Thận trọng khi nới room ngoại
Các chuyên gia đều cho rằng việc nới room ngoại trong lĩnh vực NH vẫn rất cần sự cẩn trọng và một lộ trình phù hợp.
- 17-01-2017Chuyên gia nước ngoài: Thông tin nới room ngân hàng sẽ hỗ trợ mạnh cho các cổ phiếu ngân hàng
- 01-09-2015Nới room ngân hàng, thế nào là hợp lý?
- 07-01-2014Nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá khi Chính phủ chính thức nới room ngân hàng
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Ngành NH mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu các NH trong nước, đồng thời cũng tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc hút thêm vốn ngoại không phải lúc nào cũng dễ dàng, khi hiện nay quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài của một NHTM Việt Nam không vượt quá 30% vốn điều lệ.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho rằng với quy định hiện tại, có lẽ sẽ khó kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Bởi với nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào ngành NH họ không chỉ đơn thuần nghĩ tới vấn đề đầu tư tài chính, chỉ tham gia góp vốn và hưởng cổ tức. Chưa kể đối với hệ thống NH Việt Nam, sức ép lợi nhuận ngày càng lớn, việc chia cổ tức cũng “lúc có lúc không”. Mà cái đích của các nhà đầu tư nước ngoài là tham gia hoạt động quản trị NH.
Nới room cho các nhà đầu tư ngoại cần một lộ trình cụ thể
Cố vấn cao cấp của một NHTM tại Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài nêu lên một thực tế là vị thế của những nhà đầu tư nước ngoài ở NH Việt này còn rất khiêm tốn. “Họ ở vị trí thiểu số nên nhiều khi muốn thay đổi nhưng không làm được”, vị này cho hay.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu bổ sung: Có sự khác biệt giữa thái độ và mục tiêu đầu tư của các nhà đầu tư châu Á và phương Tây. Đối với các nhà đầu tư châu Á, họ chủ yếu tham gia góp vốn với mục đích có chân trong NH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn đối với đối tượng khách hàng của họ. Còn để quản trị, giúp NH tái cơ cấu thì phần lớn các nhà đầu tư khu vực châu Á ít có mục đích này. Điều này ngược lại với các nhà đầu tư đến từ phương Tây.
Có nhiều năm làm việc tại nước ngoài và cũng là cố vấn cho nhiều NH tại Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, tâm lý của các nhà đầu tư luôn muốn tìm những NH mạnh để rót vốn và e ngại với những nhà băng có sức khoẻ tài chính không ổn định hoặc yếu kém. Bởi theo chuyên gia này, với các NH tiềm lực tài chính quá hạn chế, có nhiều vấn đề thì không những họ phải góp vốn lúc đầu, mà còn phải bỏ ra rất nhiều tiền để tái cơ cấu. Rủi ro là rất lớn. “Trừ khi đó là đầu tư mang tính đầu cơ, qua việc được chấp thuận để làm những mục đích khác”, ông Hiếu thẳng thắn.
Nói như vậy để thấy chúng ta phải xét vào thực tế. Đối với các NH có tiềm lực tài chính tương đối, nếu muốn kêu gọi thêm sự góp vốn của các nhà đầu tư ngoại, nhưng vẫn bị áp mức trần 30%, thì có lẽ vẫn thật khó để hấp dẫn và chào mời vốn ngoại.
Việc mở cửa thị trường tài chính để kêu gọi, đón nhận nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài là xu hướng của nền kinh tế. Trong nhiều nhóm giải pháp của quá trình tái cơ cấu, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu TCTD có thể mang lại những lợi ích quan trọng: giúp cho việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy giải quyết tình trạng sở hữu chéo, cho vay các bên liên quan, nâng cao năng lực quản trị...
Có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp đặc biệt có thể để nhà đầu tư nước ngoài được tham gia với tỷ lệ 51% cổ phần sở hữu, đây cũng là kỳ vọng của các nhà đầu tư ngoại. Khi đó họ có thể quản lý và có quyền quyết định trong hoạt động của NH.
Thừa nhận đây là việc bức thiết, nhưng mặt khác, các chuyên gia đều cho rằng việc nới room ngoại trong lĩnh vực NH vẫn rất cần sự cẩn trọng và một lộ trình phù hợp. “Chúng ta không thể mở room một cách quá nhanh. Song trong vòng một năm tới, có lẽ nên xem xét để nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn. Để bước sang năm thứ hai tiếp theo có thể cho phép điều chỉnh tiếp”, một chuyên gia bày tỏ.
Bên cạnh đó còn có quan ngại và lo lắng về chuyện nếu nới quá nhiều room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nguy cơ hệ thống bị chi phối. Tuy vậy, chuyên gia nói trên cho rằng điều này không phải quá đáng ngại. Bởi các NH trên thế giới đều được điều chỉnh theo những quy định của pháp luật rất chặt chẽ. Và NHNN Việt Nam cũng có đủ công cụ để kiểm soát tất cả mọi hoạt động của các nhà đầu tư.
Vừa qua, thị trường ghi nhận thực tế có một số NH ngoại rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. “Khoan bàn tới chuyện đó là chiến lược kinh doanh hay không. Nếu để hấp dẫn họ quay trở lại thị trường Việt Nam, chúng ta phải tạo cho họ điều kiện, cơ hội. Họ sẽ trở lại nếu nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục có sự ổn định, điều kiện môi trường tài chính thuận lợi, nợ xấu trong hệ thống dần được tháo gỡ, các NH đang dần đi vào thông lệ quốc tế với trước mắt là Basel II... Song cần trao cho họ một vị trí để kiểm soát được đồng tiền của họ, đó là điều cần thiết”, CEO một NHTM chia sẻ.
Như vậy, cũng cần hiểu rằng mở room là một chuyện, nhưng việc hút được vốn ngoại hay không lại là vấn đề khác. Nếu mở room mà bản thân các NH không minh bạch, hoạt động không hiệu quả, không tự căn chỉnh mình thì việc nới room cũng không có nhiều ý nghĩa.
Thời báo ngân hàng