MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm kịch 11/9: Những nỗi đau vẫn bị khoét sâu trong nền kinh tế Mỹ

10-09-2016 - 13:46 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay bị không tặc lao thẳng vào Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan, New York, gây ra thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ và để lại hậu quả lâu dài với nền kinh tế số một thế giới.

Tính tới thời điểm hiện tại, chuỗi vụ tấn công ngày 11/9/2001 vẫn là sự kiện “hao người, tốn của” bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau nhiều thập niên yên bình và mặc sức phát triển kinh tế, vụ tấn công đưa nước Mỹ trở về với nỗi lo khủng bố từ nước ngoài. Không những vậy, nền kinh tế số 1 thế giới còn trở thành tâm điểm tấn công của các lực lượng khủng bố. Bên cạnh mất mát về người, nền kinh tế Mỹ cũng gánh những thiệt hại to lớn.

Đánh giá toàn diện thiệt hại của vụ khủng bố ngày 11/9 là điều không thể. Bên cạnh những mất mát có thể nhìn thấy, vụ tấn công còn gây ra hàng loạt hệ lụy lâu dài. Người ta chỉ có thể đánh giá tác động của vụ tấn công thông qua cách thức người Mỹ thay đổi cuộc sống của họ. Chúng là tham chiếu rõ nhất để có cái nhìn toàn cảnh vụ tấn công làm thay đổi cả thế giới.


Khoảnh khắc tháp đôi trung tâm thương mại thế giới Mỹ bốc cháy sau vụ khủng bố.

Khoảnh khắc tháp đôi trung tâm thương mại thế giới Mỹ bốc cháy sau vụ khủng bố.

Thiệt hại vật chất

Cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Tòa tháp đôi là trụ sở của hơn 400 doanh nghiệp, trong đó có những công ty tài chính hàng đầu nước Mỹ và cả thế giới. Vụ tấn công khiến sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian dài.

Khi hai chiếc máy bay đánh sập các tòa nhà, 8 tỷ USD bỗng chốc trở thành đống đổ nát và khói bụi. Tờ New York Times ước tính, 8 tỷ USD là giá trị của tòa tháp đôi cùng 2 chiếc phi cơ. Ngoài ra, công trình này sập xuống gây thiệt hại khoảng 14 tỷ USD cho toàn bộ thành phố New York. Nếu tính tất cả thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thiết bị, chi phí chữa trị người bị thương hay mất mát với những người thiệt mạng cũng như khoản tiền cho dọn dẹp và các hoạt động khắc phục hậu quả khác lên tới 58,8 tỷ USD.

Tổn thất với du lịch và công nghiệp hàng không

Trong vụ tấn công ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố đã sử dụng máy bay thương mại làm vũ khí. Nó thổi bùng lên tâm lý sợ bay trong xã hội năng động bậc nhất toàn cầu. Theo số liệu của Fiscal Times, chỉ tính riêng trong năm 2001, các ngành hàng không Mỹ đã phải gánh thiệt hại 7 tỷ USD. Không dừng ở đó, trong giai đoạn 2001 tới 2010, ngày công nghiệp hàng không của Mỹ tiếp tục phải gánh tổn thất lên tới 74 tỷ USD.


Đống đổ nát sau vụ khủng bố chấn động nước Mỹ.

Đống đổ nát sau vụ khủng bố chấn động nước Mỹ.

Dù các hãng hàng không phục hồi một cách thần kỳ nhưng vụ khủng bố gây tác động mạnh tới chiến lược của ngành công nghiệp hàng không cũng như phương thức đi lại bằng máy bay cho tới tận ngày nay. Để khắc phục những thiệt hại của vụ khủng bố, Cơ quan quản lý giao thông vận tải Mỹ (TSA) buộc phải giảm thuế trong thời gian dài. Trong năm 2016, ngân sách của cơ quan này là 7,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, vụ khủng bố còn là đòn đánh mạnh vào ngành công nghiệp du lịch của Mỹ. Chỉ 2 tuần sau ngày 11/9 định mệnh, ngành du lịch báo lỗ 2 tỷ USD. Cùng với đó là 335.000 người mất việc làm chỉ trong một năm sau.

Chi tiêu an ninh tăng vọt

Kể từ tháng 9/2001, chi tiêu của Mỹ cho an ninh nội địa tăng gấp nhiều lần. Cùng với đó là sự ra đời của Bộ An ninh Nội địa Mỹ vào năm 2002 như một phần của Đạo luật An ninh Nội địa, ra đời sau khi nước Mỹ bị đánh một đòn chí tử.

Ban đầu, ngân sách của cơ quan này là 19,5 tỷ USD. Hoạt động tích cực và sau 14 năm, ngân sách của cơ quan này đã tăng lên 41,2 tỷ USD. Theo số liệu của New York Times, Bộ An ninh Nội địa và các hoạt động phòng vệ sau sự kiện 11/9 đã khiến chi tiêu quốc phòng của Mỹ tăng lên 589 tỷ USD, tương đương 630 tỷ USD theo tỷ giá năm 2016.


Một góc khác về vụ tấn công làm gần 3.000 người thiệt mạng.

Một góc khác về vụ tấn công làm gần 3.000 người thiệt mạng.

Trên thực tế, rất khó để xác định chính xác số tiền mà Mỹ đã chi cho lực lượng an ninh nội địa. Tuy nhiên, theo ước tính của Viện Kinh tế và Hòa bình, từ năm 2001 tới năm 2014, Mỹ đã chi 1,1 nghìn tỷ USD cho các hoạt động này, tương đương chi tiêu 73 tỷ USD/năm.

Thuế và chính sách tiền tệ

Gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 11/9, bao gồm 19 tên không tặc, và hàng ngàn người khác bị thương. Ngay sau khi khủng bố xảy ra, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật ưu đãi thuế cho những nạn nhân của vụ tấn công hoặc mắc các bệnh có liên quan tới vụ khủng bố làm chấn động nước Mỹ.

Theo nghiên cứu, vụ tấn công làm gián đoạn nhiều chính sách thuế của Mỹ, bao gồm việc giảm 3,5 tỷ USD ở New York trong 18 tháng đầu tiên sau sự kiện. Trên phương diện liên bang, vụ tấn công năm 2001 buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ phải hạ lãi suất và duy trì lãi suất thấp kéo dài.

Ngoài ra, vụ khủng bố và các yếu tố khác tạo ra những khoản nợ lớn cũng như lạm phát mạnh ở thị trường nhà ở và bất động sản. Hệ quả của nó là đợt khủng hoảng tài chính cuối năm 2007, đầu năm 2008 khi thị trường nhà ở, ngành công nghiệp ngân hàng và hệ thống tài chính Mỹ đồng loạt sụp đổ.

Chi phí chiến tranh và chống khủng bố

Bắt đầu với chiến dịch Tự do Bền vững tháng 10/2001, Mỹ bị cuốn vào hai cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ trên chiến trường Afghanistan và Iraq. Tính tới tháng 12/2014, thời điểm Mỹ tuyên bố chấm dứt các hoạt động quân sự ở Afghanistan, Washington đã mất 1,6 nghìn tỷ USD. Thống kê chi tiết đã được trình lên Quốc hội Mỹ.

Cụ thể, chiến dịch Tự do Bền vững, trong đó bao gồm các hoạt động trên chiến trường Afghanistan, ngốn hết của Mỹ 686 tỷ USD, chiến 43% tổng chi phí của cuộc chiến chống khủng bố. Chi phí với cuộc chiến ở Afghanistan là quá đắt, đạt đỉnh 195 tỷ USD trong năm 2008 và giảm dần xuống 95 tỷ USD trong năm 2014.


Mỹ hao người, tốn của trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Mỹ hao người, tốn của trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Tại Iraq, Mỹ phát động chiến dịch Tự do cho người Iraq vào tháng 3/2003. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính quyền Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực truy lùng khủng bố. Người Mỹ rêu rao họ muốn giải phóng đất nước Iraq khỏi chế độ độc tài tồn tại suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, những gì Mỹ tạo ra chỉ là hỗn loạn và bất ổn dù đã chi 815 tỷ USD cho cuộc chiến ở Iraq. Thậm chí, lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức khủng bố khét tiếng nhất hành tinh, ra đời trong bối cảnh Mỹ can thiệt sâu rộng vào khu vực Trung Đông.

Leo thang và bế tắc

Một lần nữa, Mỹ lại bị cuốn vào xung đột ở Trung Đông thông qua chiến dịch không kích ngăn chặn IS. Theo thống kê, các hoạt động quân sự chống IS của Mỹ ngốn tới 11 triệu USD/ngày, tương đương 4,75 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 8/2014 tới tháng 10/2015.

Giá trị toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố đạt đỉnh trong năm 2001 với 51,51 tỷ USD trước khi giảm 85% xuống mức 7,65 tỷ USD trong năm 2002. Khi cuộc chiến chống khủng bố được mở rộng ở Iraq, giá trị của lực lượng này tăng từ 5,42 tỷ USD trong năm 2003 lên 20,44 tỷ USD trong năm 2007. Khi Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011, giá trị toàn cầu của khủng bố tăng lên 52,90 tỷ USD, cao hơn thời điểm trước vụ khủng bố 11/9.

Trong khi đó, các chuyên gia ước tính chi phí chiến tranh 1,6 nghìn tỷ USD mà Mỹ thông báo là chưa chính xác. Nó chỉ đơn thuần là chi phí chiến tranh mà chưa có những chi phí khác như chăm sóc y tế dài hạn, bồi thường thương tật cho lực lượng tham chiến, cựu chiến binh và gia đình họ cũng như các chi phí đào tạo quân sự hay tác động tới xã hội và kinh tế. Nếu tính tất cả, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ có giá 4 tới 6 nghìn tỷ USD.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên