Tháng 4 gửi tiền kỳ hạn 1 - 3 tháng ở ngân hàng nào có lãi cao nhất?
Ảnh minh họa
Từ đầu tháng 4, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với sự điều chỉnh tăng nhẹ. Mặc dù mức trần lãi suất cho các kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng là 4%/năm nhưng biểu lãi suất ở các nhà băng có sự khác biệt rất lớn, có nơi chỉ 2,7%/năm, có nơi hơn 3% và có nơi thì chạm trần.
- 11-04-2022Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
- 09-04-2022Vì sao Big 4 ngân hàng đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động?
- 02-04-2022Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
Ngoài ra, gửi tiền tại quầy và gửi online cũng có sự chênh lệch lãi suất đáng kể ngay ở chính từng nhà băng.
Gửi tại quầy
Với kênh giao dịch tại quầy kỳ hạn từ 1-3 tháng, mức lãi suất phổ biến dao động từ 3,1-3,8%, cao hơn mức lãi suất tháng 3 (dao động từ 3-3,5%). Trong đó, GPBank là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất là 4%/năm. SCB cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ 3,95%/ năm (đầu tháng 3), lên 4%/năm – mức lãi suất cao nhất hiện nay. Xếp sau là Nam A Bank với lãi suất 3,95%/năm áp dụng cho cả hai kỳ hạn gửi.
MB Bank có mức lãi suất thấp nhất với 2,7%/năm với kỳ hạn 1 tháng và 3,4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng. Nhóm ngân hàng big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) có lãi suất ở mức trung bình thấp, với 3,1% cho thời hạn 1 tháng và 3,4% cho thời hạn 3 tháng; trong đó lãi suất của Vietcombank thấp hơn một chút với 3-3,3%.
Các ngân hàng liên doanh như Indovina và VRB cũng công bố mức lãi suất khá cạnh tranh với 3,3% - 3,6% (Indovina) và 3,8% - 3,8% cho các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng.
Tuy nhiên, những ngân hàng có 100% vốn đầu tư nước ngoài lại tỏ ra kém cạnh tranh hơn hẳn khi chỉ có Public Bank "gia nhập" vào mặt bằng lãi suất chung trong khi những ngân hàng còn lại đều duy trì lãi suất ở mức dưới 3%.
Gửi trực tuyến
Hình thức gửi tiết kiệm online tại các ngân hàng đang được khuyến khích, vì vậy có mức lãi suất cao hơn (thường từ 0,2-0,3 điểm %) so với tiền mặt gửi tại quầy. Cũng có ngân hàng tăng lãi suất cao hơn hẳn; ví dụ như MSB và Hong Leong Bank tăng 0,5% với kỳ hạn 1 tháng, hay Saigonbank tăng 0,8% với kỳ hạn 1 tháng và 0,6% với kỳ hạn 3 tháng. Trong khi đó, một số ngân hàng lại không có sự điều chỉnh hoặc chỉ điều chỉnh nhẹ từ 0,1 – 0,2 % ở hai mức kỳ hạn này. Điển hình là các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB hay Bắc Á.
Với kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online, có khá nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất cao kịch trần như GPBank, SCB, PVcomBank, Saigonbank. Các ngân hàng big 4 tiếp tục nằm trong top những ngân hàng có lãi suất thấp khi chỉ áp dụng mức lãi suất từ 3,1% với kỳ hạn 1 tháng và từ 3,4% - 3,55% với kỳ hạn 3 tháng.
Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 3,5 – 4 %. Thấp nhất là nhóm ngân hàng có 100% vốn đầu tư nước ngoài như Hong Leong Bank (3,3%) và ShinhanBank (3,05%)
Bí quyết để đạt được nhiều lợi ích nhất từ lãi suất ngân hàng tháng 4/2022
Theo các chuyên gia khuyến nghị, nếu có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng, những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ là lựa chọn hợp lý, khi có mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm lên đến 4%/năm. Nhóm ngân hàng lớn lại chỉ áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn này ở mức 3,4%/năm. Sở dĩ các ngân hàng lớn có thể đưa ra mức lãi suất thấp hơn bình quân hệ thống ngân hàng vì đã có được hệ thống mạng lưới rộng, dễ tiếp cận người có nhu cầu gửi.
Bên cạnh đó, việc gửi tiền ở nhiều kỳ hạn khác nhau cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Việc phân chia này sẽ giúp kiểm soát được tài chính nếu chẳng may muốn dùng tiền gấp mà không ảnh hưởng hết đến toàn bộ số tiền tiết kiệm.