Thành công trong sản xuất vắc xin Sputnik tại Việt Nam: Từ loay hoay sang tự chủ, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin của khu vực và thế giới trong tương lai
Một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế vừa sản xuất thành công từ bán thành phẩm lô vắc xin phòng COVID-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, mở những tiềm năng to lớn cho nỗ lực tự chủ vắc xin, qua đó vực dậy nền kinh tế vốn chịu nhiều tác động của đại dịch.
- 27-09-2021Chủ tịch Quốc hội: 'Doanh nghiệp lỗ rồi lấy gì mà giãn, hoãn, giảm thuế?'
- 27-09-2021Reuters: Tập đoàn T&T chính thức đạt thỏa thuận mua vaccine Sputnik V
- 27-09-2021Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’
Vắc xin – chìa khóa đưa cuộc sống trở lại bình thường
Những ngày cuối tháng 9, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Là quốc gia giàu nhất, Mỹ cũng nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao nhất thế giới. Ngay gần Việt Nam, Singapore cũng đang thay đổi các quy tắc chống dịch để phục hồi kinh tế trong bối cảnh phần lớn dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Không ai nghi ngờ vai trò của vắc xin đối với phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, điều mà thế giới đang hết sức quan ngại chính là việc phân phối vắc xin không đồng đều. Trong khi các nước giàu sở hữu lượng vắc xin vượt xa nhu cầu, những nước nghèo nhất chỉ có tỷ lệ % dân số được tiêm chủng ở mức 1 con số. Việc trông chờ vào các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như COVAX, chắc chắn không thể đủ đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, nhất là khi nguồn cung đã hạn chế lại phân phối không đều.
Việt Nam không phải ngoại lệ. Suốt hơn 1 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta đã có những biện pháp rất hiệu quả để ngăn chặn đại dịch lây lan. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta với độc lực cao cùng khả năng lây nhiễm mạnh đã khiến số ca mắc tăng đột biến. Khi các đầu tàu kinh tế, các địa phương tập trung rất nhiều khu công nghiệp bị dịch bệnh tấn công, vắc xin trở thành chìa khóa để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tầm quan trọng của vắc xin khiến vấn đề này xuất hiện trong gần như mọi hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Ngoại giao vắc xin trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Trung tuần tháng 8, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin đã được thành lập với mục tiêu tận dụng mọi nguồn lực hợp pháp để đưa vắc xin về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, tạo động lực cho kinh tế phục hồi sau những biến cố dịch bệnh.
Tiềm năng lớn đằng sau thành tựu của vắc xin Made in Vietnam
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin nhằm hướng tới tự chủ sản xuất vắc xin ngay tại Việt Nam. Ngày 26/8, một bước ngoặt lớn đã trở thành hiện thực. Lô vắc xin Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất nhượng quyền giai đoạn đầu từ bán thành phẩm vắc xin tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.
Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Theo thỏa thuận với Viện Gamalaya, vắc xin Sputnik V do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn dân. Bên cạnh đó, thỏa thuận với nhà sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga không chỉ đáp ứng nhu cầu của Việt Nam mà còn có tiềm năng đưa chúng ta trở thành trung tâm sản xuất vắc xin cho khu vực và thế giới trong tương lai gần.
Ở thời điểm hiện tại, có gần 100 quốc gia phê duyệt vắc xin Sputnik V của Nga. Đây cũng là loại vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép. Các dữ liệu tiêm chủng ở nhiều quốc gia cũng cho thấy khả năng của Sputnik V trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Tại Việt Nam, vắc xin Sputnik V cũng đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Vắc xin Sputnik V được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus, là một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen. Để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một ý tưởng là sử dụng hai loại vector adenovirus khác nhau (rAd26 và rAd5) cho lần tiêm chủng thứ nhất và thứ hai. Người sử dụng vắc xin Sputnik V sẽ phải tiêm 2 mũi, sử dụng hai loại vector khác nhau là rAd5 và rAd26. Vector đầu tiên giúp kích thích miễn dịch và vector thứ 2 làm tăng hiệu quả của vắc xin.
Tiếp theo, Viện Gamalaya của Nga đang đưa vào sản xuất đại trà loại vắc xin Sputnik Light chỉ cần tiêm một liều, thuận tiện hơn rất nhiều về chi phí và thời gian cho việc sản xuất, vận chuyển và tiêm chủng vắc xin.
Trong khi đó, năng lực nội tại của ngành sản xuất vắc xin Việt Nam cũng rất đáng tự hào. Phía Nga đã thẩm định và đánh giá rằng vắc xin của nhà sản xuất tại Việt Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu. Với việc hợp tác sản xuất vắc xin của Nga, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm vắc xin của khu vực, giúp vắc xin được xuất khẩu tới các quốc gia khác một cách thuận lợi và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, thành tựu của việc sản xuất thành công vắc xin Sputnik V Made in Vietnam cũng đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phổ cập tiêm chủng, qua đó sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hình ảnh những đường phố vắng tanh, các khu công nghiệp đóng cửa hay những người lao động mắc kẹt vì dịch bệnh cũng sẽ trở thành quá khứ. Ngành công nghiệp hàng không, du lịch… cũng đứng trước tiềm năng phục hồi to lớn.