Tháng 10, doanh nghiệp bất động sản sẽ hết tiền?
Với việc room cho vay vào thị trường bất động sản dần cạn kiệt, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực này đưa ra nhận định, thị trường sẽ phải đối mặt với áp lực vốn từ nay đến cuối năm. Thời điểm căng nhất được dự báo rơi vào tháng 10, tháng 11.
Doanh nghiệp bất động sản đang lo cạn dòng tiền.
Doanh nghiệp cạn tiền
Ngày 21/8/2022, chị N.T.N.H, nhân viên một công ty bất động sản lớn tại TP.HCM có văn phòng tại huyện Bình Chánh nhận được thông báo từ phía Ban giám đốc rằng lương và các khoản thanh toán mà chị H đã ứng để chi phí đối ngoại sẽ chậm thanh toán 10 ngày vì hiện công ty đang kẹt dòng tiền.
Theo chị H, doanh nghiệp này đang triển khai bán dự án chung cư tại quận 7, nhưng vì lượng hàng bán ra chậm, cộng thêm việc phải xoay dòng tiền thực hiện pháp lý dự án mới, trong khi ngân hàng lại siết "room" tín dụng vay nên không thể xoay được dòng tiền lớn để bù chi phí công ty.
"Việc doanh nghiệp bất động sản vay vốn hiện nay là vô cùng khó, trước đây chỉ cần doanh nghiệp có đất, dự án có Quyết định 1/500 là ngân hàng có thể cho vay, nhưng giờ đây muốn vay thì dự án phải đầy đủ pháp lý mới được ngân hàng xét duyệt", chị H nói.
Cũng theo chị H, tình trạng khó khăn đến mức hiện Ban lãnh đạo đang phải vận động nhân viên từ cấp trưởng phòng trở lên đứng vay nợ cá nhân cho công ty để có tiền hoạt động. Cụ thể, công ty sẽ ký giấy bán sản phẩm số lượng lớn cho nhân viên, rồi nhân viên sẽ mang số sản phẩm này để vay ngân hàng, sau khi ngân hàng giải ngân thì tiền sẽ chuyển về lại cho công ty. Lãi hàng tháng và gốc công ty sẽ thanh toán, nhân viên chỉ đứng tên vay.
Không chỉ doanh nghiệp gặp khó trong việc vay tiền mà chính người mua nhà ở thực cũng trong tình trạng khó khăn khi vay. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một dự án chung cư đang mở bán ở TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, anh Võ Tá Lân đăng ký mua một căn hộ chung cư rộng 68m2 với giá 2,4 tỷ đồng, anh hiện có 1 tỷ và muốn vay 1,4 tỷ.
"Thế nhưng, dù hồ sơ được thông báo đủ điều kiện vay, gói vay 25 năm. Tuy nhiên, ngân hàng thông báo rằng hiện room cho vay ở mảng bất động sản đã cạn, hồ sơ sẽ được giải ngân vào tháng 10 và bằng 4 đợt", anh Lân nói.
Cũng vì việc giải ngân khoản vay chậm và chia thành nhiều lần nên chủ đầu tư dự án không đồng ý thanh toán, do vậy anh Lân không thể mua được nhà.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Thăng Long chia sẻ, tín dụng dành cho bất động sản từ đầu năm đến tháng 6 - 7 đã gần như cạn kiệt.
Theo ông Dũng, nguồn vốn ngân hàng dành cho các doanh nghiệp lớn vay là chủ yếu nên nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể tiếp cận được nguồn vốn, do đó tín dụng trong 6 tháng còn lại dự báo sẽ rất khó khăn. Bây giờ nếu nới "room" tín dụng sẽ tạo ra lạm phát, Nhà nước chắc chắn sẽ không bao giờ chịu câu chuyện đó. Không những vậy, điều này còn tạo nên hệ lụy rất lớn là khi tiền ra ngoài thị trường nhiều thì giá bất động sản tiếp tục tăng lên, làm méo mó giá trị và giá cả, không phản ánh đúng tương quan, làm cho bất động sản tăng ảo.
"Lạm phát cộng giá bất động sản tăng ảo là hai hệ lụy về kinh tế cực kỳ lớn, thế nên tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải siết và uốn lĩnh vực bất động sản để thiết lập lại sự ổn định của thị trường chứ không thể nào để cho tình trạng không có 'biên giới' trong lĩnh vực này như thời gian qua", ông Dũng nói.
Người mua nhà cũng thiếu tiền vay
Như đã đề cập ở trên, việc siết "room" tín dụng bất động sản ngoài ảnh hưởng đến doanh nghiệp, chủ đầu tư thì người có nhu cầu mua nhà ở thực cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Thắng, chuyên gia tài chính ngân hàng tại TP.HCM chia sẻ, thực tế các ngân hàng đều mong muốn cho vay mảng bán lẻ (vay sửa chữa nhà, vay mua nhà mới, vay đổi nhà, vay phục vụ sản xuất kinh doanh...) và không muốn bỏ đi thị phần này.
Tuy nhiên để trở thành ngân hàng bán lẻ thì không dễ dàng, đâm ra các ngân hàng vẫn phải tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn là cho vay các công ty bất động sản lớn để hạch toán lợi nhuận là có lời nhưng thực tế tiền chưa vào, thậm chí phải đảo nợ, còn trên thực tế, chủ đầu tư chưa có tiền để trả.
"Từ giờ đến cuối năm, tôi nghĩ, dòng tiền dành cho bất động sản, dành cho room tín dụng mới là không có. Do vậy, người có nhu cầu ở thực cũng sẽ rất khó có cơ hội để sở hữu một căn nhà", ông Thắng nhận định.
Cũng theo ông Thắng, thị trường sẽ đối mặt với câu chuyện căng thẳng nguồn vốn từ giờ đến cuối năm. Và thời điểm căng nhất có thể rơi vào tháng 10, tháng 11.
Khẳng định cho nhận định này, ông Thắng lý giải, hiện doanh nghiệp bắt đầu "cạn" tiền từ tháng 6-7 thì vẫn còn những nguồn khác có thể "sống sót" hết quý II. Trong khi đó, phải đến tháng 12 mới nổi lên hy vọng, đợi đến năm tài chính (tháng 1/2023) ngân hàng mới giải ngân lại. "Cho nên tôi nghĩ năm nay, thời điểm căng thẳng nhất sẽ rơi vào tháng 10, tháng 11”, ông Thắng nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HRREA) cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM bắt đầu ngấm sức ép rất lớn về vốn sau các sự cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.
"Theo phản ánh của doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng rất khó trong khi trái phiếu hầu như đóng băng. Cần phải nhanh chóng đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vận hành lành mạnh trở lại để thị trường bất động sản hoạt động thông suốt, nếu không cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng", ông Châu đề nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp bất động sản, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông khẳng định, tình trạng doanh nghiệp địa ốc "cạn tiền" là có thực trên thị trường hiện nay. Đặc biệt các doanh nghiệp đang phát triển dự án mới rất cần vốn để triển khai.
Cũng theo ông Phúc, việc siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt không làm giảm giá bất động sản ở các thành phố (bởi nguyên nhân là nguồn cung khan hiếm), mà còn có thể đẩy một số doanh nghiệp vào tình trạng phá sản. Vì vậy, bên cạnh siết tín dụng đầu cơ, Chính phủ cần nghiên cứu việc phát triển nhà ở xã hội để cải thiện nguồn cung bất động sản.
Nhà đầu tư