MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh của giới doanh nhân Trung Quốc: Là triệu phú nhưng chỉ thấy mình như một công dân hạng hai

22-05-2019 - 08:57 AM | Tài chính quốc tế

Sự hậu thuẫn và ưu ái đặc biệt đối với khu vực nhà nước là áp lực đè nặng lên các công ty tư nhân vốn rất năng động.

Khoảng cách giữa khu vực tư nhân và nhà nước lần đầu được tiết lộ

Sinh ra trong cảnh nghèo đói đến cùng cực tại một vùng nông thôn Trung Quốc, Liu Chonghua giờ đây đã trở thành một triệu phú nhờ bán bánh ngọt. Bằng số tiền kiếm được từ đó, ông đã xây 6 toà lâu đài theo phong cách châu Âu. 5 trong số 6 toà lâu đài là địa điểm du lịch nổi tiếng.

Câu chuyện của ông Liu là một trong rất nhiều trường hợp đi lên từ đôi bàn tay trắng, trong quá trình chuyển đổi của đất nước, khi Trung Quốc trở thành một nền kinh tế định hướng thị trường hơn. Khi Hurun công bố bảng xếp hạng những người giàu có nhất Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1999, thì chỉ có 50 người sở hữu khối tài sản trên 6 triệu USD. Thế nhưng, danh sách này hiện có gần 2.000 người, nắm giữ hơn 300 triệu USD. Dù 4 thập kỷ trước đây, khu vực tư nhân còn chưa tồn tại ở Trung Quốc, thì giờ đây đã chiếm tới 60% sản lượng kinh tế của nước này và 80% việc làm tại các khu đô thị vào năm 2017, theo số liệu thống kê chính thức.

Thảm cảnh của giới doanh nhân Trung Quốc: Là triệu phú nhưng chỉ thấy mình như một công dân hạng hai - Ảnh 1.

Ông Liu Chonghua.

Năm 2013, ông Liu đã chi 100 triệu tệ để xây những toà lâu đài. Tuy nhiên, sau đó ông gặp phải một số vấn đề. Doanh số tại hàng trăm cửa hàng bánh của ông bắt đầu sụt giảm, khiến ông không có đủ tiền để hoàn thành việc xây dựng ngôi nhà kiểu lâu đài của mình. Ông Liu chia sẻ: "Khi còn nhỏ, tôi không sợ trời, không sợ đất. Còn bây giờ tôi cảm thấy một loại áp lực vô hình."

Sau 2 thập kỷ phát triển đưa GDP tăng trưởng gần 2 con số từ đầu những năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc giờ đây trên đà tuột dốc. Sự trì trệ này đã trở nên rõ ràng hơn. Năm ngoái, tăng trưởng GDP đạt 6,6% - mức thấp nhất kể từ năm 1990 - ảnh hưởng đến kinh doanh, xã hội và cả chính trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tình trạng u ám đối với các chủ doanh nghiệp tư nhân như ông Liu là một trong những nguyên nhân gây ra sự giảm tốc. Nhiều doanh nhân nghĩ rằng nhiều thập kỷ cải cách kinh tế đã bị đình trệ kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước vào năm 2012. Cụm từ mà họ thường sử dụng để miêu tả sự thay đổi này là "guo jin min tui", có nghĩa là "nhà nước tiến bộ khi khu vực tư nhân đi lùi."

Có những dấu hiệu cho thấy chiến lược của ông Tập đã đưa các công ty nhà nước vào trọng tâm của phát triển kinh tế, tạo áp lực cho khu vực tư nhân - khu vực đảm nhiệm phần lớn cho tính năng động của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nhân Trung Quốc. Các công ty tư nhân chiếm tới 90% lượng xuất khẩu. Quyết định nâng thuế mới đây của Washington đã gây ra tình trạng đỏ lửa của thị trường chứng khoán, là rào cản cho các doanh nghiệp tư nhân có khả năng huy động vốn. Số lượng doanh nhân lọt top có khối tài sản 2 tỷ tệ của Hurun vào năm ngoái đã giảm 237 so với năm trước, chỉ còn 1.893 người.

Sự phân biệt giữa khu vực tư nhân và nhà nước đã bị phanh phui khi một bài báo có nội dung chỉ trích gay gắt các doanh nghiệp tư nhân của một cựu nhân viên ngân hàng hồi năm ngoái. Bài báo này đã nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc. Theo tác giả của bài viết - Wu Xiaoping, khu vực tư nhân đã hoàn thành "nhiệm vụ lịch sử" của họ, đó là giúp đỡ các công ty nhà nước phát triển và giờ đã đến lúc bắt đầu "phai nhạt".

Trong những năm trước, quan điểm này dường như vẫn chưa đủ sức gây sự chú ý. Tuy nhiên, mọi thứ đã lên đến đỉnh điểm khi Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm ngoái đã cảnh báo rằng các Bộ cần có tiếng nói hơn về quản trị doanh nghiệp.

Thậm chí, đã có những dấu hiệu cho thấy dự đoán của Wu đang dần trở thành sự thật. Trong bài, ông đã nói về một chiến lược phổ biến để huy động vốn bằng cách cầm cố cổ phiếu làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Khi giá cổ phiếu sụt giảm trong vòng 1 năm qua, hơn 60 công ty niêm yết đã buộc phải bán lượng cổ phần đáng kể cho các tập đoàn nhà nước. Ở một vài trường hợp, các công ty đã phải bán cổ phần đa số và được quốc hữu hoá.

Biến động chính trị

Lịch sử chính trị gần đây ở thành phố 8 triệu dân Trùng Khánh cũng là một điều bất thường đối với chính sách kinh tế của Trung Quốc. Bạc Hy Lai, bí thư đảng uỷ Trùng Khánh năm 2007, điêu đứng bởi một vụ bê bối tham nhũng vào năm 2012. Sau đó, ông bị kết án tù chung thân. Người kế nhiệm, Sun Zhengcai, cũng có tội danh và phải chịu mức án tương tự hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, thành phố này đã trở thành "phòng thí nghiệm" cho mô hình tăng trưởng lấy nhà nước là trung tâm - vốn đã rất thành công trong việc giúp Trung Quốc đứng vững trong cuộc khủng hoảng tài chính. Trùng Khánh trở thành thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất Trung Quốc, thông qua quá trình đô thị hoá nhanh chóng và tăng chi chi tiêu cơ sở hạ tầng do nhà nước chỉ định.

Thảm cảnh của giới doanh nhân Trung Quốc: Là triệu phú nhưng chỉ thấy mình như một công dân hạng hai - Ảnh 2.

Khi cả thế giới phải đối mặt với cuộc suy thoái, thì thành phố này vẫn phát triển một cách bùng nổ. GDP tăng 17% chỉ riêng trong năm 2010. Dưới sự dẫn dắt của ông Sun, thành phố này tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Nhiều công ty tư nhân ở Trùng Khánh, như chuỗi cửa hàng bánh của ông Liu, đều được hưởng lợi từ vốn đầu tư ồ ạt chảy vào khi thu nhập của ngành xây dựng đã kích thích sức tiêu dùng. 

Thế nhưng, mô hình tăng trưởng của Trùng Khánh lại đặt các công ty tư nhân ở "ngoài lề". Theo ước tính, doanh nghiệp tư nhân hiện chỉ chiếm 50% sản lượng kinh tế của thành phố. Một số ý kiến dự đoán rằng một thế hệ doanh nhân mới có thể sẽ xuất hiện. Mô hình tăng trưởng do đầu tư đã dần mất đà. Với mức độ đô thị hoá hiện ở mức 60%, Trùng Khánh đang vượt xa mức trung bình quốc gia và lợi nhuận từ các dự án cơ sở hạ tầng hiện đang sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng của Trùng Khánh đã giảm mạnh 6% vào năm ngoái.

Bùng nổ đầu tư đã khiến Trùng Khánh phải gánh chịu núi nợ khổng lồ, với các công ty nhà nước có khoản nợ phải trả tương đương gần 200% GDP của thành phố, theo ước tính của OECD.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân điêu đứng vì chiến dịch chống tham nhũng và xử lý ngân hàng ngầm

Tương tự, tình trạng kinh tế giảm tốc cùng nợ gia tăng cũng xảy ra trên cả đất nước. Nợ của Trung Quốc đã tăng lên gần 300% GDP trong thập kỷ qua, trong đó các công ty nhà nước chiếm phần lớn đà tăng. Dù đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, thì họ vẫn phải đối diện với một mặt tối của sự tăng trưởng của khu vực tư nhân.

Với hệ thống pháp lý yếu kém, các chủ doanh nghiệp có được sự hỗ trợ thông qua những móc nối với chính quyền địa phương. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập được khởi xướng vào năm 2013. Khi đó, hàng chục quan chức trên khắp Trung Quốc đều bị truy tố, mối liên hệ về chính trị - kinh doanh cũng được xem xét rất kỹ lưỡng.

Động thái kiểm soát gắt gao đối với các quan chức đã đưa chính quyền ông Tập tiến đến một chiến dịch mới đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Khi đó, hàng ngàn công ty phải đóng cửa và họ phải đưa ra một chiến dịch nhằm kết thúc tình trạng dư thừa sản xuất trong ngành công nghiệp nặng.

Thảm cảnh của giới doanh nhân Trung Quốc: Là triệu phú nhưng chỉ thấy mình như một công dân hạng hai - Ảnh 3.

Hai chiến dịch này đã đè nặng lên các công ty tư nhân. Ngoài ra, ông Tập cũng tập trung vào việc thu thuế, cải thiện tình trạng các công ty tư nhân trốn thuế VAT và đóng góp an sinh xã hội cho người lao động.

Dẫu vậy, "cú đánh" mạnh nhất là việc thắt chặt kinh phí. Năm 2016, sau nhiều dấu hiệu cảnh báo rằng "gánh nặng" nợ có nguy cơ châm ngòi cho khủng khoảng tài chính, chính quyền ông Tập đã vào cuộc, nhắm đến hệ thống ngân hàng ngầm. Nguồn hỗ trợ tài chính bất ngờ biến mất đã dẫn đến quy mô vỡ nợ chưa từng thấy ở Trung Quốc. 124 công ty phát hành trái phiếu có giá trị 121 tỷ NDT đã vỡ nợ vào năm ngoái. Các công ty tư nhân chiếm 80% số đó, dẫn đến tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thất nghiệp gia tăng.

Một loạt các vụ vỡ nợ xảy ra là lời cảnh tỉnh cho chính quyền Trung Quốc. Ông Tập đã đưa ra những bình luận nhằm trấn an các doanh nghiệp tư nhân: "Bất kỳ lời nói hay hành động nào phủ nhận hoặc làm suy yếu nền kinh tế tư nhân đều là sai lầm." Ông thực hiện một cuộc họp với khoảng vài chục lãnh đạo doanh nghiệp và nói rằng "tất cả các công ty tư nhân và doanh nhân tư nhân nên cảm thấy yên tâm."

Năm nay, chính phủ đã cam kết cắt giảm thuế kinh doanh ở mức 298 tỷ USD và yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thêm 30%. Tuy vậy, động thái này lại đến đúng lúc chính phủ kêu gọi các ngân hàng giảm rủi ro cho vay, nên hiệu quả của nó lại không được phát huy hoàn toàn.

Thảm cảnh của giới doanh nhân Trung Quốc: Là triệu phú nhưng chỉ thấy mình như một công dân hạng hai - Ảnh 4.

Alex Zhou.

Tình trạng không chắc chắc như thế này gây áp lực đáng kể lên các doanh nhân như Alex Zhou - một nhà phát triển bất động sản đã đầu tư 90 triệu NDT để đưa một nhà máy bỏ hoang ở Trùng Khánh trở thành một khu nghệ thuật hiện đại. Đây chính là loại hình kinh doanh dịch vụ mà chính quyền Trung Quốc cho biết họ muốn khuyến khích. Thế nhưng, hiện tại, Zhou vẫn chưa có được một khoản vay từ ngân hàng.

Và gần đây, chính quyền địa phương đã thu hồi giải thưởng sáng tạo 10 triệu NDT mà họ đã từng trao cho anh. Zhou nói: "Chúng tôi nhận được một thông báo nói rằng chúng tôi không thể nhận số tiền trên bởi chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân. Số tiền này là của quốc gia, nó nên thuộc về các doanh nghiệp nhà nước."

Hương Giang

FT

Trở lên trên