Thận trọng với "siêu dự án" ở Bạch Mã
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết không làm du lịch bằng mọi giá khi nói về dự án khu du lịch sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã với tổng vốn đầu tư ban đầu 1.500 tỉ đồng.
Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sở này đang giao các phòng chức năng tiến hành thẩm định quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã để tham mưu cho UBND tỉnh gửi các bộ, ban, ngành trung ương xin ý kiến nhằm hoàn chỉnh quy hoạch trình phê duyệt.
Kỳ vọng "đẳng cấp quốc tế"
Trước đó, vào năm 2014, Công ty CP Du lịch vườn Bạch Mã (gọi tắt là Công ty Bạch Mã) được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận chủ trương nghiên cứu quy hoạch tổng thể dự án. Công ty này đã thuê Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Mỹ) và Inros Lackner (Đức) lập quy hoạch. Đến năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý chủ trương lập quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái này.
Việc thẩm định, phê duyệt dự án khu du lịch trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bạch Mã cần phải làm chặt chẽ, tránh tác động xấu cho cảnh quan, môi trường nơi đây
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế điều chỉnh một số chi tiết quan trọng của dự án như: phải làm rõ cơ sở đề xuất quy mô phục vụ 500.000 lượt khách/năm trong giai đoạn 2020-2030 và 1 triệu lượt khách/năm sau năm 2030; bổ sung đánh giá tác động của quy hoạch đối với di tích cấp quốc gia địa đạo Bạch Mã... Sau đó, Công ty Bạch Mã đã điều chỉnh và đến tháng 7 vừa qua đã nộp hồ sơ đề nghị thẩm định quy hoạch phân khu xây dựng dự án theo tỉ lệ 1/2.000.
Theo quy hoạch điều chỉnh, dự án sử dụng 300 ha, giảm 19 ha so với quy hoạch ban đầu. Toàn bộ dự án nằm ở phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã. Một phần diện tích trong quy hoạch này trước đây người Pháp đã xây dựng 139 biệt thự phục vụ việc nghỉ mát, hiện vẫn còn nguyên giá trị, sẽ được sửa chữa đưa vào sử dụng.
Dự án chia ra thành 5 làng, cũng là 5 phân khu chức năng chính, gồm: làng tâm linh, làng đỉnh núi, làng di sản, làng trung tâm (phục vụ mua sắm, ăn uống) và làng dịch vụ. Trong phạm vi đất dự án, mặt bằng sử dụng đất đối với khu thương mại, ăn uống, mua sắm chiếm 5,4 ha với 8 biệt thự; đất di sản với việc phát triển làng di sản, nghệ thuật 1,8 ha (13 biệt thự); đất phục vụ làng tâm linh 9,5 ha; khu khách sạn, nghỉ dưỡng 18,9 ha (27 biệt thự); đất khám phá thiên nhiên 7,3 ha... Độ cao các công trình không quá 2 tầng, hệ số sử dụng đất dưới 3 lần.
Đây được coi là một "siêu dự án" với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến 1.500 tỉ đồng. Công ty Bạch Mã kỳ vọng sẽ phát triển dự án thành điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế.
Không thể vội vã
Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết dự án nằm trong tổng thể tam giác khu du lịch quốc gia Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Do đó, phải hết sức thận trọng, tỉnh phải xin ý kiến trước của các bộ, ngành để có vấn đề gì thì kịp thời điều chỉnh.
Theo ông Khanh, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tuyến cáp treo với 3 điểm ga để kết nối các phân khu như nêu trên. Do tuyến cáp treo này có một số điểm nằm trong khu rừng đặc dụng thuộc vùng lõi VQG Bạch Mã nên tỉnh lưu ý nhà đầu tư phải có phương án thi công, khai thác để giảm thiểu tối đa tác động vào thiên nhiên.
Ông Lê Toàn Thắng khẳng định Bạch Mã là khu bảo tồn thiên nhiên, di tích quốc gia nên phải hết sức thận trọng, thẩm định kỹ càng, cần có ý kiến cụ thể của các bộ, ngành chức năng chứ không thể vội vã. Ông Thắng nhìn nhận: "Quá trình phát triển luôn có 2 mặt, chúng tôi phải cố gắng gìn giữ những nét rất đặc trưng của Bạch Mã".
Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, phải đợi đến khi hoàn thiện quy hoạch tổng thể toàn bộ dự án này, UBND tỉnh mới có ý kiến cụ thể về phương án đầu tư, phương thức quản lý, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư. "Bài toán ở đây là làm thế nào vừa phát triển du lịch vừa hài hòa với bảo tồn thiên nhiên. Quan điểm của tỉnh là không phát triển du lịch ồ ạt trên Bạch Mã" - ông Định cho biết.
Thủ tướng cho xây cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình ngày 25-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương xây dựng tuyến cáp treo trong quy hoạch chung của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Chấp thuận của Thủ tướng dựa trên đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình về việc bổ sung vào quy hoạch khu du lịch VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km, từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đến gần hang Én - hang động lớn thứ 3 thế giới.
Thủ tướng yêu cầu các bên làm đúng quy trình, việc xây cáp treo không để ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với địa phương làm rõ các nội dung, đánh giá tác động môi trường và tham khảo UNESCO, sớm trình Chính phủ xem xét.
M.TUẤN
Người lao động