Tham vọng của FECON ở lĩnh vực điện mặt trời
Điện mặt trời đang trở thành một trào lưu đầu tư mới của nhiều doanh nghiệp. Một trong những cái tên đó là FECON - nhà thầu công trình ngầm hàng đầu Việt Nam hiện nay. Hiện đơn vị này đang thi công đồng loạt 4 dự án nhà máy điện mặt trời, trong đó có một dự án mà FECON chính là nhà đầu tư.
Điện mặt trời là lĩnh vực mới, được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong thời gian một hai năm gần đây, trong đó có những doanh nghiệp xây dựng, BĐS như FECON, Bim Group…Ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON cũng đã nhiều lần chia sẻ với các cổ đông của mình, rằng điện mặt trời là một lĩnh vực đầy tiềm năng, hứa hẹn trong tương lai không xa.
Trong chiến lược định hướng phát triển kinh doanh của mình, người đứng đầu FECON cũng nhiều lần nhắc tới đó là FECON phải "đi bằng hai chân". Tức là triển khai song song hai mảng là Đầu Tư và Thi Công, lấy thế mạnh của mạnh của mảng thi công để thi công chính dự án mình đầu tư.
Chiến lược này dường như đang diễn ra mạnh ở nhà thầu xây dựng này. Cuối năm 2017, ĐHCĐ của FECON đã thông qua việc tăng vốn điều lệ, và với khoảng hơn 1.000 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành cổ phiếu, FECON đã đặt mục tiêu nhắm đến các dự án BOT giao thông và điện mặt trời trong giai đoạn 2017-2020.
Ở thời điểm hiện tại, có thể thấy điện mặt trời đang là tham vọng khá lớn của FECON. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 4 dự án đang được đơn vị này triển khai xây dựng cùng một lúc gồm Vĩnh Hảo 6, Sunseap, Hồng Phong và Sơn Mỹ.
Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 đang được xây dựng tại Bình Thuận
Đây là 4 dự án mà FECON đóng vai trò nhà thầu thi công nền nóng và xây dựng cơ bản, đều đang triển khai tại Bình Thuận.
Hiện tại ở Bình Thuận đang có khoảng 30 dự án điện mặt trời đang trong giai đoạn thi công, chuẩn bị thi công và khởi động dự án. Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời với mức giá điện hấp dẫn, 9,35 UScent/kWh (tương đương 2.085 đồng) và kéo dài tới 20 năm nếu các dự án hoàn thành trước ngày 30.6.2019 đã khiến cho nhiều dự án điện đồng loạt tăng tốc. Điều này đồng thời cũng cho thấy, điện mặt trời đang là "miếng bánh" mà nhiều doanh nghiệp nhắm đến.
"Chúng tôi kỳ vọng 4 dự án thi công nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận thời điểm này mang lại cho FECON khoản doanh thu khoảng trên 200 tỷ đồng bao gồm 63 tỷ đồng từ Nhà máy điện Vĩnh Hảo 6; 81 tỷ đồng từ dự án Hồng Phong 1A và 1B; 45 tỷ đồng từ dự án SunReap… Việc thi công các dự án này không chỉ đóng góp vào doanh thu mà còn giúp FECON có thêm các kinh nghiệm triển khai – thi côngcác dự án điện mặt trời quy mô lớn, đòi hỏi tiến độ nhanh, có thể áp dụng với các dự án điện mặt trời sau này mà FECON triển khai đầu tư. Bên cạnh những dự án này, FECON hiện cũng đang là nhà thầu thi công nhiều hạng mục tại Metroline 3 – TP Hà Nội; dự án đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn… Đặc biệt, FECON vừa nhận được thư trúng thầu tham gia một hạng mục tại dự án xây dựng cầu Bago tại Myanmar trị giá khoảng 20 tỷ đồng." đại diện FECON chia sẻ.
Cũng theo đại diện này, trên công trường Vĩnh Hảo 6, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng vĩnh Hảo 6 thường xuyên có khoảng 600 công nhân làm việc. Các hạng mục công tác san nền, thi công móng cho sân trạm, nhà điều khiển, đường dây 110KV đã được hoàn thành, 33.000 móng giá đỡ khung tấm pin mặt trời, lắp đặt hàng rào hiện trường được tiến hành gần như song song với công tác lắp giá đỡ và tấm pin. Dự kiến, công tác xây lắp sẽ phải hoàn thành trong tháng 3 để chuẩn bị tiến hành các công việc thử nghiệm, đấu nối.
Bên cạnh Vĩnh Hảo 6, cách 60km về phía Bắc và 110km về phía Nam FECON cũng đang đầu tư các dự án khác đó là Nhà máy Điện mặt trời Sunseap (Ninh Thuận), Điện mặt trời Hồng Phong (Bình Thuận) và Điện mặt trời Sơn Mỹ. Riêng tại dự án Điện mặt trời Hồng Phong, FECON đã cho xây dựng một xưởng đúc cọc tại chỗ, với mục đích cung cấp cọc cho việc xây dựng nhà máy được nhanh gọn hơn
Với Vĩnh Hảo 6 - dự án đầu tư đầu tiên vào điện mặt trời tại Bình Thuận, Công ty CP FECON cũng đang cho thấy tham vọng của mình tại lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và cũng cho thấy rõ định hướng "đi hai chân" của doanh nghiệp này.
Ngày 15/2/2019, Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Hảo 6 – doanh nghiệp dự án của FECON đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) để thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 tại Tuy Phong, Bình Thuận. Sự kiện này đánh dấu một bước đi vô cùng quan trọng của dự án Vĩnh Hảo 6 nói riêng và FECON nói chung. Dự án do Công ty FECON và Tập đoàn Acwa Power (Ả rập Xê út) cùng đầu tư, là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên của ACWA Power tại Việt Nam và cũng là dự án đầu tư năng lượng đầu tiên của FECON.
Song song với Vĩnh Hảo 6, FECON cũng đang tiếp tục nghiên cứu các dự án đầu tư năng lượng tái tạo khác như Vĩnh Hảo 6 (giai đoạn 2), các dự án điện gió tại Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bến Tre, dự án điện mặt trời tại Bình Phước.
Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Khoa, nhờ lợi thế sở trường về xây dựng hạ tầng và khả năng kết nối quốc tế để thực hiện các dự án có yêu cầu cao về công nghệ trong trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời về Việt Nam thông qua các dự án mà công ty tham gia đầu tư, hướng tới mục tiêu ích nước lợi nhà, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững của đất nước.
Trí Thức Trẻ