Thảm cảnh của thành phố 'phất lên' nhờ vàng: Mất điện hết ngày này sang ngày khác, mọi hoạt động tê liệt vì không có ánh sáng
Johannesburg là thành phố giàu nhất châu Phi nhờ cơn sốt khai thác vàng bắt đầu vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, những bất ổn gần đây ngày càng trở nên căng thẳng một phần vì... mất điện.
Thành phố lớn nhưng mất điện triền miên
Solomon Owa, 51 tuổi là ông chủ của một doanh nghiệp may đo ở Johannesburg. Ông đang gấp gáp sửa đồ trên một chiếc máy khâu. Owa giải thích rằng, tiếng kêu của chiếc máy có thể dừng lại bất cứ lúc nào, chỉ vài phút nữa sẽ mất điện.
Tình trạng mất điện triền miên khiến Owa có tới 10 tiếng/ngày không có gì để làm. Ngồi giữa những tấm vải đầy màu sắc, ông cho biết mình cần phải làm việc khi còn có thể.
Đó cũng là sự vội vàng mà người Nam Phi buộc phải làm quen trong cuộc sống hàng ngày, từ sạc các thiết bị điện tử, tắm trước khi không còn nước nóng và rời khỏi nhà trước khi đèn giao thông bị tắt.
Ở đây, trường học, bệnh viện, nhà hàng và các doanh nghiệp đều phải dùng máy phát điện để tiếp tục hoạt động. Khi không có đèn giao thông, người vô gia cư thậm chí còn kiếm tiền bằng cách điều hướng xe cộ đi qua những con đường đầy ổ gà.
Thành phố giàu có nhất Nam Phi “phất” lên nhờ vàng nhưng giờ đây lại chìm trong cảnh hỗn loạn. Nhìn chung, các dịch vụ cơ bản trên khắp Nam Phi đều như vậy. Từ một mạng lưới đường sắt bị hỏng làm gián đoạn hoạt động thương mại, cho đến hệ thống vệ sinh lỗi thời gây ra đợt bùng phát dịch tả, nhiều khu vực ở Nam Phi đang vô cùng khó khăn.
Vấn đề lớn nhất ở Johannesburg là bất ổn về quản trị. Kể từ khi đảng cầm quyền Đại hội dân tộc Phi (ANC) mất quyền kiểm soát thành phố vào năm 2016, các liên minh trở nên náo loạn. Sau đó, trong 4 năm, thành phố này có tới 6 thị trưởng.
Dịch vụ và hoạt động bảo trì là những bất ổn dễ thấy nhất ở Johannesburg. Sau đó là những đợt mất điện luân phiên do Eskom Holdings SOC Ltd, tập đoàn điện lực nhà nước Nam Phi, thực hiện. Các nhà máy nhiệt điện than của Eskom đều đã cũ, xuống cấp, được bảo trì không cẩn thận và thiết kế không đảm bảo. Mỗi lần cắt điện kéo dài tới 4,5 tiếng.
Theo cựu Thị trưởng Mpho Phalatse, người vừa bị bãi nhiệm vào tháng 1, Johannesburg cần 300 tỷ rand (16,3 tỷ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng mới (gồm điện, nước, vệ sinh) và sửa chữa. Chính quyền hiện tại dự định dành phần lớn ngân sách mới cho các dịch vụ bền vững để giải quyết các dự án cải tiến đang tồn đọng.
Theo kế hoạch được công bố vào tháng 6 bởi cựu Thị trường Dada Morero, số tiền cần thiết để giải quyết các dự án đang tồn đọng là khoảng 60 tỷ rand. Tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn vì ngân sách eo hẹp trong những năm gần đây.
Johannesburg là thành phố giàu nhất châu Phi nhờ cơn sốt khai thác vàng bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và kéo dài qua đầu những năm 1990. Khu đô thị 5 triệu dân sau đó trở thành động lực kinh tế và niềm hy vọng của cả Nam Phi.
Song, hiện tại, gần 1 nửa dân số nước này thất nghiệp và sống trong cảnh nghèo đói. Trên toàn quốc, tỷ lệ thất nghiệp là 32,9%. Khoảng 18 triệu người phải sống nhờ trợ cấp xã hội, khiến số người thụ hưởng cao gấp đôi số người nộp thuế.
Trong khi đó, tỷ lệ tội phạm cũng gia tăng. Khu trung tâm thương mại sầm uất một thời là nơi các băng đảng tội phạm hoạt động, khiến nhiều hoạt động thương mại khác phải đóng cửa. Đối với những tên tội phạm quy mô nhỏ hơn, chúng thường ăn cắp dây cáp và kim loại từ các trạm biến áp điện.
Bất ổn tràn lan cũng... chỉ vì mất điện
Tình trạng mất điện khiến hoạt động đi lại vào buổi sáng và tối trở nên cực kỳ khó khăn. Người đi đường liên tục phải tránh hố ga, ổ gà lớn với dây cáp điện lộ ra ngoài. Bởi vậy, việc những nhóm vô gia cư 10 người đứng điều tiết giao thông là chuyện thường xuyên ở Johannesburg.
Given Masiyendi, một trong số những người tự điều tiết giao thông, đã chuyển đến Johannesburg cách đây 8 năm từ một ngôi làm cách đó hơn 500 km. Mọi thứ không diễn ra suôn sẻ và anh liên tục phải lang thang trên đường phố. Anh cho biết việc hướng dẫn các phương tiện đi lại trên đường còn kiếm được nhiều hơn là ăn xin.
Buổi sáng, Masiyendi đến 1 cửa hàng ở góc phố. Tại đây, chủ sẽ đưa anh một lịch trình cắt điện hàng ngày để đến những nơi có đèn giao thông.
Người lái xe thì tạm chấp nhận cách này để có thể di chuyển an toàn, vì họ có thể mất 15 phút đến 2 giờ để đến điểm cần đến. Nhìn chung, 1 ngày, Masiyendi có thể kiếm tới 300 rand từ các tài xế.
Tình trạng mất điện cũng là cơ hội cho những tên tội phạm liều lĩnh. Ở Roodepoort, phía tây Johannesburg, 12 trạm biến áp nhỏ ở địa phương trị giá 700.000 rand/trạm đều phải thay thế trong 2 tuần.
Trong khi đó, người dân ở vùng ngoại ô Fleurhof bị mất điện suốt 6 ngày vì 1 máy biến áp bị mất cắp trong thời gian cắt điện từ 10 giờ tối đến 12 giờ 30 phút sáng.
Sipho Masigo, 1 người dân địa phương, cho biết ông phải dùng bình ga nhỏ để đun nướng và nướng bất cứ thứ gì có thể ăn. Ông nói: “Toàn bộ thức ăn cho cả tháng của nhà tôi đều đã hỏng.”
City Power, công ty mua điện từ Eskom và phân phối ở Johannesburg, ước tính họ đã mất hơn 500 triệu rand trong năm qua vì vật liệu hư hỏng hoặc bị mất cắp trong thời gian cắt điện. Cơ sở hạ tầng không đủ để đáp ứng khi có điện trở lại, từ đó dây cáp và trạm biến áp bị hỏng khiến “bóng tối” lại kéo dài trong nhiều ngày.
Công việc kinh doanh của nhà hàng Justice Ikechukwu Oparaugo từng rất thuận lợi. Song, vì mất an ninh năng lượng, nhà hàng đang rơi vào cảnh khốn cùng.
Oparaugo, chủ nhà hàng, 52 tuổi, buộc phải sa thải 1 nửa nhân viên và chuyển đến 1 địa điểm nhỏ hơn nhưng vẫn lỗ nặng. Vào 1 ngày của tháng trước, ông đã nấu số đồ ăn trị giá 2.000 rand và chỉ bán được 1/5. Một băng đảng địa phương thì đòi ông 350 rand/tuần tiền bảo kê.
NHTW nước này ước tính, tình trạng mất điện triền miên sẽ khiến nền kinh tế mất 900 triệu rand/ngày và kéo tụt 2 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng trong năm nay.
Một số doanh nhân đã gióng lên hồi chuông cảnh báo của những gì đang xảy ra ở Nam Phi. Trong những tuần gần đây, họ đã gặp Tổng thống Cyril Ramaphosa và nhận được cam kết hỗ trợ trong 3 lĩnh vực quan trọng là năng lượng, logistics và luật phát.
Đối với Owa, ông cảm giác như mình đã từng rơi vào cảnh tượng này. 23 năm trước, ông chuyển đến Nam Phi từ bang Delta của Nigeria, khi đất nước này cũng phải đối mặt với tình trạng mất an ninh năng lượng khiến nền kinh tế tê liệt.
Owa nhớ lại, dấu hiệu tồi tệ đầu tiên mà ông thấy là vết bẩn, khiến ông phải đánh giày thường xuyên hơn. Và khi mất điện, mọi thứ trở nên đen tối. Ông nói: “Mọi thứ giống như trước đây, xảy ra đúng theo 1 lộ trình. Sau vài năm, thì tất cả sẽ sụp đổ và biến mất.”
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường