MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thâm nhập trụ sở chính của Huawei - nơi định hình nên tương lai ngành công nghệ Trung Quốc

17-12-2018 - 12:21 PM | Tài chính quốc tế

Với Huawei, việc nghiên cứu các công nghệ mới, không chỉ vì tương lai của công ty mà còn vì tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc.

Vụ bắt giữ bất ngờ bà Mạnh Vãn Chu, CFO của Huawei Technologies Co., đã đẩy công ty vào một cơn bão chính trị và đe dọa mảng kinh doanh cốt lõi của họ: ngày càng nhiều các quốc gia đưa các thiết bị của công ty này, bao gồm router, bộ chuyển mạng và điện thoại vào danh sách đen, do lo ngại có thể bị các gián điệp nước ngoài nghe trộm.

Nhưng bên trong trụ sở chính của Huawei tại Thâm Quyến, một nhóm bí mật các kỹ sư vẫn đang miệt mài làm việc không quan tâm đến các nguy cơ đó. Họ đang nỗ lực làm việc vì các công nghệ thế hệ kế tiếp: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và công nghệ chip - các công nghệ ưu tiên được cả Trung Quốc cũng như Huawei ưu tiên phát triển.

Khi cuộc chiến thương mại vẫn đang tiếp tục diễn ra, chính phủ Trung Quốc càng đẩy mạnh vào các lĩnh vực công nghệ này để giảm bớt phụ thuộc vào các chip bán dẫn và phần mềm cao cấp từ Mỹ.

Huawei nỗ lực thực thi tham vọng công nghệ của Trung Quốc

Công ty đang đầu tư các nguồn lực khổng lồ vào công nghệ thế hệ kế tiếp, để có thể lặp lại các thành công mà họ từng có với các lĩnh vực khác. Trong thập kỷ qua, hãng đã âm thầm nổi lên như một người khổng lồ trong lĩnh vực thiết bị viễn thông và hệ thống mạng, giờ họ chỉ đứng thứ hai sau hãng Cisco System Inc của Mỹ.

Tiếp sau đó, hãng lại gia nhập vào thị trường smartphone, và họ đã làm bất ngờ hầu hết các nhà quan sát khi qua mặt Apple về thị phần vào đầu năm nay. Theo dữ liệu của IDC, trong quý tháng 9 năm nay, công ty Trung Quốc này chiếm 15% lượng xuất xưởng toàn cầu, chỉ đứng thứ hai sau Samsung Electronics. Hai năm trước đó, họ mới chỉ có 9% thị phần toàn cầu.

Chuyên môn kỹ thuật của Huawei, kết hợp với mối quan hệ với các hãng hàng đầu Trung Quốc cũng như chính phủ nước này, có thể cho phép họ làm những nhà kiến tạo nên nhiều điều bất ngờ trong ngành công nghệ.

Thâm nhập trụ sở chính của Huawei - nơi định hình nên tương lai ngành công nghệ Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei bên cạnh chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình.

Tham vọng của họ cũng đồng nhất với mục tiêu của chính phủ. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành một người lãnh đạo tự cường của ngành bán dẫn - Huawei đang cho thấy mình có thể làm được điều đó. Ông Tập muốn Trung Quốc có dấu ấn toàn cầu - Huawei cũng có điều đó. Khi ông Tập muốn Trung Quốc chuyển từ một nền sản xuất cơ bản sang các ngành công nghiệp sinh lợi nhiều hơn cho quốc gia - Huawei cũng làm được điều đó.

Điện toán đám mây với tham vọng số hóa từng con phố trên cả nước

Một căn phòng dài trong trụ sở ở Thâm Quyến của công ty được lấp đầy với các mô hình mẫu kỹ thuật số về cách các ngân hàng, cửa hàng bán lẻ và đường phố trông sẽ như thế nào nếu được trang bị các công nghệ của Huawei. Công nghệ đó được khai sinh từ một phòng thí nghiệm cách đó không xa có biệt danh là “White House” (Nhà Trắng). Rất hiếm khách tham quan tại khu vực này.

Nhưng tại phòng sản phẩm mẫu, có tên “hội trường triển lãm các ngành hàng dọc”, lại là nơi chào đón khách thăm quan và hình dung về một tương lai nơi các công ty và chính phủ sử dụng đám mây và AI của Huawei để xử lý dữ liệu, kích thích doanh số và làm các thành phố có thể nhìn và nghe thấy mọi thứ.

Mảng Enterprise Business Group của Huawei, với doanh thu hiện đứng sau kinh doanh các thiết bị mạng và smartphone, bán cả các bộ phận và dịch vụ cho các thiết bị kết nối internet, thành phố thông minh và sản phẩm đám mây. Theo Qiu Heng, giám đốc tiếp thị của bộ phận này cho biết, trong năm nay họ có doanh thu ròng 10 tỷ USD, khoảng 1/10 trong tổng doanh thu của cả công ty.

Thâm nhập trụ sở chính của Huawei - nơi định hình nên tương lai ngành công nghệ Trung Quốc - Ảnh 2.

Bên trong trụ sở Huawei tại Thâm Quyến.

Công ty kỳ vọng doanh số từ mảng doanh nghiệp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm. Điều đó có nghĩa mảng kinh doanh này sẽ đạt 100 tỷ USD vào 2025, năm chính phủ Trung Quốc đặt ra mục tiêu sẽ trở nên độc lập về mặt sản xuất công nghệ. Và các dự báo đó đều không tính đến hoạt động kinh doanh tại Mỹ - nơi Huawei đang bị ghẻ lạnh về mặt chính trị.

Nhưng có một lĩnh vực Huawei đang ở vị thế dẫn đầu. Trong hai năm qua, các công ty internet lớn nhất thế giới đã đua nhau thành lập các bộ phận bán dẫn để cải thiện dịch vụ đám mây và ứng dụng AI của họ, ví dụ nhận diện hình ảnh và trợ lý ảo âm thanh, trong khi đó, Huawei đã làm điều này từ lâu.

Bộ phận thiết kế chip của Huawei, HiSilicon đã được thành lập từ 2004 và bắt đầu nghiên cứu về việc tùy chỉnh chip để xử lý các thuật toán phức tạp trên phần cứng trước khi các công ty đám mây khác làm như vậy. Hãng nghiên cứu Alliance Bernstein ước tính, năm nay HiSilicon có thể đạt doanh thu cao nhất tới 7,6 tỷ USD, hơn gấp đôi năm 2015.

Chỉ có một vài nhà sản xuất chip có thể tiếp cận dễ dàng tới các khách hàng đang muốn đầu tư mạnh vào AI. Trong trường hợp của Huawei, khách hàng đó là chính phủ Trung Quốc. Công ty thấy một cánh cửa khổng lồ đang mở ra khi quốc gia này có tham vọng đưa mọi con phố, camera và toàn bộ cơ sở hạ tầng vào trong một mạng lưới kỹ thuật số.

Theo nhà phân tích Soh, đích nhắm của Huawei là trở thành "trung tâm thần kinh" cho các thành phố thông minh đó. Cảnh sát tại Thâm Quyến đang sử dụng chip của Huawei cho hàng loạt camera giao thông. Qiu cho biết, một con chip này có thể xử lý các đoạn băng video quay từ 16 camera cùng lúc, một bước nhảy gấp 4 lần về sức mạnh điện toán.

Vẫn đi sau những người khổng lồ toàn cầu

Tuy nhiên, về mặt doanh số và hoạt động, mảng đám mây của Huawei vẫn chỉ là gã tí hon khi so với các đối thủ lớn hơn. Công ty đã chi 13 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2017, tăng 17% so với năm trước đó. Ngược lại, các đối thủ của họ trong mảng đám mây lại đang cắt giảm chi tiêu ở mức độ tương tự như vậy.

Huawei kết luận rằng nếu họ không đưa ra các giải pháp tương lai thông qua đám mây, nơi khách hàng của họ đang chuyển đi, người khác sẽ làm.” Siow Meng Soh, giám đốc nghiên cứu tại GlobalData Plc. cho biết.

Trong khi Huawei đang đẩy mạnh nỗ lực nghiên cứu của mình, có một số dấu hiệu cho thấy việc bắt giữ bà Mạnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Một nhà cung cấp về robot công nghiệp ở Nhật cho biết, Huawei đã dừng các đơn hàng mua máy móc của họ sau vụ bắt giữ.

Về phần mềm, Huawei vẫn đang chậm chân hơn các đối thủ. Trong lĩnh vực AI, ví dụ như học sâu và thị giác máy tính, công ty “đang luống cuống tìm cách bắt kịp” những người khổng lồ Mỹ - theo Oren Etzioni, người đứng đầu Học viện Allen về Trí tuệ Nhân tạo cho biết - “Huawei có dữ liệu và sự hỗ trợ từ chính phủ, nhưng vẫn đang ở thế bất lợi đáng kể nếu so sánh về AI.”

Tuy vậy, nếu công ty nào có thể nhanh chóng xóa bỏ khoảng cách này, đó có thể là Huawei.

Nghiên cứu gần đây từ các nhà khoa học máy tính ở Zurich về hiệu năng xử lý của điện thoại Android đã đưa các chip từ HiSilicon lên hàng đầu. Giống như các đối thủ của mình, Huawei đang đưa mọi thứ vào các gói công cụ đám mây. Gần đây họ còn ra mắt một bộ công cụ phần mềm AI, và vào tháng 10 vừa qua, họ đã ra mắt một con chip chuyên dụng mới, có tên Ascend.

Không có con chip nào khác có được loại khả năng xử lý đó.” Qiu cho biết.

Thâm nhập trụ sở chính của Huawei - nơi định hình nên tương lai ngành công nghệ Trung Quốc - Ảnh 3.

Ascend 310, con chip AI dành cho máy chủ và trung tâm dữ liệu được Huawei giới thiệu trong tháng 10-2018.

Mảng kinh doanh đám mây cho phép Huawei dựa vào thị trường trong nước của họ, với gần 60% doanh thu của mảng khách hàng doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Ở Mỹ, thị phần của Huawei tại đây đủ lớn để biến nó thành một mối lo ngại về an ninh quốc gia, và thậm chí tổng thống Mỹ Donald Trump còn phải chặn một vụ sáp nhập trị giá 117 tỷ USD.

Qiu cho biết, các sản phẩm của công ty tuân thủ theo đạo luật về bảo vệ dữ liệu GDPR của EU, nghĩa là các khách hàng của họ, chứ không phải Huawei, mới là người sở hữu và lưu trữ dữ liệu sử dụng trong các ứng dụng. Tại EU, mảng đám mây của Huawei đã hợp tác với nhiều nhà mạng, bao gồm cả Deutsche Telekom AG của Đức, nên họ phải cẩn trọng hơn với điều này.

Nhiều tháng trước khi CFO bị bắt giữ, các quan chức Mỹ đã cảnh báo với đồng nghiệp tại Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác loại bỏ thiết bị 5G của Huawei do lo ngại các vấn đề an ninh.

Trong tuyên bố của mình, phát ngôn viên của Huawei cho biết, công ty đã hoạt động ở hơn 170 quốc gia và chỉ trích động thái trên của các quan chức Mỹ. Soh từ GlobalData cho rằng Huawei nên chuyển sang các thị trường được chào đón hơn như Nam Mỹ hoặc châu Phi đối với khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt sau vụ bắt giữ bà Mạnh ở Canada.

Tham khảo Bloomberg

Theo Nguyễn Hải

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên