MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tháng năm rực rỡ": Ở tuổi 40, hóa ra có bỏ máu, bỏ nước mắt cũng chẳng mua được tuổi trẻ...

21-03-2018 - 08:41 AM | Sống

Thời gian trôi, con người già đi, những giấc mơ biến mất. Hãy tự hỏi lại bản thân đi: Bạn đã dành cả thanh xuân để làm gì?

Vốn dĩ đời chẳng là thơ nên đời sẽ nhấn chìm mọi giấc mơ.

"Tháng năm rực rỡ" chắc hẳn là bộ phim Việt được người ta nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Một bộ phim của 2018 nhưng lại nói về chuyện đời của những cô học trò những năm 1975. Thế nên, những thế hệ học sinh 7x, 8x, thậm chí là 9x, mừng rỡ khi được xem lại những thước phim quá khứ của bản thân mình.

Thời học sinh ấy mà, bất cứ ai, cũng muốn giữ riêng cho mình là những tháng năm rực rỡ nhất, những tháng năm tươi đẹp nhất, để khi nhìn lại, người ta thấy được mình đã từng là một cô bé, cậu bé như thế nào.

Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, và, thời gian thì luôn tàn nhẫn trôi qua, vô tình giết chết những giấc mơ. Chẳng có lấy một ai được trải qua những tháng năm được ngồi trên ghế nhà trường lần thứ hai cả, vậy nên, khi lớn tuổi hơn, người ta lại càng nghĩ nhiều về những ngày tháng vô ưu ấy.

Tháng năm rực rỡ: Ở tuổi 40, hóa ra có bỏ máu, bỏ nước mắt cũng chẳng mua được tuổi trẻ... - Ảnh 1.

Để rồi, bạn thấy đấy, thực tế đã biến những cô cậu học sinh mơ mộng thành những con người lăn lộn giữa cuộc đời, gai góc hơn, nếm được nhiều vị cuộc sống hơn. Những cô bạn mộng mơ của "Tháng năm rực rỡ" cũng không là ngoại lệ.

Một Bảo Châu trong sáng, điệu đà, luôn muốn trở thành minh tinh màn bạc, được triệu người tung hô, nhưng rồi sau này lại trở thành một Bảo Châu u buồn, chấp nhận làm gái để nuôi thân mình.

Một Lan Chi đáng yêu, vui vẻ, luôn muốn trở thành chủ ngân hàng, có thật nhiều tiền, nhưng rồi sau này lại trở thành bà chủ của một tiệm cầm đồ ở xóm lao động nghèo, đến nỗi tiền để chữa bệnh tim cho con gái mãi chưa dành dụm được.

Sự thật của giấc mơ thật phũ phàng phải không? Cái giá của tuổi trẻ đắt quá, làm sao mua lại được? Chính những sương gió, những đớn đau của cuộc sống đã bóp chết những giấc mơ ngày nào. Chắc hẳn, nếu được tua lại những thước phim của quá khứ, người ta cũng chẳng nghĩ rằng thực tế nghiệt ngã thế!

Nhưng, có lẽ, cũng chẳng cần bước tới tuổi 40 mới có thể cảm nhận được nghiệt ngã ấy. Những bạn trẻ ngày nay, 25, 30 tuổi, đã có thể cảm nhận được mùi vị này. Những bạn trẻ thời 9x, những bạn trẻ hiện đang xông pha nhiều nhất ở thị trường lao động, chắc hẳn biết rõ cái đắng cái chua mà cuộc đời ban tặng.

Những ngày tháng cuối cấp 3, đứa nào đứa nấy cũng đi học ở trường, rồi lại đạp xe đi học thêm học nếm ở lò luyện thi, tối về lại làm bài, ôn bài để chuẩn bị cho kì thi đại học sắp tới. Thời tiết những ngày hè có thể khắc nghiệt nhưng quyết tâm đỗ đại học của đứa nào cũng cao ngút trời.

Tháng năm rực rỡ: Ở tuổi 40, hóa ra có bỏ máu, bỏ nước mắt cũng chẳng mua được tuổi trẻ... - Ảnh 2.

Rồi cũng tới những ngày tháng nhận được giấy báo đỗ đại học, khệ nệ mang đồ lên thành phố đi học đại học, làm quen với một cuộc sống không có bố mẹ ở bên. Mỗi người có một cách sử dụng thời gian học đại học khác nhau, người thì chăm chăm tìm việc làm, người thì sáng tối chỉ thấy vác sách vở lên thư viện học...

Còn đa số thì thấy cuộc sống đại học đúng là sướng như mọi người nói, đi học thì đến điểm danh, thầy cô nào khó tính thì ngồi lại ngủ, tối lên đèn là cày phim, chơi game đau rank… Tình trạng này có tên là "lười có tổ chức", "lười theo tập thể". Để rồi, 20 năm sau ngẫm lại những ngày tháng ấy, chắc hẳn có người thấy trái tim mình như bóp nghẹt.

Có lẽ, vì đau, lại vì tiếc nữa, thời gian thì có nhiều nhưng cuối cùng lại dùng thời gian như một kẻ hồ đồ. Trước khi lên đại học, đứa nào mà chẳng gạch đủ thứ việc cần làm trong đầu sẽ làm, đi chỗ này chỗ kia, thử món này món nọ, phải tham gia sự kiện này chương trình kia…

Và rồi, những ước mơ ấy đang ở đâu? Để nhớ về một thời vô ưu ấy, có nên đóng khung những ước mơ, ép plastic rồi treo lên tường không? Thời gian trôi nhanh thật nhỉ, mà chẳng ai biết cách nào để ngăn thời gian dừng lại...

Thời gian trôi, con người già đi, những giấc mơ biến mất.

Hãy tự hỏi lại bản thân đi: Bạn đã dành cả thanh xuân để làm gì?

Theo Sinh Hồng

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên