MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ đang mắc kẹt giữa nhu cầu cải thiện kết quả điều tra tội phạm và bảo vệ quyền riêng tư của công dân

20-10-2019 - 09:10 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Ấn Độ đang triển khai kế hoạch xây dựng một trong những hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới, trong đó cảnh sát từ 29 bang và 7 lãnh thổ liên bang sẽ có quyền truy cập vào một cơ sở dữ liệu tập trung duy nhất.

Bhuwan Ribhu, nhà hoạt động vì trẻ em của tổ chức phi chính phủ Ấn Độ Bachpan Bachao Andolan, đã khởi động một chương trình thí điểm để khớp ảnh của trẻ em mất tích ở Ấn Độ (theo cơ sở dữ liệu của cảnh sát) với những bức ảnh trẻ vị thành niên sống trong các trung tâm chăm sóc trẻ em cả nước.

"Chúng tôi có thể khớp được hình ảnh của 10.561 trẻ em mất tích với những trẻ sống trong các trung tâm. Các em hiện đang trong quá trình đoàn tụ với gia đình." Hầu hết trẻ em trong số đó là nạn nhân của nạn buôn người, bị buộc phải làm việc đồng áng, trong các nhà máy may mặc hoặc nhà thổ, theo ông Ribhu.

Nhiệm vụ quan trọng này đã được thực hiện nhờ công nghệ nhận dạng khuôn mặt do cảnh sát New Delhi cung cấp. "Có hơn 300.000 trẻ em mất tích ở Ấn Độ và hơn 100.000 trẻ sống trong các trung tâm. Chúng tôi không thể kết nối tất cả chúng thủ công," ông nói.

Xác định vị trí hàng nghìn trẻ em mất tích chỉ là một trong những thách thức mà lực lượng cảnh sát Ấn Độ phải đối mặt trong một quốc gia có 1,37 tỷ người.

Ấn Độ chỉ có 144 sĩ quan cảnh sát cho mỗi 100.000 công dân, so với 318 trên 100.000 công dân ở Liên minh châu Âu. Trong những năm gần đây, các nhà chức trách đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để bù đắp cho sự thiếu hụt này.

Công nghệ được áp dụng tại các cơ quan hành pháp của New Delhi từ năm 2018 và sử dụng để kiểm soát các sự kiện lớn và chống tội phạm ở một số bang khác, bao gồm Andhra Pradesh và Punjab.

Nhưng chính phủ Ấn Độ hiện có một kế hoạch tham vọng hơn nhiều: xây dựng một trong những hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới, trong đó cảnh sát từ 29 bang và 7 lãnh thổ liên bang sẽ có quyền truy cập vào một cơ sở dữ liệu tập trung duy nhất.

Cơ sở dữ liệu quốc gia

Dự án này sẽ ghép các hình ảnh từ mạng lưới camera quan sát đang phát triển của đất nước với cơ sở dữ liệu bao gồm các bức ảnh chụp tội phạm, ảnh hộ chiếu và hình ảnh được thu thập bởi các cơ quan như Bộ Phụ nữ và Phát triển Trẻ em.

Nền tảng này cũng cho phép tìm kiếm dựa trên các bức ảnh trên báo, hình ảnh phác thảo các nghi phạm, nhận diện khuôn mặt trên các camera mạch kín và cảnh báo nếu phát hiện ra sự trùng khớp.

Lực lượng an ninh sẽ được trang bị các thiết bị di động cầm tay cho phép họ chụp khuôn mặt trên hiện trường và tìm kiếm ngay lập tức dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia, thông qua một ứng dụng chuyên dụng.

Theo tài liệu được công bố bởi Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, nền tảng nhận dạng khuôn mặt mới đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện kết quả khi xác định tội phạm, người mất tích và thi thể, hỗ trợ lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm.

Tỷ lệ tội phạm của Ấn Độ rất cao, đặc biệt là trong các khu vực nghèo nằm rải rác trong các trung tâm đô thị. Trong năm 2016, có trung bình 709 vụ tấn công trên 100.000 người ở 19 thành phố lớn, so với mức trung bình quốc gia là 379,3 theo số liệu mới nhất.

Tham vọng xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ đang mắc kẹt giữa nhu cầu cải thiện kết quả điều tra tội phạm và bảo vệ quyền riêng tư của công dân  - Ảnh 1.

Một kỹ thuật viên Ấn Độ kiểm tra camera quan sát ở ven đường gần Dinh Tổng thống trước cuộc diễu hành Ngày Cộng hòa diễn ra ở New Delhi. Nguồn: CNN

An ninh quốc gia

Không rõ có bao nhiêu công ty đã gửi hồ sơ dự thầu để lắp đặt hệ thống nhận dạng khuôn mặt quốc gia cho Ấn Độ, cũng như chính phủ sẽ mất bao lâu để xem xét các ứng dụng của họ.

Khoảng 80 đại diện của các nhà cung cấp đã tham gia vào một cuộc họp trước đấu thầu, diễn ra tại văn phòng của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia vào cuối tháng 7. Họ đã thảo luận về cách cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được tích hợp với các nền tảng cảnh sát địa phương và liệu nó có thể xác định được những người đã phẫu thuật thẩm mỹ hay không.

"Để đủ điều kiện tham gia đấu thầu, một công ty phải hoàn thành ít nhất 3 dự án nhận dạng khuôn mặt trên toàn cầu", ông Apar Gupta thuộc Tổ chức Tự do Internet cho biết. Các công ty Ấn Độ không đủ tiêu chuẩn này.

Một yêu cầu khác là ít nhất một trong các bên tham gia đấu thầu có trụ sở tại Ấn Độ. Đơn vị trúng thầu khả năng cao sẽ là liên doanh giữa một công ty nước ngoài và một đối tác địa phương.

IBM, Hewlett-Packard Enterprise và Accdvisor đều thể hiện sự quan tâm, theo ông Sivarama Krishnan, người phụ trách an ninh mạng tại PricewaterhouseCoopers Ấn Độ.

Ông Gupta lo ngại rằng việc một công ty nước ngoài thiết lập một bộ phận quan trọng như vậy trong bộ máy an ninh của Ấn Độ sẽ làm tăng rủi ro an ninh quốc gia.

Năm 2018, một cuộc tranh cãi nổ ra khi Ajay Maken, một chính trị gia đối lập ở New Delhi, cáo buộc chính quyền địa phương gây rủi ro cho hoạt động gián điệp vì đã cung cấp gần một nửa số camera quan sát mà họ dự định lắp đặt tại thủ đô cho Prama Hikvision, một liên doanh giữa công ty Trung Quốc Hikvision và công ty Ấn Độ Prama Technologies.

Ông Ashish Dhakan, Giám đốc điều hành của Prama Hikvision, xác nhận rằng công ty đã cung cấp hơn 140.000 camera quan sát cho New Delhi và bắt đầu lắp đặt chúng vào đầu năm nay.

Nhưng ông phản bác: "Không có bằng chứng ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ, chỉ ra rằng các sản phẩm của Hikvision được sử dụng để thu thập thông tin trái phép. Hikvision chưa bao giờ tiến hành, cũng sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động nào liên quan đến gián điệp cho bất kỳ chính phủ nào trên thế giới."

Đây không phải là dự án duy nhất của công ty ở Ấn Độ. Năm 2018, Hikvision đã hoàn thành một mạng lưới camera giám sát cùng trung tâm chỉ huy và kiểm soát tại thành phố Deesa, Gujarat. Đầu tháng 10, họ đã khánh thành nhà máy camera quan sát lớn nhất Ấn Độ gần Mumbai, với hơn 2.000 nhân viên, tự mô tả mình là một "người dẫn đầu thị trường" Ấn Độ cho các giải pháp giám sát bằng video.

Hikvision bị kiểm soát chặt chẽ ở Mỹ, nằm trong danh sách đen gồm 28 công ty và văn phòng chính phủ Trung Quốc cấm mua sản phẩm của Mỹ hoặc nhập khẩu công nghệ Mỹ với cáo buộc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Thử thách công nghệ

Các chuyên gia nghi ngờ liệu Ấn Độ có thể thực hiện dự án đầy tham vọng như vậy trong một thời gian ngắn hay không. Hệ thống dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động sau khi hợp đồng được ký kết không quá 8 tháng.

"Một khung thời gian thực tế hơn sẽ là 12 đến 18 tháng", theo ông Krishnan, người mô tả dự án là "thách thức về mặt công nghệ".

Tạo nền tảng tập trung không phải là phần khó nhất. Ấn Độ đã có một cơ sở dữ liệu quốc gia với hình ảnh của tất cả các tội phạm bị truy tố ở nước này, thường xuyên được cập nhật bởi các cơ quan hành pháp ở các bang. Nó chỉ cần được liên kết với hệ thống camera quan sát của đất nước. Một dự án thí điểm được thực hiện ở New Delhi đã chứng minh điều này là khả thi.

Bao phủ đất nước với đủ camera giám sát - đặc biệt là những thiết bị tiên tiến được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt - sẽ là một thách thức lớn hơn nhiều. Ấn Độ tụt hậu so với các nước khác về camera an ninh, theo ông Krishnan.

New Delhi có 10 camera quan sát trên 1000 người, so với 113 ở Thượng Hải và 68 ở London, theo Comparitech. Con số này thấp hơn nhiều ở khu vực nông thôn của Ấn Độ, nơi có 66% dân số của đất nước.

"Nhiều ngôi làng ở vùng nông thôn không có một camera giám sát nào", ông Krishnan nói.

Tham vọng xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ đang mắc kẹt giữa nhu cầu cải thiện kết quả điều tra tội phạm và bảo vệ quyền riêng tư của công dân  - Ảnh 2.

Một hành khách đăng ký thông tin cá nhân tại quầy nhận diện khuôn mặt của sân bay quốc tế Rajiv Gandhi, Hyderabad. Nguồn: CNN

Nhưng Ấn Độ đang nhanh chóng bắt kịp. New Delhi dự kiến có 330.000 camera mới được lắp đặt, Phó thủ hiến Delhi Manish Sisodia cho biết vào tháng 7. Dự án nhằm cải thiện sự an toàn của phụ nữ tại thành phố lớn nhất Ấn Độ, nơi xảy ra nhiều vụ tấn công tình dục trong những năm gần đây.

Camera nhận dạng khuôn mặt gần đây đã được giới thiệu ở sân bay Bangalore và đang được thử nghiệm tại sân bay Hyderabad, theo Reuters. Sân bay New Delhi gần đây cũng bắt đầu sử dụng công nghệ để tiết kiệm thời gian kiểm tra an ninh.

"12 thành phố lớn nhất của Ấn Độ hiện đã được trang bị hệ thống giám sát và 24 thành phố khác đang trong quá trình lắp đặt thêm camera", ông Krishnan nói. Hầu hết các nhà ga cũng được trang bị camera giám sát và chính phủ có kế hoạch lắp đặt tại tất cả các nhà ga vào năm 2021.

Không có biện pháp bảo hộ pháp lý

Đối với những người ủng hộ quyền riêng tư, dự án này là một điều đáng lo ngại. "Ấn Độ không có luật bảo vệ dữ liệu và cũng không có kế hoạch áp dụng một khung pháp lý cụ thể cho hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới," ông Gupta nói.

Ông cho rằng hệ thống nhận diện khuôn mặt của Ấn Độ có thể trở thành một công cụ trị an xã hội, được sử dụng để trừng phạt các hành vi phạm tội nhỏ như xả rác công cộng hoặc để kiểm soát nơi cư trú của các dân tộc thiểu số.

Xa hơn nữa, nó thậm chí có thể được liên kết với Aadhaar, cơ sở dữ liệu sinh trắc học của Ấn Độ, nơi chứa thông tin cá nhân của 1,2 tỷ công dân, cho phép nước này thiết lập "một nhà nước giám sát vĩnh viễn", ông nói thêm.

Ấn Độ có một lịch sử về các vấn đề riêng tư. Năm 2017, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ban hành phán quyết mang tính bước ngoặt rằng quyền riêng tư là một trong các quyền cơ bản được ghi trong hiến pháp của đất nước.

Phán quyết mở đường cho dự thảo Dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, được trình lên chính phủ năm ngoái nhưng chưa được trình bày trước Quốc hội.

Các nhà hoạt động vì quyền công dân lập luận rằng dấu vân tay và quét võng mạc được Aadhaar thu thập đã vi phạm quyền riêng tư cá nhân.

Đầu năm 2018, Aadhaar bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư, có thể mua quyền truy cập vào thông tin cá nhân của công dân với giá chỉ 8 USD. Cuối năm 2018, trong một phán quyết riêng, Tòa án Tối cao tuyên bố cơ sở dữ liệu này không vi phạm quyền riêng tư.

Tuy nhiên, tìm cách xoa dịu những chỉ trích, chính phủ đã bổ sung các biện pháp an ninh mới, hạn chế mới về cách sử dụng thông tin Aadhaar, bao gồm những biện pháp ngăn chặn các cơ quan doanh nghiệp yêu cầu dữ liệu.

Tham vọng xây dựng cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt quốc gia của Ấn Độ đang mắc kẹt giữa nhu cầu cải thiện kết quả điều tra của cảnh sát và bảo vệ quyền riêng tư của công dân.

Khánh An

CNN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên