Thảm cảnh những phận người nghèo nhất Hồng Kông: Nỗi đau từ giấc mộng đổi đời
Giống như bóng ma, những phận đời nghèo nhất Hồng Kông lầm lũi đẩy những chiếc xe chở thùng carton thu gom được để bán cho những cơ sở tái chế với số tiền chỉ đủ vài bữa ăn.
- 04-07-2017Hồng Kông và con số 7 kém may mắn
- 03-07-2017Trung Quốc mở liên kết trái phiếu với Hồng Kông để thu hút đầu tư vào thị trường 10 nghìn tỷ USD
- 02-07-2017Hồng Kông - Từ "hòn đá cằn cỗi" đến trung tâm tài chính độc nhất vô nhị của thế giới
- 01-07-2017So găng Hồng Kông vs Singapore: Sống và làm việc ở đâu tốt hơn?
- 01-07-2017Tiết lộ về chiếc xe chở Chủ tịch Trung Quốc tại Hồng Kông
- 30-06-2017Cổ phiếu lao dốc, 3 tỷ phú Hồng Kông gần trắng tay sau một ngày
Đội quân những người lao động già nua, nghèo khổ xuất hiện khi màn đêm buông xuống trên những con phố tấp nập ở Hồng Kông. Dáng người khắc khổ, trang phục rách rưới, bước đi chậm chạp, lầm lũi đẩy những chiếc xe hàng là đặc điểm không thể nhầm lẫn của họ. Mưu sinh bằng việc nhặt những chiếc thùng carton và bán cho những cơ sở tái chế, số tiền họ kiếm được chỉ đủ nuôi thân.
Ở Hồng Kông, họ được biết đến với biệt danh “những bà già thùng carton”. Theo đánh giá của các tổ chức phi chính phủ, có khoảng 5.000 người đang phải sống cảnh đời khốn cùng này ở Trung tâm Tài chính châu Á. Họ cũng là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng thu nhập ở đặc khu hành chính này.
Fok Mei-sung, 67 tuổi, là nông dân từ Quảng Đông, Trung Quốc. Bà quyết tâm tới Hồng Kông với giấc mơ đổi đời từ hơn 2 thập kỷ trước. Tuy nhiên, thời điểm Fok tới Hồng Kông cũng là lúc nhà máy được chuyển về các vùng nông thôn Trung Quốc, dẫn tới sự biến mất của đất nông nghiệp, nhường chỗ cho những ngôi nhà phục vụ tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
“Tôi buộc phải làm công việc này để kiếm sống”, bà Fok kể về thảm cảnh hiện tại của bản thân trong nước mắt. Những người như bà Fok là đại diện cho sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt ở Hồng Kông. Cuối tháng 6, một cuộc biểu tình nổ ra khi một người lượm đồ carton 75 tuổi bị bắt và phạt 5.000 HK$ (tương đương 640 USD) vì mua bán một tấm bìa carton không phép trị giá 1 HK$. Áp lực dư luận cùng hoàn cảnh không thể khốn cùng hơn của người phụ nữ khiến nhà chức trách phải xóa bỏ hình phạt.
Terry Lum, Giáo sư Đại học Hồng Kông, cho rằng: “Những người lao động già từng phải làm việc suốt cuộc đời để xây dựng thành phố xinh đẹp này. Tuy nhiên, những gì bạn thấy hiện nay là một nhóm người bị lãng quên. Họ vẫn phải dùng chút sức tàn lực kiệt để thu gom thùng carton và bán với giá rẻ mạt để nuôi sống bản thân”.
Phần nhiều trong nhóm người này, đặc biệt là những phụ nữ không có trình độ học vấn, di cư tới Hồng Kông vào cuối những năm 1990 với khát vọng đổi đời. Họ phải làm mọi việc họ có thể tìm được nhằm mưu sinh và nuôi sống gia đình. Phần lớn họ đều làm lao công và 78% trong số đó là phụ nữ.
Bà Fox cũng từng là lao công trước khi nghỉ hưu. Mức lương ít ỏi không đủ cho những người như bà mua được một căn nhà, nhất là trong bối cảnh bất động sản tăng giá chóng mặt ở Hồng Kông. Trong khi đó, những người hàng xóm cũ của bà Fox nơi quê nhà lại có cuộc sống thoải mái với số tiền đền bù lớn khi người ta thu hồi đất nông nghiệp. Bà Fox không nằm trong diện đó vì đã chuyển khẩu khi tới Hồng Kông với giấc mộng đổi đời.
“Bây giờ, họ giàu lắm rồi. Thậm chí, cuộc sống của họ chẳng thiếu thốn thứ gì. Trong những dịp lễ lớn, họ còn có tiền để đi du lịch hay giải trí. Bằng tuổi tôi, họ có cơ hội nghỉ ngơi, đi chơi đó đây và những thú vui tao nhã khác”, bà Fok nói về những người hàng xóm cũ trong sự tiếc nuối và buồn bã.
Trong khi đó, nhà ở xã hội và trợ cấp sinh hoạt cho người nghèo cao tuổi ở Hồng Kông đang quá tải, không đủ đáp ứng nhu cầu của những người từng nhiều thập kỷ cống hiến. Không lương hưu, không tiền tiết kiệm trong khi sức khỏe suy giảm, bệnh tật khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh khốn cùng và bị coi là những người nghèo nhất trong xã hội.
Khi còn làm việc, những người như bà Fok phải chi tới 2/3 tiền lương để thuê một căn hộ nhỏ với vách ngăn bằng gỗ. Khi tiền lương tăng lên gấp đôi, tiền thuê nhà cũng tăng theo tương ứng khiến số tiền tiết kiệm gần như không có. Sau khi nghỉ hưu, khoản tiền 50.000 USD mà bà đã tiết kiệm trong 2 thập kỷ miệt mài lao động đã hết nhẵn trong 2 năm. Tuy nhiên, bà may mắn hơn nhiều người bởi sau 5 năm chờ đợi, bà đã được cấp một ngôi nhà xã hội vào tháng 9 năm ngoái.
Dù vậy, cảnh chạy ăn từng bữa vẫn chưa buông tha bà Fok. Giống như những người sống ở Sham Shui Po, khu phố của những người nghèo nhất Hồng Kông, bà Fok vẫn phải đi nhặt bìa carton để kiếm sống. Số tiền trợ cấp 2.490 HK$ chỉ đủ để họ mua rau ở thành phố đắt đỏ này.
“Mỗi ngày, tôi phải đau đớn bước đi để kiếm từng đồng mưu sinh. Tôi không có thời gian cho những niềm vui tuổi già hay được tận hưởng cuộc sống của một người cao tuổi bình thường. Tuy nhiên, tôi hy vọng những khổ đau mà tôi đang gánh có thể cho con cháu tôi một tương lai tốt hơn”, bà Fok nhấn mạnh.