Tham tán thương mại VN ở Italy nói về điểm bất thường trong nghi án lừa 100 container điều
Ngay sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Italy lập tức triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều.
Công ty Italy đến cảng đòi container hạt điều dù chưa hề trả tiền
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán thương mại Việt Nam, Thương vụ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam cho biết, trước khi nhận được công văn của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) ngày 08/03, hôm 5/3, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Italy đã nhận kêu cứu của 2 doanh nghiệp.
Ngay lúc này, Thương vụ đã lập tức vào cuộc. Lãnh đạo, cán bộ nhân viên tại Thương vụ ĐSQ Việt Nam ở Italy vừa nhanh chóng triển khai tư vấn hỗ trợ trực tiếp, vừa tức tốc khởi hành đi xa hơn 600km đến tận cảng biển để can thiệp, xử lý vụ việc.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy làm việc với hãng tàu COSCO tại cảng Genoa. Ảnh: Dương Hoa/TTXVN
Khi Thương vụ đến nơi và đang làm việc với hãng tàu COSCO tại thành phố cảng Genoa, phía Tây Bắc Italy thì cũng là lúc tại cảng đã có vài container hạt điều của Việt Nam cập bến. Người mua đã có mặt và đem theo Bộ chứng từ gốc (bằng cách nào đó, họ nhận chứng từ mà chưa hề trả tiền cho công ty xuất khẩu Việt Nam) để đòi nhận hàng.
"Trao đổi với Thương vụ và luật sư của công ty Việt Nam, hãng tàu COSCO đã đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, mặc dù họ đã có chứng từ gốc, đã nộp phí cảng và đang đòi lấy container ra khỏi cảng. Hãng đã tạm thời ngừng vài ngày để phía Việt Nam có thời gian tiếp tục xử lý", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, đến nay, một điểm sáng đáng mừng là trong số 100 container đã giao, phía Việt Nam kịp thời không gửi chứng từ gốc (OBL), đòi lại từ ngân hàng và phía DHL (công ty vận chuyển của Đức - PV) một số bộ nên chỉ còn 36 bộ bị thất lạc. Các luật sư cũng đã kiện và lấy được lệnh phong tỏa khoảng 5 container vốn dĩ đã và sắp đến cảng của 2 công ty ở Italy. Như vậy, tổng số container có thể chịu rủi ro giảm xuống còn 31.
"Có thêm 3 công ty nữa cũng đã ký thuê luật sư vào cuộc xử lý để giải quyết thỏa đáng vụ việc và không gây thiệt hại quá lớn hàng trăm tỷ như thông tin ban đầu".
Nhờ có sự hợp tác phối hợp của các Bộ Công Thương, Hiệp Hội, Thương vụ Đại sứ quán và các doanh nghiệp nên chúng ta đã kịp thời giải quyết giảm dần thiệt hại trong vụ việc 100 container hạt điều nghi bị lừa. Ảnh: Vinacas
Ngoài giải pháp phối hợp với các hãng vận chuyển, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Italy cũng trực tiếp làm việc với nhiều bên khác như cảnh binh Carabineri cảng, ngân hàng...
Thương vụ đã hướng dẫn những việc cần làm, đồng thời đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam có ý kiến với các hãng tàu để họ không giao hàng cho người nhận hàng có bộ hồ sơ gốc tại Italy.
"Đó là cách để giảm tối đa tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn hàng sắp cấp tập về tới các cảng Italy, nên cần huy động nhiều nguồn lực hơn".
Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã gửi công hàm đến các cơ quan sở tại như Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế phát triển cùng các cơ quan chức năng có liên quan, cũng như các Phòng thương mại, Hải quan, cảnh sát, quản lý cảng biển, các đối tác có thể hỗ trợ trong vụ việc có giá trị lớn và ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp này.
"Ngoài ra, vấn đề bán lại các lô hàng này cũng cần giải quyết nhanh nhất có thể", ông Thanh thông tin thêm.
Giá trị thực của 100 container điều bị nghi lừa đảo
Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy đánh giá đây là vụ lừa đảo lớn. Tuy tổng trị giá của 100 container là gần 500 tỷ chứ không phải là 1.000 tỷ như thông tin ban đầu, nhưng vẫn là con số rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Thanh cho hay, sau nhiều vụ việc đã xảy ra rồi, doanh nghiệp Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh công ty Italy. Nhiều địa chỉ của doanh nghiệp Italy chỉ là địa chỉ giả mạo, khi đến thực tế địa chỉ đó không có văn phòng công ty nào như phía Việt Nam đưa ra.
"Bài học rút ra là các doanh nghiệp cần thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán, cần xác minh doanh nghiệp để hiểu về đối tác của mình. Các doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng".
Doanh nghiệp và tiếp thị