Tham vọng mới của điều tra doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Vì sao cần lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng nghề vào điều tra PCI?...
- 26-12-2018Doanh nghiệp FDI xuất siêu 32,8 tỷ USD trong năm 2018
- 26-12-2018Sẽ kiểm tra 20-30 doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng năm 2019
- 26-12-2018Nhiều doanh nghiệp ô tô tải nguy cơ đóng cửa
Chủ trì cuộc toạ đàm tham vấn về việc lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng nghề vào điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sáng 27/12, ông Đậu Anh Tuấn hơn một lần nhắc đến hai chữ "tham vọng".
Là Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cho biết, PCI là điều tra doanh nghiệp lớn nhất hiện nay trong nước, với 12 nghìn doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành.
"Đây là điều tra có chất lượng cao, tuân thủ chuẩn mực cao của những điều tra có chất lượng trên thế giới", ông khẳng định.
Nhấn mạnh PCI đã trở thành công cụ hữu ích cho nhà đầu tư, ông Tuấn cho biết là nhiều tập đoàn đã sử dụng hệ thống PCI như bằng chứng để mở rộng hoạt động kinh doanh. Còn với chính quyền tỉnh thì đã quen sử dụng chỉ số này để thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế, đưa ra những quyết định chính sách dựa trên các bằng chứng rõ ràng về những lĩnh vực mà doanh nghiệp phàn nàn.
Dù thế, ông Tuấn vẫn nhắc đến một tham vọng mới cho PCI, nếu khả năng lồng ghép các chỉ số đánh giá quan hệ lao động và kỹ năng nghề vào điều tra PCI trở thành hiện thực.
Ông giải thích: "Hàng năm, khi PCI được công bố thì sau đó có khoảng hơn 40 tỉnh, thành tổ chức hội nghị để "chẩn bệnh", từ đó có giải pháp để cải thiện thứ tự trong bảng xếp hạng các năm sau. Vì thế, việc lồng ghép không chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin mà tham vọng hơn là ở các hội nghị nói trên nếu nội dung về quan hệ lao động được thảo luận kỹ thì sẽ góp phần thay đổi hành vi cuả các cấp chính quyền. Khi Việt Nam đứng trước thách thức nâng cao năng suất lao động thì chỉ số đánh giá về quan hệ lao động là rất quan trọng".
Những thông tin tiếp theo từ toạ đàm cho thấy, việc lồng ghép có những khó khăn nhất định, song vẫn có thể thực hiện được. Và các khuyến nghị cho việc điều chỉnh các chỉ số PCI hiện có để phù hợp với các tiêu chuẩn thống kê lao động quốc tế cũng được đưa ra.
Đó là, với các chỉ số kỹ năng, PCI có thể giúp tính toán chỉ số thuận lợi cho kinh doanh, có thể cung cấp dữ liệu để tính chỉ số việc làm theo ngành do cuộc khảo sát PCI có mẫu lớn và đáng tin cậy.
Bằng việc chỉnh sửa, kết hợp một số câu hỏi trong khảo sát hiện nay, PCI cũng có thể đưa ra được chỉ số tỷ lệ tham gia công đoàn của lao động làm công hưởng lương, chỉ số về số lần đình công, số lượng công nhân tham gia đình công...
Trước những băn khoăn về trở ngại có thể gặp phải, ông Tuấn thêm một lần khẳng định: PCI có lợi thế là điều tra có chất lượng cao, có thể lồng ghép chỉ số về quan hệ lao động, còn nếu điều tra riêng rẽ vể chỉ số này thì có thể tốn kém hơn rất nhiều
"Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều cho rằng VCCI sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ, nên điều tra PCI luôn nhận được những thông tin trung thực khách quan. Vì thế, việc lồng ghép được kỳ vọng là không chỉ ghi nhận thông tin mà còn chuyển tải thông tin xuống chính quyền cấp tỉnh, từ đó thay đổi hành vi theo hướng tích cực", ông nói.
Vneconomy