MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh của “ông lớn” dệt may Garmex Sài Gòn: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký

28-10-2023 - 09:55 AM | Doanh nghiệp

Năm 2013, Garmex Sài Gòn nhận Huân chương lao động hạng 3 do những thành tích đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống của Người lao động. Trong cùng năm, công ty cũng được tạp chí Fobes Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 Doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có hoạt động tốt nhất. Khi ấy, ai cũng đã nghĩ đến một tương lai thật tươi sáng!

Thảm cảnh của “ông lớn” dệt may Garmex Sài Gòn: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký - Ảnh 1.

Tính cả quý III năm nay, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã CP: GMC) đã có chuỗi thua lỗ liên tiếp 5 quý, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2023 ghi nhận trên BCTC hợp nhất là 65,7 tỷ đồng.

Trong quý III/2023, không có đơn hàng nên công ty chỉ ghi nhận doanh thu 73 triệu đồng từ dịch vụ. Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm gần 11 tỷ và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm hơn 9,9 tỷ đồng.

Thảm cảnh của “ông lớn” dệt may Garmex Sài Gòn: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký - Ảnh 2.

Quá khứ huy hoàng 

Garmex Sài Gòn vốn là một doanh nghiệp dệt may lớn, có uy tín trong ngành, với mức doanh thu hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận vài chục đến hơn trăm tỷ đồng đều như vắt tranh những năm trước đó.

Thảm cảnh của “ông lớn” dệt may Garmex Sài Gòn: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký - Ảnh 3.

Tổng hợp từ BCTC DN

Garmex Sài Gòn được được thành lập vào năm 1976 - một năm sau ngày đất nước thống nhất với tên gọi là Liên hiệp Các Xí nghiệp May Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị chủ quản quản lý một số lượng khá lớn các xí nghiệp may xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1993, Liên hiệp Xí nghiệp May Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức lại thành Công ty Sản Xuất - Xuất nhập khẩu May Sài Gòn (Garmex Saigon).

Đến năm 2004, công ty chính thức cổ phần hóa, trong đó có 10% là vốn cổ đông Nhà Nước. Công ty niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán GMC vào ngày 22/12/2006.

Trong suốt quá trình hoạt động, Garmex Sài Gòn đã nhận được nhiều cúp, bằng khen, huân chương và giải thưởng. Đặc biệt, vào năm 2013, cách đây đúng một thập kỷ, GMC vinh dự nhận Huân chương lao động hạng 3 do những thành tích đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống của Người lao động.

Trong năm, Garmex Sài Gòn cũng được tạp chí Fobes Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 Doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có hoạt động tốt nhất.

3 năm liền từ 2018-2020, GMC đoạt giải TOP 5 doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hóa nhỏ và vừa.

GMC có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên, Tân Mỹ & Garmex Quảng Nam có tổng diện tích trên 10 héc ta, được trang bị máy móc hiện đại. Với tổng số dây chuyền sản xuất hơn 70 chuyền và hơn 4000 công nhân, GMC đã trở thành đối tác cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho các thương hiệu lớn trên thế giới.

Cuối năm 2021, tổng nguồn vốn của Garmex Sài Gòn đạt 827 tỷ, trong đó vốn cổ phần là 330 tỷ và còn có 233 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Tuy nhiên, một “cơn bão” trong năm 2022 đã khiến mọi chuyện đảo ngược hoàn toàn....

Bão tới

Năm 2022 là một năm nằm ngoài mọi tính toán với Garmex Sài Gòn khi công ty lỗ sau thuế tới gần 85 tỷ đồng. Chịu sự ảnh hưởng về tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, năm 2022, đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm mạnh, doanh số xuất khẩu giảm tới 93% so với năm 2021.

Garmex Sài Gòn phải chuyển sang gia công hàng trong nước để duy trì sản xuất, tuy nhiên từ giữa tháng 8/2022, đơn hàng gia công cũng chững lại, hàng sản xuất ra chưa giao được, tồn kho tăng, dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.

Cần phải nói thêm rằng, trong suốt quá trình hoạt động của công ty từ năm 2005, lần đầu tiên công ty lỗ tới hơn 80 tỷ đồng.

Thảm cảnh của “ông lớn” dệt may Garmex Sài Gòn: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký - Ảnh 4.

Một góc nhà máy của Garmex Sài Gòn. Ảnh Garmex Sài Gòn.

Ngoài tình hình khó khăn chung của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, GMC còn chịu tác động dây chuyền từ sự việc Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho,... Sự kiện này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.

Cho đến cuối tháng 9/2023, theo thông tin từ ĐHCĐ bất thường, lượng hàng tồn kho liên quan đến hàng gia công cho Gilimex trị giá 100 tỷ đồng , Gilimex đang tiếp tục làm việc với đối tác của họ để giải quyết khúc mắc trong quý IV/2023 và phía Garmex Sài Gòn vẫn đang tiếp tục thúc đẩy giải phóng hàng tồn kho trong quý IV năm nay.

Một trong những nỗ lực của công ty để giảm thiểu lỗ trong năm 2023 là tiết giảm chi phí. Từ quy mô gần 3.800 nhân sự vào cuối năm 2021, đến cuối 2022 GMC chỉ còn 2.101 người và hết quý III/2023 chỉ còn vỏn vẹn 35 người.

Ngay từ những tháng đầu năm, ban điều hành đã thỏa thuận với người lao động để giảm tiền lương và nỗ lực giảm các chi phí xuống mức thấp nhất.

Chi phí hàng tháng của cả công ty là 3,7 tỷ đồng, bao gồm các chi phí cố định như khấu hao TSCĐ 2 tỷ đồng/tháng, thuê đất các mặt bằng 513 triệu đồng/tháng.

Tuy đã cắt giảm tối đa những chi phí biến đổi nhưng chi phí cố định như khấu hao TSCĐ, tiền thuê đất không thể cắt giảm được nên đồng thời, công ty tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh mới, nhằm tối ưu hóa các mặt bằng để có doanh thu bù chi phí.

Từ ĐHCĐ thường niên 2023, HĐQT GMC đã nhận định, nếu giữ lại các nhà máy đối với ngành may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều. Do đó, chủ trương là sẽ rà soát lại tài sản, hợp tác với đối tác để kinh doanh hoặc thanh lý để bảo toàn vốn cho cổ đông.

Thảm cảnh của “ông lớn” dệt may Garmex Sài Gòn: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký - Ảnh 5.

Một góc nhà máy của Garmex Sài Gòn. Ảnh Garmex Sài Gòn.

Hiện tại, Ban lãnh đạo Garmex Sài Gòn vẫn đang tập trung vào việc xử lý, thanh lý hàng tồn kho cũng như thanh lý, nhượng bán các tài sản không sử dụng.

Về máy móc thiết bị của công ty nguyên giá 230 tỷ, giá trị còn lại 30 tỷ, đã được định giá xong và sẽ tiến hành đấu giá. Những công cụ dụng cụ, máy móc thiết bị không có giá trị, khó chào thầu, sẽ thanh lý bằng hình thức chào giá cân ký (đã thanh lý xong đợt 1 vào tháng 9). Nhà máy Tân Mỹ và Quảng Nam đang tiếp tục được định giá.

Đồng thời, trong năm 2023, GMC đã đầu tư vào CTCP Phú Mỹ cho dự án nhà ở khoảng 1,5ha, đến thời điểm thích hợp sẽ bán hàng. Công ty kỳ vọng dự án này sẽ mang lại giá trị tiềm năng trong tương lai.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên