MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng C919 của Trung Quốc: Thách thức 'ngôi vương' của hai gã khổng lồ Âu - Mỹ

01-02-2024 - 22:22 PM | Tài chính quốc tế

Theo các nhà phân tích, Comac có thể chiếm 3% thị phần máy bay thân hẹp của thế giới từ tay Boeing và Airbus vào năm 2027.

Tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây đưa tin, nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac sẽ đầu tư mạnh trong vài năm tới để nâng cao năng lực sản xuất loại máy bay chở khách C919 trong nỗ lực giành thêm thị phần từ các hãng thống lĩnh thị trường là Airbus (châu Âu và Boeing (Mỹ).

Zhang Yujin - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) nói với trang tin The Paper của Trung Quốc vào ngày 24/1 rằng, nhà sản xuất máy bay thân hẹp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc này có kế hoạch nâng cao đáng kể năng lực sản xuất trong năm nay.

Ông Zhang tiết lộ bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân (Nhân đại) thành phố Thượng Hải rằng, khoản đầu tư sẽ lên tới hàng chục tỷ nhân dân tệ (CNY) trong vòng 3 đến 5 năm tới (1 tỷ CNY tương đương gần 141 triệu USD).

Tham vọng C919 của Trung Quốc: Thách thức 'ngôi vương' của hai gã khổng lồ Âu - Mỹ- Ảnh 1.

Theo SCMP, loại máy bay C919 được phát triển trong nước Trung Quốc được thiết kế để chở từ 140 đến 210 hành khách và nhằm mục đích cạnh tranh trực tiếp với loại máy bay 737 của Boeing và A320 của Airbus.

Tính đến tháng 1/2024, Comac đã giao bốn chiếc máy bay C919 cho khách hàng đầu tiên của mình là hãng hàng không China Eastern Airlines. Ba trong số đó đã được triển khai trên các đường bay từ Thượng Hải đến Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc), sau chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối tháng 5/2023.

Loại máy bay phản lực này đã hoàn thành 655 chuyến bay thương mại và chở gần 82.000 hành khách vào cuối năm ngoái.

Comac có thể chiếm 3% thị phần máy bay thân hẹp của thế giới

Theo SCMP, đầu tháng 1/2024, China Eastern Airlines đã đưa máy bay C919 vào khai thác thường xuyên trên đường bay khứ hồi nối thủ đô Bắc Kinh với trung tâm kinh tế Thượng Hải, đánh dấu nỗ lực thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc.

Trên đường bay này - một trong những đường bay bận rộn nhất thế giới, chiếc C919 đã đạt tỷ lệ lấp đầy hành khách hơn 85% từ Thượng Hải và gần 100% trên hành trình trở về từ Bắc Kinh.

Vào tháng 9/2023, China Eastern Airlines đã hoàn tất thỏa thuận mua thêm 100 máy bay, trị giá gần 10 tỷ USD, mặc dù đơn hàng sẽ phải mất nhiều năm mới hoàn thành.

Li Taoyan - nhà phân tích của China Securities - viết trong một báo cáo vào trung tuần tháng 1/2024 rằng, những chiếc máy bay này sẽ chỉ có thể đáp ứng một phần nhu cầu trên 5 đường bay hàng đầu của China Eastern Airlines.

Ông Li cho biết, với hơn 4.000 chuyến bay khác của China Eastern Airlines và nhu cầu thị trường đáng kể của các hãng hàng không Trung Quốc khác, vẫn còn "rất nhiều dư địa cho nhu cầu thay thế C919 trong nước [Trung Quốc] trong tương lai".

Theo báo cáo tháng 11/2023 của Tianfeng Securities, Comac có thể chiếm 3% thị phần máy bay thân hẹp của thế giới từ tay Boeing và Airbus vào năm 2027.

Nhà sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc này cho biết vào tháng 9/2023 rằng, họ đã có 1.061 đơn đặt hàng cho loại máy bay C919.

Hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China vào tháng trước đã công bố mua 6 máy bay C919, dự kiến giao hàng từ năm 2024 đến năm 2025.

Tham vọng C919 của Trung Quốc: Thách thức 'ngôi vương' của hai gã khổng lồ Âu - Mỹ- Ảnh 2.

Máy bay C919 của China Eastern Airlines đạt tỷ lệ lấp đầy hành khách hơn 85% trên chặng bay từ Thượng Hải và gần 100% trên hành trình trở về từ Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Theo SCMP, động thái mở rộng thị trường hàng không nội địa của Trung Quốc cũng được thúc đẩy nhờ sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 của thị trường hàng không toàn cầu.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, bắt đầu từ ngày 26/1, China Eastern Airlines đã đưa 783 máy bay vào hoạt động và khai thác 3.280 chuyến bay chở khách mỗi ngày - tăng 42% so với ngày thường.

Trung Quốc cũng đang thúc đẩy sự hiện diện của ngành hàng không nước này trên phạm vi toàn cầu, với việc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cam kết trong tháng 1 vừa qua sẽ hợp tác với Cơ quan An toàn Hàng không của Liên minh châu Âu (EASA) để giúp đưa máy bay của Trung Quốc tham gia các kế hoạch của lục địa châu Âu.

Công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman có trụ sở tại Mỹ dự đoán, tổng số máy bay dân dụng trên thế giới có thể đạt 36.305 chiếc vào năm 2033, tăng 32,57% so với một thập kỷ trước; còn Trung Quốc, Bắc Mỹ và Tây Âu là ba thị trường có nhu cầu sử dụng máy bay cao nhất.

Theo Hữu Hiển

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên