Thảm kịch đắng cay cho người nông dân Trung Quốc giữa bão virus corona: Hàng triệu tấn rau củ thành phân bón, thu nhập từ trăm triệu trở về con số 0
Nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nhưng hệ quả to lớn nhất lại nằm ở người nông dân. Bởi lẽ, nguồn thu nhập của họ được xem là thứ sống còn.
- 08-03-2020Vì sao danh tính người nhiễm Covid-19 không được công bố ở Mỹ?
- 08-03-2020Covid-19: Ba người phụ nữ đánh nhau giành giấy vệ sinh trong siêu thị Úc
Những ngày gần nhất, Jiang Junsheng đã phải đập bỏ cả tấn tỏi đã hỏng, biến chúng thành phân bón. Nhưng nào đã hết. Anh còn phải giải quyết 5 tấn khoai lang, bắp cải và nhiều loại rau củ khác trong trang trại hữu cơ của mình ở giữa trung tâm Trung Quốc đại lục.
Jiang đã cố gắng hạ giá những sản phẩm tốt nhất của trang trại, có khi xuống hơn một nửa, nhưng chẳng ai hào hứng. Không phải vì nhu cầu ăn rau đã thấp đi, mà vì hệ thống giao thông đang đình trệ khi nhiều thành phố bị phong tỏa bởi dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
"Mọi năm, tôi có thể thu về khoảng 40.000 NDT (khoảng 5720 USD - tương đương hơn 130 triệu VNĐ) trong vòng 3 tuần sau Tết. Năm nay, gần như chẳng bán được cái gì," - anh nông dân 39 tuổi trải lòng trên cánh đồng của mình tại Nhữ Châu, Hà Nam.
Con đường vận chuyển nông sản đã bị đình trệ khi nhiều thành phố bị phong tỏa
Jiang là một nông dân theo xu thế mới, sử dụng các giải pháp hữu cơ để biến rau củ phế thải trở thành phân bón và trồng lên những loại rau chất lượng nhất. Anh phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống vận chuyển, để đưa nông sản của mình đến các thành phố hàng đầu đất nước như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Nơi ấy, nhu cầu cho rau hữu cơ là cực kỳ lớn với nhiều khách hàng có thu nhập ở mức cao.
Nhưng giờ, virus corona đã khiến con đường "đưa rau" của anh trở nên không tưởng.
"Vài tuần qua, con đường kết nối giữa hầu hết các thành phố đã bị chặn. Thậm chí mọi người còn chẳng thể qua lại giữa các ngôi làng nhỏ ở đây."
Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, một số con đường đã mở ra, vài công ty vận chuyển tái hoạt động. Tuy nhiên theo Jiang, vẫn còn rất xa để hệ thống có thể được phục hồi hoàn toàn.
Đắng cay cho người nông dân thời virus
BRIC Agri-info - tập đoàn tư vấn nông nghiệp tại Bắc Kinh ước tính trên phạm vi toàn Trung Quốc đại lục, khoảng 3 triệu tấn nông sản tồn đọng - chủ yếu là rau - và trở thành phế thải do hệ thống giao thông bị đình trệ. Một số lĩnh vực khác - như chăn nuôi - cũng bị ảnh hưởng, khiến nông dân không thể bán được hàng, thậm chí chẳng thể tìm đủ nhân công để hỗ trợ.
Ngành chăn nuôi gia cầm nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn khủng hoảng Covid-19. Xie Chuanzao - nông dân tại huyện Bình Dương (Chiết Giang) cho biết anh lỗ cả trăm ngàn tệ vì chẳng thể bán được gà. Hiện tại, trang trại của Xie đang có hơn 20.000 gia cầm, một nửa trong số đó đủ tiêu chuẩn xuất chuồng nhưng anh vẫn phải tốn nhiều tiền để nuôi cho đến khi tìm được người mua.
"Trong tháng qua, phân nửa đàn đã đủ trọng lượng xuất chuồng nhưng tôi vẫn phải nuôi chúng. Lỗ ngày một tăng, mà tôi chẳng thể làm gì vì những con đường đã bị chặn hết rồi."
Xie cho biết, vài ngày gần đây khi các con đường bắt đầu thông trở lại, anh mới bán được một ít. Để bù lại cho khoản lỗ, Xie phải tăng giá gà lên. Đây là điều bắt buộc khi chi phí nhân công cũng tăng lên, vì Xie phải tìm đến các lao động địa phương với giá cao hơn, thay vì lao động nhập cư đang bị quản lý chặt mùa dịch.
Các cửa hàng giết mổ giờ cũng không thể hoạt động
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Trung Quốc đánh giá, tất cả đã khiến ngành chăn nuôi gia cầm chịu tổn hại nặng nề. Riêng tại An Huy - một trong năm tỉnh phát triển chăn nuôi gia cầm nhất nước, thiệt hại ước tính phải lên tới 900 triệu tệ kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.
"Từ khi dịch bệnh nổ ra, các khu chợ bán gia cầm tươi sống đã bị đóng cửa, hệ thống vận chuyển bị đình trệ," - Yang Zhenhai, Cục trưởng cục Chăn nuôi và Thú Y cho biết.
"Các hàng giết mổ không thể hoạt động, số tiêu thụ cũng xuống không phanh. Toàn bộ ngành chăn nuôi gia cầm chứng kiến thiệt hại trầm trọng."
Ác mộng tại các vùng nông thôn
Các vùng nông thôn của Trung Quốc, nơi thu nhập chỉ bằng 40% so với mức sống trung bình của thành phố và tập trung đa số các hộ nghèo, thì dịch bệnh lần này quả là một đòn giáng nặng nề.
Đối với họ, khoản tiền từ việc thu hoạch thuê hoặc các ngành nghề khác là nguồn sống thiết yếu. Có điều khi dịch bệnh đến, họ không thể ra ngoài. Mà khi không ra được ngoài, dĩ nhiên tiền cũng chẳng có.
Peng Aihua, một nhân viên của công ti môi giới việc làm ở Hạ Môn (Phúc Kiến) cho biết có ít nhất 3 chủ trang trại ở Tường An yêu cầu thuê hơn 60 nhân công. Nhưng cô chỉ có thể đáp ứng được phân nửa nhu cầu ấy.
Tường An là một trong bốn trung tâm trồng cà rốt lớn nhất cả nước, và mỗi mùa thu hoạch cần lượng nhân công rất lớn. Mọi năm, các lao động nhập cư từ Lương Sơn (Tứ Xuyên) - nơi tập trung rất đông người nghèo trong khu vực - sẽ đến hỗ trợ. Nhưng năm nay họ chưa thể quay lại, và hệ quả là 3/4 số nông sản vẫn đang nằm ngoài ruộng.
"Họ bị kẹt ở nhà vì dịch bệnh. Muốn đi, họ sẽ phải nộp đơn xin giấy phép di chuyển đặc biệt, nhưng chẳng ai biết cách vì đa số đều không biết chữ," - Peng cho biết.
Peng nói thêm, một số người dân địa phương ngỏ ý tiếp nhận công việc, nhưng họ đòi mức lương cao hơn, trong khi đây vốn là ngành hàng có lợi nhuận biên ở mức thấp.
"Thực sự đây là tình huống đôi bên cùng thiệt hại. Người Lương Sơn thì mất một nguồn thu nhập quan trọng, trong khi các chủ trang trại hứng chịu nguy cơ mất trắng số cà rốt trên ruộng vì không đủ nhân công thu hoạch."
Ác mộng sẽ không kết thúc sớm
Giáo sư Zheng Fengtian từ khoa kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh cảnh báo rằng, hiệu ứng của dịch bệnh sẽ còn kéo dài đối với các lao động nhập cư.
"Rất nhiều người trong số họ làm việc trong ngành dịch vụ ở thành phố, như làm tóc hoặc nhân viên nhà hàng. Mà các lĩnh vực này không dễ gì tái hoạt động trong thời gian gần," - trích lời Zheng.
Việc nhiều thành phố bị phong tỏa sẽ khiến người lao động mất ít nhất vài tuần lương, thậm chí là cả công việc họ đang làm khi chủ doanh nghiệp chịu lỗ quá nặng.
"Với nhiều người, 1 tháng tiền lương ở thành phố có khi ngang với thu nhập cả năm làm ruộng ở quê," - Zheng cho biết.
"Vậy nên nói về ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người nông dân có lẽ là điều đáng bận tâm hơn sơ với thiệt hại chung của ngành nông nghiệp."
Li Guoxing, nhà nghiên cứu từ Viện phát triển nông thôn của Học viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết vẫn còn thời gian để cứu vãn mọi thứ, bởi chu kỳ trồng trọt thường bắt đầu vào tháng 3 với phần lớn các địa phương. Tuy nhiên, số lượng nông sản trồng sẽ ít đi. "Động lực lao động của nông dân sẽ giảm, vì họ cho rằng sẽ khó mua giống và phân bón hơn."
Để giảm bớt tác động quá tiêu cực, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương phải tăng cường chuẩn bị cho vụ xuân, và đảm bảo sao cho quá trình vận chuyển nông sản diễn ra thật trơn tru, bất chấp dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát.
Tham khảo: SCMP
Trí thức trẻ