MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham gia các FTA, số thu thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh?

Đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, khi Việt Nam gia các FTA, số thu thuế nhập khẩu của Việt Nam có giảm nhưng tổng thu lại không giảm.

Chiều 12/12, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề: “Cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do”.

Theo Bộ Tài chính, tổng số Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong đó có 12 hiệp định đang thực thi.

Tham gia các FTA, số thu thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh? - Ảnh 1.

Bộ Tài chính họp báo chuyên đề: “Cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định Thương mại tự do”.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN – Australia - Newzealand (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019. 

Trong số 12 hiệp định đang thực hiện, CPTPP là Hiệp định mới nhất được thực thi của Việt Nam. Ngày 26/6 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022.

Về cam kết thuế xuất khẩu trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng (như than đá, than non, dầu thô, vàng...) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Tại buổi họp báo, trả lời băn khoăn của báo chí về vấn đề, từ khi tham gia các FTA, số thu thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh, Nhà nước sẽ bù đắp sự sụt giảm này bằng nguồn thu nào? Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho hay, cơ quan Hải quan không chỉ thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà còn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường và một số thuế nhập khẩu bổ sung, thuế chống bán phá giá…

Khi cắt giảm thuế xuất theo các FTA thì chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quyết định hiện hành. Có những mặt hàng chỉ có 1 sắc thuế, khi thuế nhập khẩu bằng 0 thì vẫn còn thuế VAT; có mặt hàng vừa có thuế nhập khẩu vừa có thuế VAT; có mặt hàng có cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT như mặt hàng máy lạnh.

Xăng dầu có tới 4 sắc thuế, đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2018, khi tham gia các FTA, thuế nhập khẩu của cả nước đã giảm 29.000 tỷ, trong 11 tháng năm 2019, thuế nhập khẩu giảm 13.000 tỷ. Bên cạnh đó, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong số thu của ngành Hải quan cũng giảm dần.

“Năm 2017, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong tổng số thu của ngành hải quan là 21,85%, năm 2018, con số này là 17,4%, đến năm 2019 giảm xuống chỉ còn 16,7%. Số thu của ngành Hải quan về giá trị tuyệt đối vẫn tăng. Năm 2018, thu được 314.000 tỷ, năm 2019 dự báo thu được 340.000 tỷ. Việc tăng các khoản thuế còn phụ thuộc vào kim ngạch xuất nhập khẩu, các biện pháp chống thất thu thuế của ngành hải quan. Toàn bộ số thu của ngành Hải quan thuộc về ngân sách Trung ương, số thu có giảm nhưng tổng số thu thì lại không giảm”, ông Lê Mạnh Hùng nói.

Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên