MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng với tăng thuế xăng dầu

Các chuyên gia kinh tế cho rằng không nên tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để “cứu” ngân sách. Mức tăng 8.000 đồng/lít là quá cao, vượt mức chịu đựng của người dân và nền kinh tế.

Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT - sửa đổi) vừa được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Dư luận quan tâm đặc biệt đến dự án luật này bởi trong đó có nội dung nâng khung thuế BVMT với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít.

Nhiều lý do tăng thuế

Trước đó, ngày 14-2, Bộ Tài chính có tờ trình Chính phủ, đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế BVMT (sửa đổi). Ngày 10-3, Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình số 78 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đề xuất, dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay. Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đang gấp rút triển khai các bước tiếp theo để hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đáng lưu ý là sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Ngoại giao với nhiều quan ngại về mức dự kiến tăng thuế BVMT…, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên phương án điều chỉnh khung thuế BVMT với xăng dầu từ mức 1.000-4.000 đồng/lít như hiện nay lên mức 3.000-8.000 đồng/lít. Khung thuế cũng được đề xuất điều chỉnh tăng đối với các sản phẩm xăng dầu khác như nhiên liệu bay, dầu diesel, ma dút, dầu nhờn. Riêng dầu hỏa không tăng khung thuế để không tác động đến người nghèo. Như vậy, mức thuế tối thiểu đề xuất bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng (3.000 đồng/lít) và mức thuế tối đa đề xuất tăng gấp đôi mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành.

Lý do để nâng khung thuế BVMT được Bộ Tài chính lý giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của tổ chức, cá nhân về BVMT; bảo đảm chính sách có tính ổn định; phù hợp với lộ trình dài, thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần và phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu. Bộ Tài chính cũng giải trình thêm việc phải tăng khung thuế BVMT là vì hiện nay, mức thuế đang áp dụng 3.000 đồng/lít xăng đã gần tiệm cận với mức trần trong khung thuế. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó nên cần mở rộng khung thuế.

Đồ họa: Fương anh

Có bảo đảm chi cho môi trường?

VCCI tỏ rõ ý kiến lo ngại tăng thuế BVMT như trên sẽ tác động trực tiếp đến cả nền kinh tế vì đây là mặt hàng thiết yếu, việc tăng giá không có tác động làm hạn chế tiêu thụ. Đặc biệt đối với các ngành tiêu thụ xăng dầu lớn như vận tải, thủy sản (xăng dầu chiếm 35%-40% cơ cấu giá thành) là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới nên chi phí xăng dầu tăng sẽ làm giảm động lực của quá trình chuyển đổi quan trọng này.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định thuế BVMT tăng quá cao có thể vượt mức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn bày tỏ băn khoăn về việc sử dụng nguồn thu từ sắc thuế này.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng số thu thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm, chiếm tỉ trọng khoảng 1,5%-4,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế số chi cho BVMT vẫn thấp hơn số thu, thậm chí chỉ bằng 1/4 số thu. “Người dân mong muốn nguồn thu từ thuế BVMT phải chi đúng mục đích, không thể tiền thu vì mục đích này lại chi cho việc khác. Không nên nghĩ cách tăng thuế BVMT để “cứu vãn” ngân sách mà cần có tổ chức chuyên trách việc BVMT, giám sát việc xử lý chất thải rắn, lỏng, khí đồng thời xử lý nghiêm doanh nghiệp không chấp hành và kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu tiền thuế thu được cho công tác BVMT” - ông Long góp ý.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhấn mạnh nguồn thu thuế BVMT phải bảo đảm chỉ dành để chi cho các nhiệm vụ BVMT. “Người dân đóng thuế BVMT tăng lên nhưng nguồn thu này chi cho mục đích khác, đến lúc môi trường ô nhiễm vì khí thải lại bảo không có đủ chi phí là không chấp nhận được” - ông Lưu Bích Hồ nói.

Trước những băn khoăn trên, Bộ Tài chính giải thích: Chi ngân sách nhà nước cho BVMT là chi cho mục đích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng BVMT công cộng; chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường như hoạt động điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, xử lý chất thải nguy hại …

Đánh thuế cao, chưa hợp lý

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng có nhiều cách để BVMT, trong đó đánh thuế sản phẩm tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường như xăng dầu chỉ là một giải pháp. Tuy nhiên hiện nay, các nước đánh thuế BVMT đối với xăng dầu chưa phải là quá nhiều và nếu có thì cũng không cao. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm về đánh thuế BVMT của các nước cũng như tỉ trọng từng sắc thuế trong tổng số thu thuế đối với hàng hóa. Riêng thuế BVMT đánh bằng số tiền tuyệt đối trên một lít xăng dầu là chưa hợp lý.

Còn theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, để tạo được sự đồng thuận tăng thuế, Bộ Tài chính cần giải trình kỹ về thu - chi của sắc thuế này. Trong đó cần nêu rõ lý do để nới rộng khung thuế lên gấp 2 lần và có nghiên cứu rõ về hiệu quả điều tiết của nhà nước đối với tiêu dùng xăng dầu thông qua chính sách thuế mới. Đồng thời giải trình rõ chi ngân sách cho BVMT được tăng lên và dự kiến có hiệu quả ra sao, đem lại lợi ích thế nào đối với xã hội chứ không phải chỉ là đánh giá chung chung là đã tăng tổng chi cho sự nghiệp BVMT.

Theo Tô Hà

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên