các nhà đầu tư quỹ cần hiểu những động lực cơ bản cho hiệu suất, chẳng hạn như phong cách đầu tư và tiềm lực của họ. Bà nói: "Họ không nên chạy theo những nhà quản lý nổi tiếng trong ngành một cách mù quáng."

Đây là một chứng điển hình về việc tâm lý nhà đầu tư có thể thay đổi nhanh chóng đến thế nào là việc nhà đầu tư đã rút hơn 3 tỷ USD từ các quỹ. Trước đó, họ đã được chào mời về đợt IPO "bom tấn" của Ant và sự kiện này đã bị hoãn lại đột ngột.

Tham khảo Wall Street Journal

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên