MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh của người già Hàn Quốc: Chạy ăn từng bữa, tự tử để chấm dứt sự đày đọa

09-02-2019 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Các gia đình hiện đại và lương hưu ít ỏi đẩy tỷ lệ tự tử ở người cao tuổi tại Hàn Quốc tăng cao bất thường.

Cuộc sống cơ cực lúc về già

Ở tuổi 70, ông Son chẳng mong ước gì nhiều ngoài khoản tiền 10.000 won, tương đương 9 USD, để có thể sống qua ngày. Cuộc sống tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc có thể là thiên đường với ai đó chứ không phải ông.

Hàng ngày, người đàn ông 70 tuổi đều đến Pagoda Park để mua một bát cháo tiết bò với giá 2.500 won để ăn trưa. "Tôi nghĩ đó là bát cháo có mức giá rẻ nhất ở đất nước Hàn Quốc này", ông Son kể về bữa ăn mà ông và những người cùng khổ mua được.

Ông Son có mức lương hưu 250.000 won/tháng. Tuy nhiên, nó dường như chẳng đủ để sinh hoạt mỗi ngày. "Tôi còn không dám sưởi ấm căn phòng của mình như tôi muốn. Tôi bật máy sưởi một lúc rồi lại tắt nó đi để tiết kiệm chi phí", ông Son chia sẻ.

Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số già nhanh và sự phân hóa giàu nghèo nghiêm trọng. Những thay đổi trong xã hội cũng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Thảm cảnh của người già Hàn Quốc: Chạy ăn từng bữa, tự tử để chấm dứt sự đày đọa - Ảnh 1.

Hàn Quốc là một nước Đông Á, nơi truyền thống chăm sóc người già rất được tôn trọng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và mạnh của kinh tế Hàn Quốc đã khiến các thế hệ trẻ không còn mặn mà với việc chăm sóc người già trong gia đình. Đó cũng là lý do khiến chính phủ Hàn Quốc đang phải điên cuồng ngăn chặn việc tự sát ở người lớn tuổi.

Trong năm 2017, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc là 48,8 trường hợp trên 100.000 dân ngoài 70 tuổi. Tuy nhiên, với những người ngoài 80 tuổi, tỷ lệ này là 70/100.000 dân. Tỷ lệ tự tử trung bình trên toàn Hàn Quốc là 24,3. Điều này thực sự là vấn đề đáng báo động với chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in.

Hiện tại, ông Moon đang theo đuổi các bước đi nhằm thay đổi hệ thống lương hưu của Hàn Quốc, vốn bị coi là tệ nhất ở châu Á. Cho Hyun-yun, một nhà nghiên cứu tại Đại học Dongguk, Seoul đổ lỗi cho những chính sách không phù hợp và chưa được coi trọng của Hàn Quốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. "Điều quan trọng nhất là các đảng phái chính trị phải đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết thảm cảnh của người già hiện nay", Cho nhấn mạnh.

Con cái không còn phụng dưỡng cha mẹ

Những người Hàn Quốc đang ở trong độ tuổi từ 60 đến 80 là những người cuối cùng hỗ trợ cha mẹ họ về mặt tài chính. Điều đó cũng có nghĩa đây là thế hệ đầu tiên ở Hàn Quốc không được nhận sự hỗ trợ này từ con cái, dù họ đã dành gần như cả đời để lo cho con cái mình có một tương lai được đảm bảo.

Một người phụ nữ 79 tuổi tên Kang nói rằng: "Thế hệ con cái chúng tôi không biết làm gì để hỗ trợ cha mẹ của chính mình. Tôi không thể yêu cầu con trai hay con dâu tôi chu cấp tiền cho mình".

Kim Yu-kyung, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết: "Cấu trúc gia đình ở Hàn Quốc đang trở nên nhỏ hơn với xã hội ngày càng cá nhân hóa. Mọi người tin rằng nhà nước có trách nhiệm và năng lực hỗ trợ người già chứ không phải gia đình". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chính phủ Hàn Quốc đang thất bại thảm hại trong vấn đề này.

Thảm cảnh của người già Hàn Quốc: Chạy ăn từng bữa, tự tử để chấm dứt sự đày đọa - Ảnh 2.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hưu trí Toàn cầu Melbourne Mercer 2018, hệ thống lương hưu của Hàn Quốc được xếp hạng D, cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là chúng còn tồn tại rất nhiều nhược điểm và thiếu sót lớn cần được bù đắp.

"Tính theo tỷ lệ %, Hàn Quốc là một trong những nước có hệ thống lương hưu yếu nhất khi tỷ lệ này chỉ là 6%", ông David Anderson, Chủ tịch Melbourne Mercer, nhấn mạnh.

Một điều làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn chính là việc các công ty chèn ép người lao động, buộc nhiều người phải nghỉ hưu ở độ tuổi 50 dù tại Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu chính thức là 60. Điều này có nghĩa là người lao động sẽ đối mặt với khó khăn sớm hơn một thập kỷ so với thông thường.

Ông Anderson nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ cho những người về hưu nghèo khó nhất để đảo bảo cuộc sống của họ.

Áp lực chính trị

Tình trạng người già ngày càng nghèo đang tạo ra những áp lực chính trị lớn lên chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in. Nhiều người lớn tuổi ở Hàn Quốc vẫn ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Park Geun-hye, người bị kết án 25 năm tù vì tội tham nhũng nhưng đang chờ kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hàn Quốc.

Những người già này có xu hướng phản đối chính sách của ông Moon với Triều Tiên bởi ký ức cuộc chiến Liên Triều 1950-1953 cũng như những hệ tư tưởng cũ đã ăn sâu vào họ. Ngoài ra, người già dành nhiều sự thông cảm cho bà Park bởi bà là con gái của Tổng thống Park Chung-hee, người được cho là có công lớn cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

"Họ là một thế hệ hoài niệm về quá khứ, khi họ có những đóng góp to lớn cho quá trình công nghiệp hóa đất nước. Lý do họ mãi chìm đắm trong quá khứ tươi đẹp này là bởi thực tại của họ đang quá khốn khổ", Choi Jong-sook, một nhà nghiên cứu tại Viện Dân chủ Hàn Quốc, nhận định.

Thảm cảnh của người già Hàn Quốc: Chạy ăn từng bữa, tự tử để chấm dứt sự đày đọa - Ảnh 3.

Ông Moon buộc phải giải quyết những điều này nếu muốn nhận được nhiều hơn sự tín nhiệm của người dân. Để giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới cũng nhu cuộc đua tổng thống năm 2022, ông Moon buộc phải cải cách chế độ tiền lương. Có hiệu lực vào tháng tư, mức lương hưu tối thiểu cho những người 65 tuổi sẽ tăng từ 50.000 lên 300.000 won. Bộ Phúc lợi Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy cải cách với hệ thống tiền lương nước này.

Tuy nhiên, trong khi các nhà lập đáp đang nghiền ngẫm các phương án, những người cao tuổi Hàn Quốc vẫn phải vật lộn kiếm tiền, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Thống kê các trường hợp tự tử cũng cho thấy sự phân chia rõ rệt về mặt địa lý. Seoul có tỷ lệ thấp nhất là 18,1 trường hợp trên 100.000 dân trong năm 2017 nhưng con số ở tỉnh South Chungcheong là 26,2 trường hợp trên 100.000 dân. Càng ở nơi kém phát triển, tỷ lệ này càng cao.

"Có rất ít cơ quan y tế hoặc văn hóa mà người cao tuổi có thể tìm tới để xin sự giúp đỡ. Những người không thể tìm được cách kiếm tiền đã tự loại mình ra khỏi cộng đồng", Choi Myung-min, giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Baekseok ở Cheonan, Nam Chungcheong, nói.

Linh Anh

Nikkei

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên