MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 9/2018 xuất khẩu gạo sụt giảm rất mạnh

14-10-2018 - 17:25 PM | Thị trường

Xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm khoảng 15% trong tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… với các sản phẩm đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo sau khi tăng mạnh trong tháng 8/2018 (tăng 36,5% về lượng và tăng 33,8% về kim ngạch so với tháng 7/2018), thì sang tháng 9/2018 lại sụt giảm rất mạnh 40,6% về lượng và giảm 41,4% về kim ngạch, đạt 360.188 tấn, thu về 173,94 triệu USD. So với cùng tháng năm ngoái cũng giảm 30,2% về lượng và giảm 26,4% về kim ngạch, nhưng tính chung trong cả 9 tháng đầu năm 2018 lượng gạo xuất khẩu của cả nước vẫn tăng 5,9% về lượng và tăng 20,5% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 4,89 triệu tấn, tương đương 2,46 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng 9/2018 giảm 1,3% so với tháng 8/2018 nhưng tăng 5,4% so với tháng 9/2017, đạt 482,9 USD/tấn. Tính trung bình trong 9 tháng đầu năm đạt 502,8 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 9/2018 xuất khẩu gạo sụt giảm rất mạnh - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo tháng 9/2018 giảm mạnh do hầu hết các thị trường chính đều giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Cụ thể, xuất sang Indonesia liên tục sụt giảm mạnh trong 4 tháng gần đây (tháng 6 giảm 58% cả về lượng và kim ngạch, tháng 7 giảm trên 6% cả về lượng và kim ngạch, tháng 8 giảm 99% cả về lượng và kim ngạch), tháng 9 giảm 79,6% về lượng và giảm 82% về kim ngạch, đạt 156 tấn, tương đương 82.680 USD. Tuy nhiên, trong mấy tháng đầu năm xuất sang thị trường này tăng rất mạnh, nên cộng chung cả 9 tháng, xuất khẩu gạo sang Indonesia vẫn dẫn đầu về mức tăng trưởng, tăng gấp 50,2 lần về lượng và gấp 67,1 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 770.968 tấn, tương đương 361,91 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu sang Indonesia tháng 9/2018 mặc dù giảm 11,5% so với tháng trước đó, đạt 530 USD/tấn, nhưng tính trung bình trong cả 9 tháng thì giá vẫn tăng mạnh 33,7% so với cùng kỳ, đạt 469,4 USD/tấn.

Gạo xuất sang Philippines trong tháng 9/2018 cũng giảm rất mạnh trên 70% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 8/2018, đạt 44.876 tấn, tương đương 18,62 triệu USD. Tính chung cả 9 tháng, lượng gạo xuất sang thị trường này vẫn tăng 32,4% so với cùng kỳ, đạt 654.577 tấn, kim ngạch tăng 51,9%, đạt 298,45 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình tăng 14,8%, đạt 455,9 USD/tấn.

Xuất khẩu sang Ghana tháng 9/2018 cũng giảm 69% cả về lượng và kim ngạch, đạt 24.743 tấn, tương đương 14,07 triệu USD, nhưng tính chung cả 9 tháng đầu năm vẫn tăng 2,6% về lượng và tăng 13% về kim ngạch, đạt 297.855 tấn, tương đương 172,61 triệu USD. Giá xuất khẩu đạt trung bình 579,5 USD/tấn, tăng 10%.

Thị trường Iraq trong tháng 9 không nhập khẩu gạo từ Việt Nam, nhưng tính chung cả 9 tháng đầu năm lượng gạo vẫn tăng mạnh 208,7% so với cùng kỳ, đạt 210.000 tấn, kim ngạch cũng tăng 255,8%, đạt 120,06 triệu USD, giá xuất khẩu tăng 15,2%, đạt trung bình 571,7 USD/tấn.

Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, trong tháng 9 tăng mạnh 22,7% về lượng và tăng 30,9% về kim ngạch, đạt 110.497 tấn, tương đương 51,03 triệu USD, nhưng tính chung cả 9 tháng đầu năm thì lượng gạo lại sụt giảm 37,2% và kim ngạch giảm 27,7% so với cùng kỳ, đạt 1,13 triệu tấn, tương đương 580,88 triệu USD. Giá gạo xuất sang Trung Quốc trung bình 9 tháng đạt 515,4 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Ngoài các thị trường chủ đạo đạt mức tăng trưởng như trên, thì xuất khẩu gạo còn tăng mạnh trên 100% về lượng và kim ngạch ở các thị trường như: Ba Lan tăng 357% về lượng và tăng 422% về kim ngạch, đạt 2.989 tấn, tương đương 1,74 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 331,4% về lượng và tăng 369,3% về kim ngạch, đạt 4.547 tấn, tương đương 2,61 triệu USD; Pháp tăng 277,8% về lượng và tăng 197,6% về kim ngạch, đạt 801 tấn, tương đương 587.709 triệu USD.

Ngược lại, lượng gạo xuất khẩu sụt giảm rất mạnh ở các thị trường như: Senegal giảm 99,6% về lượng, đạt 93 tấn; Brunei giảm 88%, đạt 1.945 tấn; Chile giảm 93%, đạt 309 tấn; Bangladesh giảm 91,7%, đạt 19.709 tấn; Ukraine giảm 80,7%, đạt 1.046 tấn; Bỉ giảm 79,9%, đạt 521 tấn.

Thùy Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên