MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm kịch hàng không Hàn Quốc: Chuyên gia đặt dấu hỏi về giả thuyết va chạm với chim

30-12-2024 - 10:33 AM | Sống

Chiếc Boeing 737-800 hai động cơ của hãng Jeju Air phải tiếp đất bằng bụng tại sân bay quốc tế Muan sau khi không bung càng hạ cánh.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra

Hôm 29-12, biên tập viên của trang Airline News, Geoffrey Thomas, đặt ra hàng loạt câu hỏi xoay quanh vụ thảm họa hàng không: “Tại sao xe cứu hỏa không rải bọt trên đường băng?”; “Tại sao xe cứu hỏa không có mặt khi máy bay hạ cánh?”; “Tại sao máy bay đáp xuống đường băng ở vị trí quá xa?”; “Tại sao lại có bức tường ở cuối đường băng?”...

Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, bao gồm khả năng va chạm với chim khiến gần như toàn bộ 181 người trên máy bay thiệt mạng.

Hãng Jeju Air không bình luận về nguyên nhân vụ tai nạn trong các cuộc họp báo và tuyên bố một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Thảm kịch hàng không Hàn Quốc: Chuyên gia đặt dấu hỏi về giả thuyết va chạm với chim- Ảnh 1.

Chiếc Boeing 737-800 gặp nạn hôm 29-12. Ảnh: Yonhap

Theo quy định hàng không toàn cầu, Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc điều tra dân sự về vụ tai nạn. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cũng tham gia điều tra vì máy bay được thiết kế và chế tạo ở Mỹ.

Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc thông báo thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay được tìm thấy vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-12, khoảng 2 tiếng rưỡi sau vụ tai nạn. Thiết bị ghi âm buồng lái được tìm thấy vào lúc 14 giờ 24 phút chiều cùng ngày. Đây chính là hai hộp đen của máy bay.

Các chuyên gia nói rằng những vụ tai nạn hàng không thường do nhiều yếu tố gây ra và có thể mất nhiều tháng để xâu chuỗi các sự kiện trong và ngoài máy bay lại với nhau.

Nghi vấn về giả thuyết va chạm với chim

Ông Thomas cho biết các trường hợp va chạm với chim thường không gây ra sự cố đối với một chiếc máy bay.

Chuyên gia an toàn hàng không Úc Geoffrey Dell nói với Reuters: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cú va chạm với chim khiến bộ phận hạ cánh không thể kích hoạt”.

Nhà tư vấn hàng không Úc Trevor Jensen cho hay lực lượng cứu hỏa và khẩn cấp thường sẵn sàng cho trường hợp máy bay hạ cánh bằng bụng song lần này, họ dường như không có kế hoạch làm điều đó.

Ông Dell phân tích chim có thể bị hút vào động cơ máy bay nhưng không làm động cơ ngừng hoạt động ngay lập tức, giúp các phi công có thời gian để xử lý tình huống.

Ông Dell và ông Jensen không rõ tại sao chiếc máy bay xấu số không giảm tốc độ sau khi chạm đường băng.

“Thông thường, khi đáp xuống bằng bụng, máy bay sẽ hạ cánh bằng động cơ với lượng nhiên liệu tối thiểu. Lực lượng cứu hỏa sẽ có mặt, rải bọt trên đường băng và máy bay sẽ hạ cánh ở đầu xa nhất của đường băng. Thường thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa” - ông Thomas chia sẻ.

Một quan chức Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết trong thảm kịch máy bay của hãng Jeju Air, sau khi trạm điều khiển không lưu đưa ra cảnh báo va chạm với chim và các phi công tuyên bố có nguy cơ xảy ra tai nạn, các phi công đã cố gắng hạ cánh xuống đường băng từ hướng ngược lại.

Quan chức này cho biết: “Trong quá trình hạ cánh, máy bay đã va chạm với thiết bị định vị trên mặt đất và đâm trúng bức tường”.

Video: Kinh hoàng máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, bốc cháy dữ dội

Ông Joo Jong-wan, Thứ trưởng Giao thông vận tải Hàn Quốc, khẳng định chiều dài 2.800 m của đường băng không phải là yếu tố gây ra vụ tai nạn và các bức tường ở hai đầu đã được xây dựng theo tiêu chuẩn.

Ông Joo phát biểu tại một cuộc họp báo riêng: “Cả hai đầu đường băng đều có vùng an toàn với vùng đệm trước khi chạm tới bức tường bên ngoài. Sân bay được thiết kế theo tiêu chuẩn hướng dẫn an toàn hàng không, ngay cả khi bức tường có vẻ gần hơn thực tế”.

Cơ trưởng của chuyến bay xấu số đã làm việc ở cấp bậc đó kể từ năm 2019 và trải qua 6.823 giờ bay. Cơ phó đã làm việc ở cấp bậc đó kể từ năm 2023 và trải qua khoảng 1.650 giờ bay.

Theo Phạm Nghĩa

Người lao động

Trở lên trên