MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, liệu Dubai có thành công? (P.1)

02-09-2020 - 19:39 PM | Tài chính quốc tế

Trong bối cảnh Dubai muốn trở thành một trong những trung tâm tài chính của thế giới, Covid-19 đã đánh bại hoàn toàn nền kinh tế được xây dựng chủ yếu dựa trên các hệ thống bán lẻ và kinh doanh khách sạn này. Bên cạnh đó, Dubai phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng để "tẩy trắng" những điều không hay trước đó.

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được công bố vào ngày 13/8 là một hành động ngoại giao phi thường. Liệu đây có là một nước đi thương mại đúng đắn? Giới nhà giàu ở Dubai – trung tâm tài chính lớn nhất của UAE đang hy vọng kiếm tiền từ việc tăng cường đầu tư và du lịch giữa hai quốc gia. Người Israel được cho là sẽ sớm tham gia vào câu lạc bộ tinh hoa sở hữu doanh nghiệp riêng hoặc mua các miếng đất giá trị cao ven biển UAE.

Là 1 trong 7 tiểu vương quốc tạo nên UAE, Dubai sẽ rất vinh dự vì điều này. Các phương tiện truyền thông tại đây đầy ắp những mẩu tin tài chính khiến bao người thèm khát – chẳng hạn gần đây là sự kiện đổ móng cho khách sạn cao nhất thế giới, dự kiến xây 82 tầng và sự ra mắt của "bể bơi vô cực tại tầng cao nhất thế giới". Do thi công các công trình quá nhiều, giá bất động sản hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh đạt được 6 năm về trước.

Có thể nói, Covid-19 đã đánh bại hoàn toàn nền kinh tế được xây dựng chủ yếu dựa trên các hệ thống bán lẻ và kinh doanh khách sạn này. Giá dầu thấp đã củng cố thêm những sóng gió: Dubai không sở hữu nhiều hydrocacbon (thành phần trong dầu mỏ), nhưng nền kinh tế lại dựa dẫm vào những đồng USD từ thứ vàng đen này.

Bên cạnh đó, Dubai phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng để tẩy trắng những "hành vi" của mình. Từ lâu, người ta đã ít quan tâm đến nguồn gốc của dòng tiền chảy vào Dubai. Thị trường bất động sản tại đây bị hoen ố nặng nề bởi nạn rửa tiền. Nếu Dubai bị buộc phải thắt chặt các tiêu chuẩn, điều này sẽ làm suy yếu hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn, làm phức tạp thêm nỗ lực trong việc thúc đẩy con đường tiến lên gia nhập sân chơi hàng đầu của các trung tâm tài chính.

Chặng đường phát triển

Nhìn qua chặng đường lịch sử, sự phát triển của Dubai đã rất ngoạn mục. Vào những năm 1950, khi London chuẩn bị chiến dịch bùng nổ đồng Euro, Dubai chỉ mới chỉ là một quốc gia nhỏ với 20.000 dân và không sân bay. Ngày nay nó đã là một đại đô thị. Trung tâm tài chính của Dubai bắt đầu hoạt động vào những năm 1990, là một nơi dẫn đầu liên khu vực, đóng vai trò như một cửa ngõ đầu tư ra vào Trung Đông, Nam Á và Châu Phi. Nền tảng cho sự phát triển này chính là nhờ có thể chế xã hội ổn định và chất lượng cuộc sống cao: nơi đây cung cấp các căn hộ penthouse sang trọng nhất khu vực, nơi ăn uống ngon nhất và mua sắm và giải trí tốt nhất.

Các liên kết thương mại và vận tải mạnh mẽ hỗ trợ khả năng cung cấp tài chính. Thành phố có những bến cảng nhân tạo lớn nhất thế giới và nhộn nhịp nhất Trung Đông, có đủ chỗ cho các container dài 22,4 triệu feet (6827.52 km). Sân bay của Dubai, hoặc ít nhất cho đến khi xảy ra đại dịch, là một điểm trung chuyển quan trọng đối với những hành trình Đông – Tây. Năm 2019, đây là sân bay có lượng hành khách quốc tế cao nhất thế giới. Nói tóm lại, Dubai là nơi duy nhất trong khu vực mà có được điểm chung với trung tâm trung chuyển kiểu Singapore hay Hong Kong.

Theo Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), từ năm 2007 Dubai đã xếp hạng các thành phố theo một loạt các thước đo tài chính, kinh tế và chất lượng cuộc sống, ta có mảnh đất này đã dần dần thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu. Tiểu vương quốc hiện nằm ngay sát top 10. Các trung tâm cao tiếp theo tại Trung Đông là Tel Aviv ở vị trí thứ 36, và, thủ đô Abu Dhabi của UAE ở vị trí thứ 39.

Trung tâm của hệ sinh thái tài chính Dubai chính là Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC), một "vùng tự do" rộng 110 mẫu Anh ở trung tâm thành phố được thành lập vào năm 2004 để thúc đẩy Dubai trở thành điểm đến của đầu tư và tài chính. DIFC đã phát triển thành một nhóm vô cùng ấn tượng gồm các ngân hàng, nhà quản lý quỹ, các công ty luật và kế toán, với hơn 2.500 công ty đã đăng ký, với 820 trong số đó là công ty tài chính và 25.000 chuyên gia.

DIFC cho biết họ nắm 17 trong số 20 ngân hàng hàng đầu thế giới; 8 trong số 10 công ty luật hàng đầu thế giới; và 6 trong số 10 nhà quản lý tài sản lớn nhất. Nhiều công ty trong kể trên có trụ sở ngay tại đó. Các ngân hàng có khoảng 180 tỷ USD tài sản được đặt ở đó và các công ty DIFC đã thu xếp cho vay thêm 99 tỷ USD vào năm ngoái. 

Các nhà quản lý quỹ của DIFC có tài sản lên tới 424 tỷ USD. Các công ty tài chính này bị hạn chế đối với các giao dịch ngoại tệ. Một số ngân hàng có trụ sở tại Dubai cũng có hoạt động trong khu vực này, nhưng thực hiện hoạt động kinh doanh bằng đồng Dirham (tiền của UAE) từ các chi nhánh bên ngoài khu vực đó.

Những lợi thế của DIFC

Sự hấp dẫn của DIFC chủ yếu nằm ở chế độ và quy định thuế riêng, giống như khu tự do "40-odd" khác trong UAE cũng tự đặt ra các quy tắc riêng của mình. Nơi này được giảm thuế và cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu toàn bộ (bên ngoài khu vực này được giới hạn ở mức 49%) và không có giới hạn hạn ngạch thuê người làm tại địa phương. Tại đây có cơ quan quản lý riêng là Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai, được điều hành bởi một cựu giám sát ngân hàng cho Văn phòng Kiểm soát tiền tệ của Hoa Kỳ. Các công ty tài chính bên ngoài khu vực tự do trực thuộc ngân hàng trung ương và các cơ quan chức năng quốc gia khác.

DIFC cũng có hệ thống tư pháp của riêng mình dựa trên Thông luật – Common Law với các tòa án xét xử các vụ án bằng tiếng Anh. (Ngược lại, hệ thống của UAE dựa trên Luật dân sự – Civil Law). DIFC thông qua luật của riêng mình: luật về bảo vệ dữ liệu, luật dựa trên các quy định của EU có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7.

Quyền tự chủ này được đánh giá vô cùng cao bởi nhiều nhà đầu tư có hệ thống pháp luật nước họ không đáng tin cậy. Người Ấn Độ đổ xô đến đó vì đã phát ngán với các tòa án tắc nghẽn, lộn xộn và thất thường của Mumbai; hay một số người nói đùa rằng Dubai và Singapore là thủ đô tài chính thực sự của Ấn Độ. Để thúc đẩy mạnh hơn, các bản án của Dubai đã có hiệu lực thi hành ở Ấn Độ từ tháng Giêng.

Hệ thống tư pháp của DIFC đã phát triển nhanh chóng. Trong năm 2019, các tòa án tại đây đã xét xử kỷ lục 952 vụ án thương mại, nhiều hơn 43% so với năm 2018. Nơi đây ngày càng nổi tiếng như một trung tâm trọng tài của khu vực, được hỗ trợ bởi liên doanh với Tòa án Trọng tài Quốc tế London và các thẩm phán được thuê từ Úc, Anh cùng các địa điểm khác.

DIFC đã điều hướng tốt cuộc khủng hoảng Covid-19. Thậm chí, DIFC đã xoay sở thành công để đăng ký 310 công ty mới trong nửa đầu năm 2020 - một kỷ lục trong sáu tháng vừa qua, theo sau kỷ lục năm 2019, với 493 công ty mới tham gia, trong số đó có chi nhánh bảo hiểm của Berkshire Hathaway và bộ phận quản lý tài sản của State Street.

Tham vọng trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, liệu Dubai có thành công? (P.1)  - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Dubai sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây

DIFC nói rằng sự tăng trưởng không chắc chắn này là do chủ yếu được thúc đẩy bởi sự quan tâm từ các tập đoàn và công ty fintech từ châu Á. Dubai đã đầu tư rất nhiều tiền để cho ra mắt "máy gia tốc Fintech", tuyên bố là ngôi nhà chung của hơn một nửa tổng số fintech ở Trung Đông và Bắc Phi. Số lượng đăng ký trong Tháng 1 - Tháng 6 có lẽ đã đạt được bởi một gói cứu trợ được thiết kế khẩn cấp cho các khách hàng DIFC, được công bố vào tháng 3, bao gồm miễn phí cấp phép, hoãn hạn thanh toán hợp đồng thuê cũng như miễn tiền thuê 3 tháng cho các nhà bán lẻ.

Dubai yếu đuối trước cơn bão Covid-19

Tuy nhiên, covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho Dubai. Ehsan Khoman – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Đông tại ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) cho biết đây là nơi dễ bị tổn thương hơn các nền kinh tế khác trong khu vực vì phụ thuộc vào bán lẻ và giải trí, và cả hai đều chịu ảnh hưởng của cách ly xã hội và hạn chế đi lại. Thị trường chứng khoán của Dubai đã giảm nhiều so với các thị trường vùng vịnh khác trong năm nay.

Hơn nữa, Dubai đang phải vật lộn để loại bỏ một số điều kiện vốn đã tồn tại từ trước khi có Virus. Nợ nần và việc xây dựng quá độ đã lộ ra trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Phải mất 10 tỷ đô la cứu trợ bởi Abu Dhabi để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ quốc gia. Nhưng "các thực thể liên quan đến chính phủ" của Dubai – các tập đoàn có những xúc tiến ở mọi lĩnh vực nền kinh tế, chẳng hạn như Dubai World (từ cảng đến giải trí) và Dubai Holding (viễn thông, bất động sản và hơn thế nữa...) – vẫn là gánh nặng to lớn và có nhiều ý kiến hàm ý về một khủng hoảng nợ khác.

Công ty tư vấn Capital Economics tính toán được tổng công nợ của Dubai là 153 tỷ USD, trong đó các tập đoàn lớn nợ 89 tỷ USD, tương ứng 140% và 81% GDP. Lịch trình trả nợ của Dubai vẫn đang rất rối ren, với hơn 60% sẽ đáo hạn trong 4 năm tới. Họ đã vay nợ rất nhiều để tài trợ cho các dự án trước thềm World Expo, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 10, với kỳ vọng về những hợp đồng và giao dịch cũng như 25 triệu du khách sẽ tới đây. Nhưng sự kiện đã bị lùi lại một năm vì Covid-19.

Thị trường bất động sản của Dubai cũng vô cùng thảm hại trước đại dịch vì cung vượt quá cầu. Giá bất động sản nhà ở đã giảm trong những năm gần đây, cũng như tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn (xem biểu đồ 2). Số lượng du khách đến Dubai từ các nơi khác trong vùng vịnh đã giảm 10% trong 2019 so với 2016. Sự sụt giảm đã có trước cả virus; bây giờ một số người bắt đầu lo sợ cho sự sống còn của chính họ. Vào tháng Bảy, một cơ quan xếp hạng gọi là S&P đã hạ mức nợ của hai trong số các công ty bất động sản lớn nhất của Dubai xuống mức "rác". Họ cũng cho rằng ​​nền kinh tế sẽ suy giảm đến 11% trong năm nay.

Khi tìm cách loại bỏ những mầm bệnh này và phục hồi sau những tác động của việc phong tỏa từ Covid (một trong nơi phải thực thi nghiêm ngặt nhất thế giới), Dubai phải đối mặt với những thách thức về dài hạn.Đó là là sự chậm lại và có thể đảo ngược của toàn cầu hóa khi căng thẳng thương mại gia tăng và các chính sách dân túy (populism) lan rộng.

Theo MUFG, sự suy yếu kéo dài của giá dầu cũng có thể gây ra hậu quả. Các hoạt động liên quan đến dầu mỏ chỉ chiếm 1% GDP danh nghĩa của Dubai. Tuy nhiên, triển vọng phát triển của tiểu vương quốc lại được đan xen với những biến động giá dầu. Nguồn tài chính ở Dubai phần lớn liên quan đến việc tái đầu tư nguồn "tiền dầu" từ khu vực. Sự bùng nổ bất động sản chủ yếu được xây dựng trên nền tảng các đồng "USD dầu mỏ". Và nhiều khách du lịch đến từ các nước vùng vịnh có mỏ dầu.

(Còn tiếp)

Tham khảo Economist

Dubai có thể rơi vào khủng hoảng nợ nếu dịch Covid-19 kéo dài

Mỹ Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên