Thảm cảnh những nhân viên giao hàng Hàn Quốc: Bán mạng vì miếng ăn thời đại dịch
Những người làm công việc giao hàng ở Hàn Quốc đang mô tả họ rơi vào "điểm mù pháp lý" khi đại dịch Covid-19 khiến khối lượng công việc họ làm tăng lên khủng khiếp.
- 24-11-2020Sân bay Thượng Hải náo loạn sau khi phát hiện nhiều lao động nhiễm Covid-19
- 24-11-2020Bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát kỷ lục, người Mỹ vẫn đổ tới các sân bay để du lịch dịp lễ Tạ ơn
- 23-11-2020Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca có hiệu quả trung bình 70%
- 23-11-2020Đại dịch COVID-19 “bóp nghẹt” ngành bán lẻ châu Âu
- 23-11-2020Tiêm chủng Covid-19 tại Mỹ có thể bắt đầu sau 3 tuần nữa
Những người làm việc đến chết thời Covid-19
"Cân bằng cuộc sống với công việc ư? Đó là chuyện ở thế giới khác", ông Jeong Sang-rok, một nhân viên giao hàng hợp đồng 51 tuổi của công ty Hanjin Transportation, một trong hai công ty chuyển phát lớn của Hàn Quốc, cho biết.
Ông Jeong bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 7 giờ sáng với 5 tiếng làm trên các băng chuyền để phân loại 250 gói hàng hóa và phải giao chúng trong ngày. Tuy nhiên, ông không được trả tiền cho thời gian phân loại sản phẩm.
Sau đó, Jeong thường không nghỉ trưa để tiết kiệm thời gian. Ông lái một chiếc xe tải đi giao hàng. Chiếc xe này ông cũng phải thuê. Công việc kết thúc lúc 9 giờ tối. Ông bố 3 con về nhà với 2.200 USD, mức thu nhập trung bình đối với những người làm công việc giao hàng ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, họ thường phải bỏ ra 71,3 giờ/tuần để kiếm được sô tiền đó. Nó thấp hơn so với mức lương tối thiểu theo giờ ở Hàn Quốc nhưng lại phải làm việc nhiều hơn 10 giờ/tuần. Điều này khiến công việc được định nghĩa là làm quá sức.
Các lô hàng chuyển phát tăng 12% tại Hàn Quốc mỗi năm kể từ năm 2004 tới nay. Tuy nhiên, chỉ từ tháng 2 đến tháng 10 năm nay, lượng hàng hóa được vận chuyển theo hình thức này đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty chuyển phát đang thu về lợi nhuận rất lớn.
Tuy nhiên, hầu hết 54.000 nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc chỉ là người làm theo hợp đồng. Họ không được tiếp cận những phúc lợi xã hội mà luật pháp quy định. Những người phụ trách công đoàn nói rằng kẽ hở pháp lý khiến họ gánh chịu áp lực khi làm công việc giao hàng này nhưng lại chẳng có bất cứ quyền lợi gì.
Có khoảng 14 nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc đã thiệt mạng trong năm nay. Người thân của họ nói rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới sự ra đi của họ là phải làm thêm giờ một cách bất hợp lý để có tiền trang trải cuộc sống. Một trong những nạn nhân là Kim Won-jong, người mắc chứng khó thở khi làm việc. Cha của Kim nói rằng khối lượng công việc khổng lồ là lý do khiến con trai ông bị chết.
Cầm di ảnh con trai tham gia một cuộc biểu tình hồi tháng 10, ông Kim Sam-young kể lại rằng: "Nó phải chạy đây chạy đó suốt 14 tiếng mà không có cả thời gian để ăn".
Một nhân viên giao hàng khác tên Seo Hyung-wook cũng bị tức ngực khi đang làm việc sau đó tử vong vì bị trụy tim. Em gái của nạn nhân cũng cho biết phải làm việc quá sức là lý do khiến anh trai của mình mất mạng. Một người khác thì tự tử sau khi để lại bức thư nói về những áp lực trong công việc mà anh phải chịu.
"15 người đã chết vì lý do thật trớ trêu là chúng tôi phải bán mạng cho công việc để có cái ăn", ông Jeong nói.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có những quy định rõ ràng về số giờ làm thêm trong tuần đối với người lao động toàn thời gian. Họ được các công đoàn đầy quyền lực đại diện và bảo vệ. Quyền lợi với họ cũng được cải thiện nhiều trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, những người giao hàng lại không nằm trong số đó. Họ được coi là lao động tự do và không được nhận những phúc lợi cơ bản. Họ bị buộc phải làm việc thêm giờ quá sức nhưng hầu như chẳng có bảo hiểm gì đối với những thương tích có thể xảy ra trong lúc làm việc.
Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, có 2,2 triệu người đang làm những công việc như vậy, chiếm 8% lực lượng lao động của Hàn Quốc. Trong khi đó, các công ty vận tải của Hàn Quốc không trực tiếp thuê nhân viên giao hàng mà thuê qua các đối tác khác. Hệ thống này giúp các doanh nghiệp lớn giảm chi phí và không phải gánh chịu những phiền phức có liên quan.
Yoon Sung-goo, một nhà thầu của CJ Logistics, nói rằng trong những năm gần đây, các công ty vận tải lớn đã đầu tư vào thiết bị, máy móc để phân loại bưu kiện nhưng các nhân viên vẫn tiếp tục phải vất vả với số giờ phải làm mỗi ngày lớn.
Trong khi đó, các quan chức phụ trách lao động và những người hoạt động để bảo vệ quyền của những người người giao hàng cũng cho biết sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty khiến số tiền 0,72 USD/gói hàng cũng đang bị siết chặt.
Sau khi gặp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận về những cái chết của những người giao hàng, các công ty vận tải lớn đã gửi lời xin lỗi. Họ cũng cam kết sẽ giảm bớt khối lượng công việc. Cả Hanjin và CJ, 2 công ty giao hàng lớn nhất Hàn Quốc, đều nói về các biện pháp kiểm tra sức khỏe thường niên cho người lao động.
Về phần mình, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jae-kap nói rằng các nhân viên giao hàng đã phải trả giá cho sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp và ông hứa sẽ giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội này.
"Chính sách, cơ sở hạ tầng và công nghệ không theo kịp tốc độ phát triển của ngành chuyển phát và gánh nặng tiếp tục lớn hơn khi Hàn Quốc đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 2", ông Lee cho biết.
Hiện tại, Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang trong tình trạng báo động cao sau khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Theo đó, các phương tiện công cộng sẽ giảm công suất trong khi các cuộc tụ tập trên 10 người đều bị cấm. Khoảng 40.000 người, bao gồm nhân viên và người tại các viện dưỡng lão và nhà trẻ sẽ được kiểm tra thường xuyên.
Tham khảo: Reuters