MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào 2075, nhiều sếp lớn tại quốc gia châu Á đồng tình: Thanh niên cần làm việc 70 tiếng/tuần, muốn phát triển thì phải chịu hy sinh

07-11-2023 - 20:20 PM | Tài chính quốc tế

Tham vọng vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào 2075, nhiều sếp lớn tại quốc gia châu Á đồng tình: Thanh niên cần làm việc 70 tiếng/tuần, muốn phát triển thì phải chịu hy sinh

Một vị tỷ phú đã nêu ra quan điểm rằng người trẻ nước này cần phải làm việc 70 giờ mỗi tuần để giúp đất nước “cạnh tranh” trên toàn cầu. Liệu có nên?

Làm việc 70 giờ/tuần có hợp lý?

Người sáng lập công ty công nghệ Infosys, Narayana Murthy gần đây đã gây tranh cãi trên mạng xã hội khi nói rằng những người trẻ tuổi nên làm việc 70 giờ một tuần để thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ.

Trong khi nhiều người tỏ ra không đồng tình với quan điểm này thì một số nhà lãnh đạo trong ngành nói chuyện với CNBC lại đồng ý rằng đây có thể là điều cần thiết nếu Ấn Độ muốn cạnh tranh trên toàn cầu.

Ayushmaan Kapoor, người sáng lập công ty phát triển phần mềm Xeno, cho biết: “Nếu muốn trở thành số 1, trở thành người giỏi nhất, các bạn trẻ phải làm việc chăm chỉ và dành nhiều thời gian để làm việc”. Ông cũng cho rằng: “Ấn Độ đang thực sự cố gắng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Nếu muốn vươn lên và đạt được mục tiêu, đó là số giờ và sự hy sinh mà chúng ta phải thực hiện”. Theo CNBC, Ấn Độ muốn vượt qua Trung Quốc và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), người Ấn Độ hiện làm việc trung bình 47,7 giờ một tuần - cao hơn Mỹ (36,4), Anh (35,9) và Đức (34,4). Dữ liệu cũng cho thấy người dân Ấn Độ làm việc nhiều giờ hơn các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc (46,1), Singapore (42,6) và Nhật Bản (36,6).

Theo Vivek Mudaliar, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý nhân sự tại các công ty nổi tiếng toàn cầu như Reliance Industries, HSBC, DBS Bank: “Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì nhiều người Ấn Độ đã làm việc từ 55 đến 60 giờ một tuần. Đây là thực tế ở Ấn Độ, đặc biệt là đối với những người làm việc các khách hàng là người nước ngoài hay phải thực hiện các cuộc gọi/cuộc họp vào những khung giờ ngoài lề thường xuyên”.

Ông nói với CNBC rằng “70 giờ nghe có vẻ là một con số rất cao. Nhưng mọi người sẽ không phản ứng nhiều như vậy nếu ông ấy nói là 60 giờ”.

Quan điểm khác nhau

Nhận xét của Murthy đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, một số người đã không đồng tình với quan điểm của tỷ phú công nghệ. Một người dùng X (trước đây là Twitter) cho biết: “Mất đi sự tỉnh táo về mặt tinh thần để đạt được thành công không phải đánh đổi mà tôi sẵn sàng thực hiện”.

Theo ông Murthy, Ấn Độ đã “lỡ một khoảng thời gian”, vì vậy mọi người dân phải dành một số thời gian nhất định để hỗ trợ nền kinh tế tổng thể mở rộng. Kapoor cũng khuyến khích nhân viên làm những công việc phụ. “Cho dù đó là làm việc trong cùng một tổ chức/công ty trong 70 giờ, hoặc 2-3 công việc phụ… bạn đều đang làm việc chăm chỉ”, ông nói.

Tuy nhiên, một số tổ chức tại Ấn Độ đã phản đối quan điểm này và cho rằng nhân viên không nên bị bắt buộc phải làm việc hơn 48 giờ một tuần. Họ cho rằng, với việc tự động hóa đang ngày gia tăng, cần giảm thời gian làm việc để có nhiều thời gian sáng tạo và giải trí hơn - từ đó cải thiện năng suất.

ILO đồng ý với quan điểm này và giải thích rằng hậu quả của việc làm việc nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn và hiệu suất tại nơi làm việc. Tổ chức này nói với CNBC: “Những tác động lâu dài có thể bao gồm tăng tỷ lệ mắc bệnh hay các bệnh về mặt tinh thần”.

Mọi thứ cần linh hoạt

Trong khi một số lãnh đạo ngành ủng hộ quan điểm của Murthy, họ cũng nhấn mạnh rằng các công ty nên tạo điều kiện linh hoạt hơn cho nhân viên để thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ hơn.

Chandrasekhar Sripada, giáo sư tại Trường Kinh doanh Ấn Độ, cho biết: “Cho phép nhân viên lựa chọn giờ làm việc và không gian làm việc là một yêu cầu quan trọng để làm việc hiệu quả”. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng làm việc chăm chỉ “luôn luôn là thước đo của thành công”.

Tham khảo CNBC



Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên