Tham vọng của các 'ông lớn' địa ốc năm 2021
Bất chấp "bóng ma" COVID-19 với nguy cơ diễn biến phức tạp, các tập đoàn bất động sản vẫn kỳ vọng vào một năm 2021 với nhiều kết quả khả quan.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo CTCP Vinhomes (Vinhomes - HoSE: VHM), thị trường bất động sản dù chịu tác động chung của dịch bệnh nhưng do nhu cầu lớn và nguồn cung khan hiếm, nên khả năng hấp thụ vẫn đạt mức cao. Bên cạnh đó, nhiều công ty địa ốc khác cũng nhận định thị trường sẽ ổn định hơn trong năm 2021 với một số lý do như: Tiếp tục tháo gỡ về mặt pháp lý, tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định trở lại khi có vaccine, mặt bằng lãi suất thấp, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại sau đại dịch.
Sau "mùa" ĐHĐCĐ 2021, dễ thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh và lợi nhuận sau thuế ấn tượng.
Cái tên đầu tiên phải kể đến là Vinhomes. Doanh nghiệp này trong năm 2021 đã đặt kế hoạch doanh thu là 90.000 tỷ đồng, tăng 26% so với thực hiện năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD), tức tăng 24%.
Vinhomes kỳ vọng, các dự án đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park và các dự án mới sẽ tiếp tục đóng góp lớn trong năm 2021 cả về doanh số, doanh thu và lợi nhuận.
Ngoài ra, Vinhomes sẽ đẩy mạnh triển khai mô hình O2O và ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp trên cùng một nền tảng; đồng thời tiếp tục ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên cho thuê các sản phẩm bất động sản.
Một định hướng quan trọng khác của Vinhomes là tập trung phát triển bất động sản công nghiệp, tạo thêm nguồn thu nhập thường xuyên. Trong năm 2021, công ty cho biết sẽ đẩy nhanh việc triển khai những dự án bất động sản công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng.
Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland (Novaland - HoSE: NVL) đề ra kế hoạch doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng trưởng 447% so với thực hiện năm 2020. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế kế hoạch của Novaland chỉ là 4.100 tỷ đồng, tăng khoảng 5%.
Novaland cho biết, công ty sẽ đưa ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản đến từ các dự án đang triển khai trong năm nay.
Ngoài ra, trong năm 2021, Novaland dự kiến tiếp tục kinh doanh và phát triển nhiều dự án như: Saigon Royal Residence (quận 4, TP.HCM), The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM), Golden Mansion (quận Phú Nhuận, TP.HCM),....
Tính tới quý I/2021, Novaland ghi nhận quỹ đất hơn 5.400ha, tổng giá trị phát triển dự án ước đạt gần 45 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2023, công ty sẽ bổ sung thêm 10.000ha, qua đó nâng tổng số quỹ đất lên 15.000ha.
Với Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC), doanh nghiệp trong năm 2021 đặt mục tiêu doanh thu thuần 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, tức tăng trưởng lần lượt 207% và 527% so với thực hiện năm ngoái.
Một cái tên khác phải kể đến là CTCP Đầu tư Nam Long (Nam Long - HoSE: NLG). Cụ thể, trong năm 2021, Nam Long đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.963 tỷ đồng, tăng 124% so với thực hiện năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 1.367 tỷ đồng, tăng 61%.
Trong năm 2021, lãnh đạo Nam Long cho biết sẽ phát triển theo các định hướng cơ bản như: Tái cấu trúc công ty theo hình thức "đơn vị kinh doanh" (Business Unit), trong đó mỗi đơn vị kinh doanh là mỗi trung tâm lợi nhuận (profit center) vận hành và cam kết lợi nhuận tăng trưởng cho tập đoàn.
Cùng với đó, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hai mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển quỹ đất và phát triển nhà ở. Theo đó, công ty sẽ gia tăng hiệu quả kinh doanh của mảng cốt lõi bằng việc lập chỉ tiêu kinh doanh chiến lược 3/5/10 năm để có một kế hoạch tổng thể và tham vọng ở ngắn, trung và dài hạn. Trong ngắn hạn 3 năm, công ty dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình là 85% mỗi năm, tăng trưởng doanh thu trung bình 72% mỗi năm ở hai mảng lõi này.
Tham vọng huy động vốn ngàn tỷ
Thời gian qua, TTCK Việt Nam gây ấn tượng khi liên tiếp phá kỷ lục về chỉ số, thanh khoản...nhờ vào dòng tiền "F0" của các nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Tận dụng trạng trái tích cực của TTCK, các "ông lớn" bất động sản đã đề ra phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Với Novaland, công ty dự kiến phát hành 40 triệu cổ phiếu ưu đãi và phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng tối đa là 1,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty. Ngoài ra, vào ngày 26/5 vừa qua, HĐQT Novaland đã có thông báo phát hành 385,9 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần, tỷ lệ 555:198 (tức (sở hữu 555 cổ phiếu được nhận 198 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành là thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 31/12/2020. Qua đó, vốn điều lệ công ty tăng từ 10.728 tỷ đồng lên 14.587 tỷ đồng.
Trong khi đó, các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Kinh Bắc đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1. Nguồn vốn phát hành dự kiến từ khoản lợi nhuận chưa phân phối của công ty tính đến ngày 31/12/2020 theo BCTC kiểm toán năm 2020 của công ty mẹ.
Ngoài ra, các cổ đông cũng chấp thuận phương án chào bán riêng lẻ tối đa 100 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với NĐT chứng khoán chuyên nghiệp (trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp).
ĐHĐCĐ thường niên 2021 KBC cũng thông qua kế hoạch chào bán và niêm yết trái phiếu. Tháng 6/2021, Kinh Bắc đã công bố phương án phát hành 15 triệu trái phiếu ra công chúng. Đây là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Thời gian đăng ký mua từ ngày 3/6/2021 đến ngày 24/6/2021. Trước đó, trong tháng 5/2021, Kinh Bắc cũng công bố phương án phát hành tối đa 10 triệu trái phiếu theo phương thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngoài ra, vào ngày 11/5, Kinh Bắc cũng quyết định vay tín chấp hơn 1.000 tỷ đồng kỳ hạn tối đa hai năm để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh từ công ty con là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.
Trong năm 2021, Nam Long dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu. Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thỏa mãn điều kiện nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có khả năng đem lại lợi ích lâu dài cho công ty này.
Giá phát hành được xác định là bình quân giá đóng cửa của giá cổ phiếu NLG của 30 – 60 ngày giao dịch gần nhất tính đến thời điểm HĐQT quyết định mức giá phát hành; ngoài ra mức giá phát hành sẽ được chiết khấu 10 – 15% và không thấp hơn 30.000 đồng (mức giá trước khi điều chỉnh).
Các cổ phiếu trong đợt phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Số tiền huy động được sẽ được sử dụng cho việc mở rộng quỹ đất, bổ sung vốn lưu động và/hoặc đầu tư phù hợp với chiến lược của Nam Long.
Bước chạy đà từ quý đầu năm
Trong 3 tháng đầu năm, Vinhomes đạt doanh thuần 12.986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.477 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu nhờ vào tăng trưởng doanh thu bán lẻ và bán lô lớn bất động sản.
Đối với Novaland, doanh thu thuần quý I/2021 đạt 4.506 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 701 tỷ đồng.
Về phần Kinh Bắc, trong quý I/2021, doanh thu thuần công ty đạt 2.001 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 714 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 30,3% và 35,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận của Kinh Bắc trong riêng quý I/2021 đã cao gấp đôi con số thu về trong năm ngoái. Theo lý giải từ phía Kinh Bắc, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đà tăng ấn tượng này là do công ty ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị. Cụ thể, doanh thu từ cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản của Kinh Bắc trong báo cáo tài chính quý I đạt hơn 1.904 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 468 tỷ đồng.
Nhà đầu tư